TPHCM muốn làm nhanh các dự án đốt rác phát điện
Lê Anh
(TBKTSG Online) - TPHCM đang mở thầu để lựa chọn tư vấn các dự án đốt rác phát điện, tuy nhiên do các trình tự thủ tục kéo dài lãnh đạo TPHCM muốn rút ngắn quy trình để sớm xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện.
Hiện nay, TPHCM xử lý rác chủ yếu là chôn lấp. Trong ảnh là những "núi" rác ở Đa Phước đang được ủ để chờ chôn lấp - Ảnh: Lê Anh |
Việc đấu thầu các dự án đốt rác phát điện tiếp tục được Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong nhắc lại trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2019 diễn ra chiều 4-6.
Báo cáo cụ thể về tiến độ thực hiện, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, theo quy định tổng thời gian làm thủ tục và tổ chức đấu thầu là 786 ngày, nếu rút gọn một số khâu trong quy trình thì còn 541 ngày.
Ngày 19-5 vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã mở thầu để chọn nhà thầu tư vấn. Đến đầu tháng 7 sẽ sơ tuyển rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, sau đó tổ chức xét duyệt các nhà đầu tư chính thức để trình lên thành phố phê duyệt trước khi đấu thầu. Dự kiến, đến quý 2 -2020 mới chọn được đơn vị trúng thầu.
Thấy việc đấu thầu mất nhiều thời gian, ông Phong đặt vấn đề có thể rút ngắn hơn nữa thời gian đấu thầu hay không? Ông Thắng cho biết, có những nội dung quy định của luật không thể rút ngắn được. Vì vậy, vẫn phải làm theo đúng quy định.
Ông Phong lo ngại hiện nay mỗi ngày TPHCM phát sinh 8.900 tấn/ngày chưa tính rác y tế và công nghiệp, trong khi hiện nay phương án xử lý chủ yếu là chôn lấp. Với quy trình kéo dài từ khi mở thầu đến khi trúng thầu và xây dựng dự án là một thời gian rất dài nên không còn nơi để xử lý rác.
Cũng tại cuộc họp chiều 4-6, ông Phong đã truy vấn các sở, ngành về việc chậm di dời các cơ sở kinh doanh nằm trong công viên 23 tháng 9. Khi được yêu cầu báo cáo tiến độ ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, do tiến độ bàn giao quản lý từ Sở Giao thông Vận tải về Sở Xây dựng bị chậm nên việc di dời các cơ sở chiếm dụng công viên 23 tháng 9 đang được lên kế hoạch, sau khi có kế hoạch sẽ báo cáo với chính quyền thành phố.
Nghe xong báo cáo ông Phong gay gắt nói “ việc di dời hết các hàng quán trong công viên 23 tháng 9 và một số công viên khác, tôi đã yêu cầu phải trình kế hoạch trước 30-4. Vậy mà đến nay chưa thấy nhúc nhích gì?”.
Hiện nay, tại công viên 23 tháng 9, quận 1, được sử dụng một phần làm bãi đậu xe buýt, phần còn lại làm sân khấu ca nhạc, quán cà phê, trung tâm thương mại ngầm…
Ở khu B còn thường xuyên tổ chức các hội chợ ngoài trời nên tình hình rất lộn xộn. TPHCM đã có chủ trương di dời hết các cơ sở kinh doanh ra khỏi công viên để trả lại không gian công cộng cho người dân. Tuy nhiên, đến nay việc di dời vẫn chưa được thực hiện.
Mời xem thêm:
>> TPHCM: Nghiên cứu xây nhà máy đốt rác phát điện 180 triệu đô