TPHCM nhắm tăng thu nhập của người dân lên gấp 3 lần
Văn Nam
(TBKTSG Online) - Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 vừa được công bố đặt mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố lên gấp ba lần trong 10 năm tới, đạt gần 14.300 đô la Mỹ/người/năm so với 4.513 đô la Mỹ/người hiện nay.
Thu nhập bình quân đầu người của TPHCM đến năm 2025 dự báo đạt gần 14.300 đô la Mỹ/người. Trong ảnh là trục giao thông vừa được nâng cấp tại cửa ngõ phía Đông TPHCM - Ảnh: Văn Nam |
UBND TPHCM sáng nay (14-4) đã công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo quy hoạch, đến năm 2015 GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt gần 5.000 đô la Mỹ/người, đến năm 2020 đạt khoảng 8.820 đô la Mỹ/người và đến năm 2025 đạt từ 13.340 – 14.285 đô la Mỹ/người. Hiện nay GDP bình quân đầu người của thành phố chỉ là 4.513 đô la Mỹ/người.
Trong một phân tích được UBND thành phố đưa ra trước đây, với mức thu nhập bình quân đầu người gần 5.000 đô la Mỹ vào năm 2015, thành phố vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các thành phố ở Châu Á của năm 2010.
Còn với mức thu nhập hơn 8.800 đô la Mỹ/người/năm vào năm 2020 thì thành phố chỉ cao hơn Manila của năm 2010, với mức thu nhập xấp xỉ 14.000 đô la Mỹ/người/năm vào năm 2025 thì thành phố chỉ cao hơn Bangkok, Jakarta và Manila vào năm 2010.
Phát biểu tại buổi công bố quy hoạch sáng nay, ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, sắp tới thành phố sẽ tập trung hoàn thành tuyến đường vành đai 2 nối xa lộ Hà Nội với các trục giao thông kết nối khu công nghệ cao, các khu vực sản xuất công nghiệp phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu cho thành phố. Ngoài ra, ông Kỷ cho biết thành phố sẽ tập trung hoàn thành việc xây dựng các đường vành đai 3, vành đai 4 không qua xuyên tâm thành phố kết nối đến khu Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhằm giảm áp lực giao thông qua khu vực trung tâm thành phố. |
Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2011 – 2015 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 – 10,5% mỗi năm, giai đoạn 2016 – 2020 đạt từ 9,5 – 10% mỗi năm và giai đoạn 2012 – 2025 đạt 8,5 – 9% mỗi năm.
Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Về phát triển công nghiệp – xây dựng, TPHCM sẽ tập trung vào những ngành, lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược – cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm) và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may, da giày.
Về không gian phát triển đô thị, TPHCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung – đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và bốn cực phát triển. Khu trung tâm thành phố sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3, một phần quận 4, quận Bình Thạnh (930 héc ta) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737 héc ta) và bốn trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển.
Theo đó, thành phố sẽ phát triển theo hai hướng chính gồm hướng Đông (hành lang phát triển là tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và dọc tuyến xa lộ Hà Nội) và hướng Nam ra biển (tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ) và hai hướng phụ là hướng Tây – Bắc (tuyến quốc lộ 22 – xa lộ Xuyên Á) và hướng Tây, Tây – Nam (tuyến đường Nguyễn Văn Linh).
Theo quy hoạch được duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển TPHCM giai đoạn từ năm 2011 – 2025 ước khoảng 9 – 10 triệu tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm từ 8 – 12%. TPHCM sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP, khai thác nguồn vốn từ quỹ đất, phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình , khai thác nguồn vốn ODA.
Theo quy hoạch được duyệt, TPHCM có 14 dự án trong lĩnh vực kinh tế được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 gồm:
- Khu đô thị mới Thủ Thiêm |
Chuyển dần cơ sở công nghiệp ra các tỉnh lân cận
Cũng trong sáng nay (14-4), ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã công bố Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
>> Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có 15 đô thị vệ tinh
Theo đó, định hướng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có TPHCM là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ ngang tầm với các quốc gia trong khu vực.
Theo ông Rê, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hình thành vành đai công nghiệp – đô thị của vùng theo hướng hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm TPHCM mà chuyển dần các cơ sở công nghiệp sang khu vực còn cơ hội phát triển, nhất là các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang.
Ngoài ra, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ phát triển tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp – dịch vụ và đô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao tại Long Thành, thành phố mới Phú Mỹ, Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các địa phương TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang.
Dự kiến đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có dân số khoảng 21 – 22 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%. Tốc độ tăng trưởng GDP của vùng giai đoạn 2011 – 2015 đạt 8 – 8,5% mỗi năm và giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 8,5 – 9% mỗi năm.