(KTSG Online) - Ngày 16-12, UBND TPHCM tổ chức hội nghị công bố việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI TPHCM 2022).
Đây là nỗ lực của TPHCM nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính; tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. DDCI cũng nhằm góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM cho những năm tiếp theo, sau nhiều năm bị tụt giảm.
- TPHCM sẽ đẩy mạnh phân cấp phân quyền để cải cách hành chính
- Chủ tịch TPHCM: nhìn thẳng hạn chế để sửa đổi tốt hơn
Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ thực hiện các khảo sát, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.
Số lượng tham gia khảo sát dự kiến khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể (kỳ vọng tỷ lệ hồi đáp 25–30%). Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương và 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành.
Nội dung khảo sát, lấy ý kiến bao gồm các chỉ số thành phần DDCI năm 2022, đó là: (1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; (2) Tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban ngành và chính quyền địa phương; (3) Chi phí thời gian; (4) Chi phí không chính thức; (5) Cạnh tranh bình đẳng; (6) Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; (7) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (nội dung an ninh trật tự chỉ áp dụng cho khối địa phương); (8) Vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm Chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Thông qua hội nghị, lãnh đạo UBND TPHCM kêu gọi cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội, các hợp tác xã, hộ kinh doanh quan tâm thực hiện các khảo sát, đánh giá một cách khách quan, thực chất, có chất lượng.
Thành phố kỳ vọng sẽ tiếp nhận được nhiều góp ý, đề xuất, kiến nghị, giải pháp thẳng thắn, khách quan, trung thực, mang ý nghĩa đóng góp, xây dựng từ các doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội, hợp tác xã, hộ kinh doanh cho các sở, ban, ngành, các địa phương cũng như cho thành phố.
Đối với các đơn vị được khảo sát (các sở, ban, ngành; UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện), lãnh đạo UBND thành phố cũng hy vọng các đơn vị và địa phương sẽ phát huy tinh thần cầu thị, đồng lòng phối hợp, tạo mọi điều kiện để việc khảo sát được diễn ra minh bạch và hiệu quả.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, việc đánh giá DDCI này giúp các đơn vị và địa phương nhận ra điểm mạnh và hạn chế của mình; từ đó phát huy, tăng cường hoặc điều chỉnh, khắc phục để nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính; tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
DDCI cũng sẽ giúp thành phố có những sách lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế; cải thiện chất lượng quản trị công; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM trong những năm tiếp theo.
Chỉ số PCI của thành phố trong những năm gần đây có xu hướng tụt xuống. Thành phố từng có thời điểm đứng thứ 8 nhưng đến năm 2020 và 2021 chỉ được xếp thứ 14, rời xa top 10 tỉnh thành có chỉ số năng lực cạnh tranh cao. Để cải thiện, TPHCM cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách. Đồng thời, tập trung cải thiện việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, thị trường, lao động, nguồn lực quản lý…
Lãnh đạo UBND TPHCM chủ trương đánh giá, khảo sát sẽ do các đơn vị độc lập thực hiện nhằm đảm bảo tính công minh, khách quan nhất. Thời gian tiến hành sẽ khảo sát từ nay đến hết tháng 1-2023; tổ chức công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022 và triển khai kế hoạch DDCI năm 2023 trước ngày 15-3-2023.
Trong quá trình này, UBND TPHCM cũng kêu gọi các cơ quan thông tấn, báo đài thành phố và trung ương hỗ trợ công tác truyền thông để cổ vũ, tạo cảm hứng cho chiến dịch thực hiện tốt hơn.
Sau lần thực hiện đầu tiên cho năm 2022 thì việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở - ban, ngành và địa phương (DDCI) này sẽ trở thành hoạt động thường niên, lâu dài góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố và chính quyền địa phương.