Thứ tư, 23/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Kỳ vọng chuyển đổi xanh từ nền tảng tài chính xanh

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tài chính xanh không chỉ là chìa khóa giúp TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, mà còn hỗ trợ thành phố chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tái khẳng định vị thế đầu tàu với định hướng tăng trưởng xanh

50 năm từ ngày đất nước thống nhất, TPHCM luôn giữ vai trò là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước. Riêng giai đoạn 1990-1995, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 12%/năm.

Đặc biệt, nhiều mô hình kinh tế, chính sách mang tính chất đột phá được thí điểm tại đây. Chẳng hạn, khu chế xuất Tân Thuận, mô hình đầu tiên của Việt Nam được triển khai tại quận 7 để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

TPHCM cũng là địa phương đầu tiên đề xuất thành lập Quỹ đầu tư phát triển đô thị, thí điểm phát hành trái phiếu đô thị. Đồng thời là nơi thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM, đánh dấu sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Định hướng đúng đắn và tinh thần đổi mới đưa GRDP bình quân đầu người của TPHCM từ mức 700 đô la Mỹ năm 1996 lên mức 7.600 đô la năm 2024.

Kinh tế TPHCM vào đà phục hồi và tăng trưởng. Ảnh Quỳnh Trần

Nhưng những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của thành phố dần giảm sút. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của TPHCM cao hơn bình quân cả nước 1,22 lần. Giai đoạn 2016-2020, khoảng cách này thu hẹp còn 1,07 lần. Giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố chỉ bằng 0,67 lần cả nước, trong đó có một phần nguyên nhân do chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trong bối cảnh trên, năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31 đề ra nhiệm vụ cho TPHCM phải tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8-8,5% đến 2030, sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á và châu Á.

Chính quyền TPHCM cũng chủ động nâng mục tiêu tăng trưởng từ năm 2025 lên 10%, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đồng thời, xác định chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn là lựa chọn tất yếu, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa đảm bảo cho người dân một môi trường sống lành mạnh.

"Thành phố đã và đang chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến cải thiện chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn", Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được khẳng định tại hội thảo TPHCM - Thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển được tổ chức vào cuối tháng 3-2025.

Định hướng này tiếp tục được lãnh đạo thành phố tái khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ 4, diễn ra trung tuần tháng 4-2025. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết chính quyền thành phố đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khung chiến lược này có bốn nội dung, gồm: phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố đang triển khai chính sách tài chính đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 và thu hút vốn đầu tư xanh qua trái phiếu xanh đô thị và PPP xanh.

“Thành phố cũng đề xuất nhiều nhóm giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý, đa dạng hóa nguồn vốn, phát triển sản phẩm tài chính xanh và tăng cường hợp tác quốc tế”, ông Dũng nói.

Khơi nguồn tài chính xanh để thúc đẩy chuyển đổi xanh

Xác định kinh tế xanh là con đường phát triển bền vững, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi mô tình tăng trưởng.

Toàn cảnh khu vực trung tâm TPHCM – “đầu tàu kinh tế” của cả nước.

Một trong những bước đi quan trọng trong chiến lược này là việc đưa vào vận hành tuyến Metro số 1 và 17 tuyến xe buýt điện cuối năm 2024, với kỳ vọng giảm đáng kể lượng CO2 từ giao thông – nguồn phát thải lớn thứ hai tại thành phố.

Ngoài ra, 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thành phố xử lý mỗi ngày bằng hai công nghệ chính, gồm chôn lấp và tái chế (69%), tái chế phân compost (21%). Lượng chất thải rắn sinh hoạt còn lại, khoảng 10%, được mang đi đốt. Hiện các cơ quan liên quan của thành phố cũng rà soát, tham vấn Bộ quản lý chuyên ngành, nhằm hoàn thiện khung pháp lý, triển khai quy hoạch xử lý chất thải và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải trên địa bàn TPHCM.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng kêu gọi đầu tư vào 28 dự án xanh, thuộc các lĩnh vực điện tử, vi mạch, trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao, giao thông, xử lý nước thải và chỉnh trang đô thị, với giá tổng giá trị 160.000 tỉ đồng.

Từ góc nhìn chuyên gia, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù cho TPHCM, đánh giá tín dụng xanh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất - kinh doanh theo hướng bền vững hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng, trong bối cảnh xu hướng phát triển bền vững ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Với TPHCM, dù có sáng kiến phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án, nhưng ông Lịch đánh giá giá trị phát hành còn nhỏ so với tổng nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và quản lý chất thải.

“Hiện nhiều tổ chức tài chính ngần ngại tham gia thị trường tài chính xanh do thiếu nhân lực, kỹ năng. Đồng thời, nhiều ngân hàng vẫn ưu tiên các dự án mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn hơn là đầu tư dài hạn vào dự án xanh”, ông Lịch đánh giá.

Để giải quyết vấn đề, ông Lịch đề xuất đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng, để mở rộng tín dụng xanh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, các tổ chức tín dụng phải xây dựng đội ngũ chuyên gia tài chính xanh có chuyên môn cao để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.

“Tín dụng không chỉ tập trung vào các dự án lớn như điện gió, điện mặt trời mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác trong hệ sinh thái kinh tế xanh”, ông Lịch lưu ý.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), nhấn mạnh vai trò của tài chính xanh trong  thu hút vốn đầu tư. Bởi tài chính xanh không còn giới hạn ở các doanh nghiệp môi trường, mà đã mở rộng sang nhiều ngành nghề, mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp.

Một báo cáo của IFC ước tính các cơ hội đầu tư về khí hậu của Việt Nam có thể lên tới 757 tỉ đô la vào năm 2030, tập trung vào năng lượng, giao thông và xây dựng xanh.

“Đây là cấu phần rất quan trọng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường và năng lượng tái tạo, bất động sản, nông nghiệp bền vững, tiêu dùng”, bà Hà nói.

Tuy nhiên, khó khăn hiện hữu là chưa có danh mục phân loại xanh, cơ chế ưu đãi về thuế, phí với các sản phẩm tài chính xanh chưa hoàn thiện, thiếu hụt nhân sự chuyên trách đánh giá và thẩm định dự án xanh. Các sản phẩm như trái phiếu xanh và các công cụ tài chính bền vững khác cũng thiếu sự đa dạng.

Do đó, bà Hà cho rằng phải hoàn thiện khung chính sách chuẩn cho tài chính xanh, đào tạo nhân lực chuyên trách và có chế tài mạnh với các doanh nghiệp niêm yết không tuân thủ các quy định về phát triển bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới