(KTSG Online) - Trong quí 3 vừa qua, doanh nghiệp tại TPHCM cắt, giảm lao động ở nhiều lĩnh vực như bán buôn, kinh doanh bất động sản, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải, vận tải đường sắt, đường bộ. Dự kiến, trong năm nay, TPHCM có hơn 1.200 doanh nghiệp tiến hành cắt, giảm lao động.
- Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao, ngành nào cắt giảm nhân viên nhiều nhất?
- Hàn Quốc miễn xử phạt đối với lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước
Theo trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM, kết quả khảo sát của gần 10.000 doanh nghiệp và hơn 233.400 lao động về chất lượng lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong 3 tháng gần đây cho thấy, hơn 1.200 doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong năm 2023, chiếm 12,73% tổng doanh nghiệp tham gia khảo sát, TTXVN đưa tin.
Trong đó, những lĩnh vực cắt giảm nhiều lao động như bán buôn; xây dựng nhà các loại; hoạt động kinh doanh bất động sản; bán, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động kiến trúc, kiểm tra và phân tích kỹ thuật; hoạt động xây dựng chuyên dụng; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; bán lẻ; vận tải đường sắt, đường bộ và vận tải đường ống; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.
Về các hình thức cắt giảm lao động, có hơn 61% tổng số doanh nghiệp thực hiện giảm giờ làm hoặc nghỉ việc luân phiên; khoảng 9% số doanh nghiệp khảo sát trả lời là tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương; hơn 19% doanh nghiệp lựa chọn hình thức cho lao động thôi việc và hơn 9% lựa chọn hình thức tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương.
Trung tâm dự báo trong những tháng cuối 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp sẽ còn khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cần sử dụng nhiều lao động trong sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ.
TTXVN dẫn thông tin báo báo từ các địa phương cho biết, trong quí 3-2023, cả nước có khoảng 54.200 người lao động nghỉ việc, giãn việc. Số lao động này chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, lĩnh vực da giày và dệt may có lao động nghỉ việc, giãn việc cao nhất với tỷ lệ lần lượt là 31,9% và 30,9%.