Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM lên phương án huy động vốn làm các tuyến metro

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo UBND TPHCM, dự kiến nhu cầu, cơ cấu nguồn vốn thực hiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM đến năm 2035 là hơn 37,4 tỉ đô la Mỹ.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã gần hoàn thành và sắp đi vào vận hành khai thác. Ảnh: H.P

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính về báo cáo phục vụ đánh giá tác động nợ công của các dự án đường sắt, UBND TPHCM nêu nhiều phương án huy động vốn để hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị đến năm 2035. Trong đó, thành phố đề xuất giữ lại phần tăng thu ngân sách để đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị, TTXVN đưa tin.

Theo UBND TPHCM, dự kiến nhu cầu, cơ cấu nguồn vốn thực hiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM đến năm 2035 là hơn 37,4 tỉ đô la Mỹ. Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn 22,3 tỉ đô la Mỹ, gồm nguồn ngân sách thành phố 7,18 tỉ đô la Mỹ (từ phát triển TOD 2,71 tỉ đô la Mỹ), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 6,88 tỉ đô la Mỹ, Trung ương dự kiến hỗ trợ 6,48 tỉ đô la Mỹ, vốn BT trả chậm 1,76 tỉ đô la Mỹ.

Giai đoạn 2031 - 2035, nhu cầu vốn khoảng 15,15 tỉ đô la Mỹ, gồm nguồn ngân sách thành phố là 9,54 tỉ đô la Mỹ (3,78 tỉ đô la Mỹ từ phát triển TOD), Trung ương hỗ trợ 3,19 tỉ đô la Mỹ, vốn BT trả chậm 2,41 tỉ đô la Mỹ.

Trong dự thảo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 62,59 tỉ đô la Mỹ, trong đó nhu cầu vốn cho Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị chiếm gần 35%. Có thể thấy, số vốn cần cho đề án là rất lớn, chiếm tỉ trọng cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của thành phố.

Do đó, TPHCM đề xuất được giữ lại số tăng thu ngân sách Trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố để thực hiện Đề án đường sắt đô thị.

Việc giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương nêu trên vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách Trung ương theo dự toán thu được Quốc hội giao. Toàn bộ nguồn tăng thu nêu trên chỉ được sử dụng cho mục đích thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, thành phố cũng dự kiến tạo nguồn thu từ đấu giá các khu đất phát triển mô hình TOD xung quanh các nhà ga tuyến metro số 1, số 2, số 3, số 4, số 5. Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố cũng sẽ đầu tư vào các dự án đường sắt đô thị phát triển trong tương lai mang tính chất liên vùng, kết nối với các địa phương lân cận.

Trong khi với nguồn vốn đầu tư của thành phố, tùy theo tiến độ dự án, thành phố dự kiến sử dụng từ 10-40%/năm nguồn vốn đầu tư công hàng năm để ưu tiên đầu tư Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Thành phố cũng dự kiến huy động từ các nguồn vốn vay như thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới