(KTSG Online) - Lần đầu tiên Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh được công bố và TPHCM trở thành địa phương đứng đầu về năng lực logistics trên phạm vi cả nước.
Liền sau đó là Hải Phòng và Bình Dương, trong khi Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội là hai địa phương cùng xếp hạng thứ tư.
- Logistics tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu
- Phát triển bền vững – xu thế tất yếu để doanh nghiệp trường tồn
Ngày 17-11, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, lần đầu tiên công bố bản báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam. Bản báo cáo này do Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI) thực hiện trên cơ sở nhiệm vụ “Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong báo cáo lần đầu thực hiện có 26 tỉnh và thành phố đã được lựa chọn dựa trên sự nổi bật về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khối lượng hàng hóa luân chuyển và số lượng doanh nghiệp logistics. Với lần đánh giá này, có 21 địa phương ở tất cả các vùng kinh tế trong cả nước được đánh giá và xếp hạng.
Với thang điểm từ 0 – 100, 21 tỉnh thành này đã nhận được số điểm từ 43,3 đến 74,3 điểm. Đáng chú ý 3 địa phương có hoạt động logistics phát triển mạnh là TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương lần lượt chiếm 3 vị trí đầu tiên trên danh sách xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh logistics.
Ngoài ra, 5 địa phương trong danh sách dự kiến chưa được đánh giá do không nhận được phiếu kết quả khảo sát đầy đủ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics là Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Bình.
Theo PGS -TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, báo cáo LCI sẽ được duy trì thường kỳ nhằm cung cấp bức tranh logistics của tất cả các tỉnh, thành tại Việt Nam dựa trên 5 trụ cột chính gồm: kinh tế, dịch vụ logistics, khung pháp lý và chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực logistics. Bản báo cáo LCI này được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam với thời gian thực hiện hơn 1 năm từ ngày 11-8-2022 cho đến tháng 11-2023.
Theo tiến sĩ Hòa, với các tỉnh thành có thứ hạng LCI cao, cũng có căn cứ để tiếp tục duy trì và triển khai mạnh mẽ các chính sách nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh. Với các tỉnh thành có thứ hạng LCI chưa tốt, cũng có động lực để cải thiện những điểm hạn chế và phát huy những điểm lợi thế, từ đó tạo động lực phát triển mới cho kinh tế địa phương, bởi logistics được ví như xương sống, mạch máu của nền kinh tế.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ông Lê Duy Hiệp đã đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã cho ra đời một bản báo cáo tuy chưa đầy đủ nhưng nghiêm túc, sâu sắc, kỹ lưỡng để đưa ra 1 bức tranh toàn cảnh về năng lực cung cấp dịch vụ logistics của các địa phương.
Điểm đáng chú ý từ bản báo cáo LCI lần này chính là việc khẳng định mô hình hệ thống logistics cần thiết bao gồm 5 yếu tố là: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các nhà sử dụng dịch vụ logistics và khung thể chế - chính sách thay vì sử dụng mô hình trước đây chỉ có 4 yếu tố.
Báo cáo LCI sẽ được duy trì thường kỳ nhằm cung cấp bức tranh logistics của tất cả các tỉnh, thành tại Việt Nam dựa trên 5 trụ cột chính gồm: kinh tế, dịch vụ logistics, khung pháp lý và chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực logistics.