Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM gấp rút hoàn thiện các bệnh viện mới, ‘chia lửa’ cho y tế tuyến cuối

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hiện nay, một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM như Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn… đang gấp rút hoàn thành các dự án xây mới bệnh viện. Các bệnh viện cũng đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Điều này nhằm giảm bớt tình trạng người dân lên bệnh viện tuyến cuối để khám chữa bệnh.

Gấp rút hoàn thành dự án xây dựng mới bệnh viện

Trước tình hình cơ sở hạ tầng của một số bệnh viện cửa ngõ tại TPHCM không còn đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, vào năm 2021, ngành y tế thành phố đã chi hàng nghìn tỉ đồng để xây mới các bệnh viện. Trong đó nổi bật là ba dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi.

Về tiến độ thi công các dự án này, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, vào cuối năm nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn sẽ đi vào hoạt động. Riêng Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi sẽ hoạt động vào đầu năm 2025.

Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng, TPHCM chi hàng nghìn tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện cửa ngõ. Trong đó, tổng mức đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi là 1.365 tỉ đồng; Thủ Đức là 1.450 tỉ đồng và Hóc Môn là 1.491 tỉ đồng.

Với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng, dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đang dần hoàn thiện với các tòa nhà hiện đại. Ảnh: Minh Thảo
Dù thời tiết nắng nóng, nhưng các công nhân vẫn gấp rút sơn, sửa các toà nhà mới xây dựng để kịp tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2024. Ảnh: Minh Thảo

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức vào những ngày cuối tháng 4, dưới nắng nóng oi bức ở TPHCM, nhiều công nhân vẫn tất bật làm việc để hoàn thiện các công trình phía bên trong và ngoài cổng bệnh viện mới. Các khối nhà mới 10 tầng cũng đang dần được hoàn thiện.

Trao đổi với KTSG Online, ông Cao Tấn Phước, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết, nằm tại vị trí cửa ngõ của TPHCM, mỗi ngày, đơn vị này đón khoảng 2.600 đến 2.700 bệnh nhân đến khám chữa bệnh, lúc cao điểm đến 3.000 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương chiếm 40%, còn lại khoảng 60% là bệnh nhân tại thành phố Thủ Đức. Hiện bệnh viện đã thực hiện được các kỹ thuật hiện đại, từ lọc máu, thay huyết tương đến đặt stent mạch máu não…

Tuy lượng bệnh nhân càng ngày càng tăng (khoảng 15-20%) nhưng cơ sở hạ tầng của bệnh viện đang xuống cấp trầm trọng, ngay cả hệ thống xử lý nước thải cũng gặp nhiều sự cố. Vì vậy, tháng 11-2021, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã khởi công xây mới khu 500 giường bệnh, trong đó có 50 giường ICU, 12 giường hồi sức nhi, diện tích xây dựng hơn 78.000 m2 với 10 tầng và 1 tầng hầm. Đặc biệt có thêm 18 phòng mổ và 15 khoa phòng khác. Sau khi khu mới đi vào hoạt động, bệnh viện sẽ tiến hành sửa chữa khu nhà cũ để bảo đảm tổng quy mô bệnh viện là 1.000 giường.

Theo bác sĩ Phước, trước khi khởi công, bệnh viện có hơn 700 nhân viên nhưng để đáp ứng hoạt động thêm tòa nhà mới, bệnh viện đã làm đề án và được Sở Y tế duyệt nâng tổng nhân viên y tế lên 1.020 người. Bệnh viện đã tiến hành tổ chức thi tuyển viên chức nhằm bảo đảm có sẵn nhân lực để vận hành ngay khi công trình hoàn thiện.

Hiện Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức vẫn đang thi công các phần hoàn thiện và hệ thống kỹ thuật. Đơn vị dự kiến quí 3-2024 sẽ đưa khối phòng khám vào hoạt động, quí 4 sẽ đưa toàn bộ bệnh viện vào hoạt động, đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết.

Cùng với việc xây dựng các toà nhà mới, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức vẫn duy trì hoạt động tại cơ sở hiện tại. Ảnh: Minh Thảo

Nói về dự án xây mới bệnh viện, ông Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn thông tin, hiện dự án đang được thi công phần hoàn thiện và thi công lắp đặt các hệ thống kỹ thuật khu B và C khối nhà chính. Dự kiến quí 3-2024 đưa khối phòng khám vào hoạt động và quí 4 đưa toàn bộ bệnh viện vào hoạt động. Để chuẩn bị hoạt động, bệnh viện đã gửi danh sách dự trù các trang thiết bị y tế cần thiết để đưa vào vận hành bệnh viện mới.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, đại diện bệnh viện này cho biết hiện dự án xây mới của đơn vị đang gấp rút hoàn thiện. Trong đó, đơn vị đang trong quá trình triển khai thi công các hệ thống MEP (hệ thống liên quan đến điện, nước và cơ khí trong công trình xây dựng), phần hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông và cây xanh cảnh quan. Dự kiến quí 4-2024, bệnh viện sẽ đưa khối phòng khám vào hoạt động và toàn bộ dự án này sẽ được đưa vào hoạt động trong quí 1-2025.

Nâng cao chuyên môn, ‘chia lửa’ bệnh viện tuyến cuối

Ngành y tế TPHCM kỳ vọng khi đi vào hoạt động, các bệnh viện trên sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành. Người dân ở những khu vực này sẽ được chăm sóc sức khỏe trong điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật tốt hơn.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, hiện số lượng bệnh nhân đến bệnh viện rất đông và đang có xu hướng tăng lên. Trung bình mỗi ngày khám ngoại trú khoảng 1.600 bệnh nhân, nội trú khoảng 300 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân từ các tỉnh như Long An, Bình Dương… Tuy nhiên, cơ sở vật chất của bệnh viện cũ đã xuống cấp. Bệnh viện phải tu sửa nhiều lần. Không những vậy, nhiều trang thiết bị y tế đã cũ nên hoạt động không hiệu quả.

Ông Quân dẫn chứng máy chụp CT 16 lát cắt (phương tiện để chẩn đoán hình ảnh các bộ phận, cơ quan trong cơ thể như sọ não, vùng đầu mặt…) của bệnh viện đã hoạt động trên 15 năm. Tuy nhiên, hiện máy đã hư hỏng nặng hai năm nay, không thể dùng được. Không có máy chụp CT, bệnh viện phải gửi bệnh nhân qua các bệnh viện lân cận. Ngoài ra máy siêu âm, X-quang, bàn mổ, phòng mổ của bệnh viện cũng đã cũ nhưng bệnh viện vẫn phải tận dụng. Vì vậy, nếu sớm được đầu tư, người bệnh sẽ đỡ khổ hơn, ông Quân chia sẻ.

Bên cạnh mong muốn cơ sở vật chất hiện đại hơn, các bệnh viện cũng chủ động nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ. Theo ông Quân, để nâng cao chuyên môn đội ngũ y bác sĩ và đáp ứng nhu cầu vận hành sắp tới, bệnh viện đang đưa 130 bác sĩ đi học nâng cao trình độ. Bệnh viện cũng xúc tiến việc mời các chuyên gia đầu ngành, giáo sư về hợp tác hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật. Các hoạt động này vừa phục vụ công tác điều trị tại chỗ, vừa đào tạo cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng thực tập khi cơ sở mới đi vào vận hành.

Các bệnh viện cửa ngõ tại TPHCM được kỳ vọng sẽ giải quyết một phần tình trạng quá tải cho những bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành. Ảnh: Minh Thảo

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, để đáp ứng hoạt động thêm của tòa nhà mới, bệnh viện đã làm đề án và được Sở Y tế thành phố duyệt nâng tổng số nhân viên y tế lên 1.020 người (trước đó chỉ hơn 700 nhân viên). Bệnh viện đã tiến hành tổ chức thi tuyển viên chức nhằm bảo đảm có sẵn nhân lực để vận hành ngay khi công trình hoàn thiện.

Dù vừa xây dựng mới, vừa vận hành khu nhà cũ, rất nhiều công việc nhưng đội ngũ bác sĩ, nhân viên bệnh viện vẫn luôn bảo đảm khám chữa bệnh. Không chỉ đội ngũ y, bác sĩ mà người dân cũng rất vui và mong chờ khu nhà mới được đưa vào hoạt động. Có thể thấy rằng những nỗ lực của bệnh viện nhằm mong muốn “chia lửa” công tác khám chữa bệnh cho các đơn vị tuyến cuối, giảm bớt tình trạng người dân đổ xô lên tuyến cuối, ông Phước nói.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM, dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng. Bệnh viện được khởi công xây dựng vào ngày 15-11-2021. Bệnh viện có quy mô 1 tầng hầm và 10 tầng nổi với tổng diện tích sàn 78.281 m2.

Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn có tổng mức đầu tư hơn 1.824 tỉ đồng. Dự án này được khởi công xây dựng vào ngày 20-1-2021. Bệnh viện có quy mô 2 tầng hầm và 12 tầng nổi với tổng diện tích sàn 72.393 m2.  Bệnh viện này sẽ có quy mô 1.000 giường và 500 giường nội trú.

Đối với Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.854 tỉ đồng. Bệnh viện được khởi công xây dựng vào ngày 15-1-2021. Bệnh viện có quy mô 1 tầng hầm và 13 tầng nổi với tổng diện tích sàn 80.980 m2.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới