Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Nhà nước sẽ tiên phong hành động xanh, tiêu dùng xanh

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, các cơ quan nhà nước của TPHCM phải tiên phong trong hành động, trong đó có cả việc ưu tiên sử dụng mua sắm và tiêu dùng đạt tiêu chí xanh…

Đây là nội dung đáng chú ý của ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2023 (HEF) tại buổi họp báo kết luận sau 2 ngày tổ chức Diễn đàn vào chiều ngày 15-9.

Bất động sản công nghiệp tại thành phố Thủ Đức, TPHCM. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Nhà nước sẽ tiên phong phát triển và tiêu dùng xanh

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh tăng trưởng xanh là việc của mọi người, mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, của từng địa phương trong một quốc gia.

Tại HEF năm nay, thành phố đã công bố phác thảo "Khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn 2050" để tiếp thu ý kiến đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trưởng ban tổ chức HEF Võ Văn Hoan cho rằng từ đây đến cuối năm, thành phố sẽ hoàn thiện khung chính sách và các bộ tiêu chí cần thiết.

Diễn đàn thu hút hơn 1.500 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, chuyên gia, đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu...

Dưới góc độ là cơ quan quản lý, Nhà nước cần sớm xây dựng khung chính sách, xây dựng bộ tiêu chí đo lường phát thải, quản trị việc phát thải, giảm thải. Các cơ quan chức năng cần nắm được lượng phát thải carbon, mức độ sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp…

"Có tiêu chí như thế mới có thể đánh giá và đưa ra chính sách phù hợp", ông Hoan nhận định.

Sắp tới thành phố cũng sẽ nghiên cứu xem xét yếu tố tăng trưởng xanh trong GDP thành phố, cần lượng hóa được yếu tố khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ để giảm phát thải trong sự phát triển kinh tế.

Cụ thể, từng nhóm ngành như xây dựng, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch… phải biết mức độ phát thải. Vì theo ông Hoan, đây là bộ tiêu chí quan trọng, nếu không làm được bộ tiêu chí này thì không thể phát triển kinh tế xanh do không có cơ sở để quản trị.

Từ nay đến cuối năm, TPHCM cần có kế hoạch để nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách, bộ tiêu chí để triển khai tăng trưởng xanh.

Cơ quan quản lý cần phải có kế hoạch hành động cụ thể. Qua Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2023, kế hoạch hành động của thành phố sẽ cụ thể hơn, có nhiều kế hoạch hơn, không chỉ dừng ở tổng thể.

Đáng chú ý, theo ông Hoan, để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ "xanh" - tức đạt các tiêu chuẩn bền vững, chi tiêu công sẽ tiên phong sử dụng để dẫn dắt tiêu dùng xã hội, doanh nghiệp có đầu ra.

Cụ thể để phát triển tăng trưởng xanh, theo ông Hoan, cơ quan Nhà nước của thành phố phải tiên phong trên các hành động. "Chúng ta có nhiều cách như bơm thêm tiền kích cầu cho doanh nghiệp đầu tư, chi tiêu thêm một chút để tạo ra thị trường sản phẩm xanh, mới có tăng trưởng xanh", ông Hoan nói.

Các cơ quan Nhà nước của thành phố phải tiên phong trên các hành động về phát triển xanh và tiêu dùng xanh. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Một số ví dụ như lắp điện mặt trời trên công sở hay mua sắm ô tô điện trong xe công, ưu tiên sử dụng mua sắm tiêu dùng đạt tiêu chí xanh... Việc khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp, dùng xe điện và phát triển giao thông thủy cũng là những việc TPHCM cho là cần phải làm.

Đối với doanh nghiệp, các đơn vị về mặt nhận thức cần xác định lợi nhuận phải đến từ cải tiến khoa học công nghệ, sử dụng năng lượng một cách hợp lý. Hiện các doanh nghiệp còn lãng phí nhiều khâu về năng lượng, sản phẩm chất lượng đầu ra có sự góp mặt của khoa học công nghệ là chưa nhiều.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hoan, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hành động, đi sâu vào bộ tiêu chuẩn ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp) để tăng năng lực cạnh tranh, tồn tại phát triển theo xu hướng. Nếu không sớm thay đổi, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng trên thế giới.

Người dân cần tiêu dùng có trách nhiệm, tiêu dùng đủ, tiết kiệm và tiêu dùng xanh. Đồng thời, các cá nhân cũng cần tham gia tích cực vào việc tái tạo lại môi trường, tham gia vệ sinh môi trường, tham gia xử lý rác.

Ngoài ra, trong khung sách kinh tế xanh, Cần Giờ được lựa chọn để thành huyện xanh - trung hòa carbon vào 2035. Theo ông Hoan, UBND TPHCM định hướng tìm cách tính toán được lượng oxy sản xuất và carbon hấp thụ được của rừng Cần Giờ để bán tín chỉ carbon, bên cạnh phát hành trái phiếu xanh để huy động nguồn lực tài chính. Nơi đây cũng có khả năng chuyển đổi sang dùng xe điện cũng như năng lượng tái tạo. Hiện Cần Giờ đã có dự án điện gió bãi biển.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch, để chuyển đổi xanh thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng cần phải có sự hành động một cách đồng bộ, lần lượt từ nhỏ tới lớn, từ thấp tới cao, từ cơ sở đến thành phố...

Từ nay đến cuối năm, TPHCM cần có kế hoạch để nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách, bộ tiêu chí để triển khai tăng trưởng xanh. "Có tiêu chí như thế mới có thể đánh giá và đưa ra chính sách phù hợp", ông Hoan nhận định.

Sắp tới thành phố cũng sẽ nghiên cứu xem xét yếu tố tăng trưởng xanh trong GDP thành phố, cần lượng hóa được yếu tố khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ để giảm phát thải trong sự phát triển kinh tế.

Ông Hoan cho biết thành phố sẽ cố gắng có bộ tiêu chí đánh giá để quản lý về phát thải, sử dụng năng lượng trong năm 2024.

Ngoài ra, vị lãnh đạo thành phố cũng đề ra nhiều giải pháp như từ góc độ giao thông khuyến khích người dân đi bộ, sử dụng xe đạp, khuyến khích phát triển xe điện, phát triển giao thông thủy.

Học hỏi và hành động

Lãnh đạo TPHCM nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong bối cảnh toàn cầu và bối cảnh của một siêu đô thị. TPHCM cam kết thúc đẩy sự phát triển xanh, vì đây không chỉ là nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao lợi ích của người dân, doanh nghiệp, khách du lịch trong thời gian hiện tại mà còn cho những thế hệ tương lai.

Do đó, trong quá trình hoàn thiện các khung chiến lược, khung hành động và triển khai thực hiện thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác trong nước, quốc tế.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2023. Ảnh Báo SGGP

Trong khuôn khổ 2 ngày diễn ra Diễn đàn, nhiều chuyên gia, giới phân tích, nhà nghiên cứu, khoa học, nhà ngoại giao... trong và ngoài nước cũng cho rằng sự cần thiết tăng trưởng xanh và bền vững. Các chuyên gia, tổ chức nước ngoài đều bày tỏ tin tưởng vào chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của TPHCM.

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất các việc có thể làm sớm và mô hình học hỏi khả thi cho TPHCM trong các phiên thảo luận của HEF.

Trong phiên thảo luận 2 tập trung vào phân tích các cơ hội, thách thức, giải pháp cho các doanh nghiệp và khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách về tăng trưởng xanh. Các ý kiến cho rằng thay đổi đã khó, chuyển đổi còn khó hơn.

Do đó, để có tăng trưởng xanh cần phải vượt qua nhiều thách thức từ tư duy, chi phí ban đầu, cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn, đầu tư công nghệ xanh, hoàn thiện và bổ sung các cơ chế chính sách, cho đến kỳ vọng xanh của khách hàng, yêu cầu bền vững của nhà cung cấp. Vì vậy, để có tăng trưởng xanh cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía và đây là hành trình gian nan, cần đi từng bước và có chiến lược cụ thể...

Để có nguồn lực tài chính và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang kinh tế bền vững, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam gợi ý giải pháp đánh thuế phát thải carbon.

Không chỉ tạo động lực cho doanh nghiệp nỗ lực giảm phát thải nhiều thì tiết kiệm chi phí nhiều, giải pháp này tạo nguồn thu ngân sách bổ sung. "Chính quyền có thể dùng nó đầu tư lại cho các doanh nghiệp giảm phát thải xuất sắc hoặc hỗ trợ doanh nghiệp trong thể giảm thêm được phát thải", chuyên gia nói.

Ông Ricardo Valente, Ủy viên hội đồng thành phố về kinh tế và tài chính, thành phố Porto, Bồ Đào Nha nêu kinh nghiệm tất cả các hoạt động đấu thầu của thành phố đều yêu cầu doanh nghiệp dự thầu phải đáp ứng ESG (bộ tiêu chuẩn môi trường; xã hội và quản trị).

Các sản phẩm về tăng trưởng xanh được trưng bày tại triển lãm doanh nghiệp xanh. Ảnh: Thu Trà

Còn ông Herlevi Kari, Trưởng Bộ phận Hợp tác toàn cầu về các giải pháp bền vững SITRA (Quỹ Đổi mới sáng tạo Phần Lan - cơ quan sáng lập, chủ trì Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn thế giới), cho rằng để thực hiện kinh tế tuần hoàn thì chiến lược thôi vẫn chưa đủ mà cần triển khai thực tế. Các chính phủ cần phân tích điểm mạnh cũng như điểm yếu để đưa ra các lộ trình cụ thể, quan trọng hơn hết là sự tham gia của cộng đồng, người dân chứ không chỉ cần có các chính sách từ chính phủ. Ngoài ra, cần xác định ưu tiên và nguồn lực để hướng tới mục tiêu phát triển xanh cũng như đánh giá năng lực triển khai thực tế.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: việc TPHCM lựa chọn tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là hướng đi đúng, phù hợp định hướng của Đảng và xu thế thế giới. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào mà phải thực hiện trọng tâm trọng điểm có lộ trình, có tiêu chí đánh giá.

Ông cũng lưu ý về sự hỗ trợ cho tín dụng xanh. "Hiện dư nợ tín dụng xanh cả nước mới chiếm 4,2% tổng dư nợ tín dụng, còn rất thấp. Cho nên ngành ngân hàng cần có cơ chế chính sách tài chính xanh, tạo sự chủ động cho các đô thị đặc biệt như TPHCM", ông Hiển nói, và tin tưởng diễn đàn sẽ góp phần vào sự phát triển chung của thành phố theo hướng xanh, trở thành địa phương đi đầu, hình mẫu trong chuyển mình tăng trưởng xanh của cả nước.

PGS.TS. Vũ Minh Khương, Chuyên gia về chính sách và kinh tế, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu gợi ý kinh nghiệm 5S trong quá trình phát triển kinh tế xanh của Singapore. Đó là sinh tồn (Survival); chiến lược (Strategy); cấu trúc tổ chức thực hiện (Structure); chọn người giao trọng trách (Steward Selection); tìm kiếm ý tưởng thông tuệ (Sagacity-seeking). Trong đó, ở bước đầu tiên là "sinh tồn", phải ý thức được đổi mới xanh là sống còn chứ không còn lựa chọn nào khác.

Tại diễn đàn, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng có công cụ hỗ trợ các quốc gia như Việt Nam, hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp sáng tạo trong các dự án. Ngân hàng này sẵn sàng hỗ trợ TPHCM trong vấn đề giải quyết các thách thức để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững.

Với hơn 1.500 đại biểu tham dự, đây là số lượng tham gia đông nhất qua 4 kỳ tổ chức Diễn đàn Kinh tế TPHCM.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Diễn đàn đã ghi nhận được trên 80 ý kiến tham luận, thảo luận tại các phiên làm việc và buổi gặp gỡ CEO 100 Tea Connect. Qua đó cho thấy việc tăng trưởng xanh là lựa chọn tất yếu và chúng ta cần hợp tác hành động để đạt được mục đích trên. Các ý kiến xuyên suốt diễn đàn cũng gợi ý những mô hình, cách làm hay làm tham khảo tốt cho TPHCM và Việt Nam trong tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.

“Với những góp ý tại diễn đàn, thấy rằng có đủ cơ sở để hoàn thiện khung chiến lược tốt, từ đó xây dựng khung hành động với mốc thời gian, lĩnh vực cụ thể. Song song đó là ban hành quy định, quy chuẩn phù hợp quốc tế. TPHCM sẽ giữ vai trò tiên phong phát triển xanh, thực hiện mục tiêu Net-zero”, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định.

Ông Mãi mong muốn quá trình hoàn thiện các khung chiến lược, khung hành động và triển khai thực hiện sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác trong nước, quốc tế. Cũng từ kết quả diễn đàn này, TPHCM sẽ có tổng hợp, kiến nghị Chính phủ cập nhật, bổ sung chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xem xét ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển xanh trong thời gian tới.

Chiều 15-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2023, các đại biểu chia thành 3 phiên thảo luận song song, với nhiều nội dung thảo luận chuyên sâu về các lĩnh vực.

Các phiên thảo luận về Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh - Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không (phiên 1); Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế (phiên 2); Hợp tác Kinh tế tuần hoàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (phiên 3).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới