TPHCM không làm làn đường riêng chỉ cho xe buýt nhanh
Đào Loan
(TBKTSG Online) - TPHCM sẽ không làm kiểu xe buýt nhanh (BRT) có làn đường riêng mà cho phép một số phương tiện khác, có chọn lọc lưu thông chung trong những thời điểm thích hợp và kết nối với một số tuyến ngoài làn đường của BRT để tránh lãng phí.
Người dân đợi xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1 - Ảnh: Đào Loan |
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM thì Thường vụ Thành Ủy đã có ý kiến về xe buýt nhanh và quyết định thành phố sẽ không làm kiểu buýt nhanh có làn đường riêng vì không phù hợp với đặc thù của thành phố. Nếu cho BRT sử dụng làn đường riêng thì sẽ lãng phí vì có rất nhiều thời gian làn đường này không có xe lưu thông trong khi những làn đường bên cạnh lại kẹt xe.
Vì vậy, thành phố sẽ làm việc với Ngân hàng châu Á để ngân hàng tài trợ TPHCM thay đổi thiết kế, cho phép một số phương tiện khác, có chọn lọc lưu thông chung trong làn đường BRT ở những thời điểm thích hợp, không làm ảnh hưởng đến buýt nhanh. Đồng thời, làn này cũng phải kết nối một số tuyến bên ngoài để đưa đón khách ở những nơi tập trung nhiều người như như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, Bến xe Miền Tây, Miền Đông để tránh lãng phí.
"Một xe buýt nhanh khoảng 80 chỗ, nếu đi lòng vòng không có khách thì sẽ lãng phí. Các nước như Singapore cũng làm vậy. Singapore cũng có những tuyến có làn đường nhanh và tuyến có làn đường chậm để kết nối đưa khách", ông nói vào hôm 11-1 tại hội nghị về du lịch.
Theo ông, phát triển xe buýt nhanh cùng các phương tiện giao thông công cộng khác như metro, xe đạp điện, xe điện... là những việc được TPHCM đẩy mạnh để giải quyết vấn đề về giao thông. Thành phố sẽ xây dựng mạng lưới kết nối để người dân có thể dễ dàng đi từ nhà, cơ quan đến nơi có phương tiện giao thông công cộng. Khi thấy việc đi lại tiện lợi, người dân sẽ giảm dần phương tiện giao thông cá nhân.
"Chúng tôi không có chỉ đạo hay chủ trương cấm các phương tiện giao thông cá nhân mà để cho người dân tự thấy sự hấp dẫn của giao thông công cộng và tự giảm", ông Tuyến nói.
Mới đây, thành phố vừa làm việc với một đơn vị Hàn Quốc. Đơn vị này sẽ cung cấp xe đạp điện cho người dân đi đến những trung tâm vận chuyển công cộng. Người dân chỉ cần tải phần mềm ứng dụng, trả tiền trực tuyến là có thể thuê xe đi rồi trả ở điểm cần dừng để lên phương tiện khác đi tiếp. Loại xe điện mở, chở khách từ một số bến như bến Bạch Đằng đến điểm tham quan, văn phòng làm việc cũng sẽ được tính toán phát triển. Hệ thống metro cũng đang dần hình thành. Trong đó, tuyến metro số 1 đã đạt 50% tiến độ và dự kiến cuối 2018 có thể hoàn thành.
"Thành phố đã tính toán giải quyết vấn đề kinh phí. Chính phủ cũng chia sẻ và sẽ có những thủ tục trình Quốc hội. Hiện nay, thành phố coi giao thông là vấn đề cốt tử cho sự phát triển", ông nói.
Đọc thêm:
Năm 2017, TPHCM sẽ có làn đường riêng cho xe buýt