TPHCM: nhiều sản phẩm du lịch nhưng thiếu độ hấp dẫn
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Khi so sánh với Singapore và Bangkok (Thái Lan) thì TPHCM không thiếu sản phẩm du lịch nào, nhưng độ hấp dẫn của các sản phẩm này của thành phố thì còn mờ nhạt...
![]() |
Bưu điện trung tâm TPHCM là một trong những điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước. Trong ảnh bên, một nhóm bạn trẻ chụp ảnh kỷ niệm lễ tốt nghiệp trước Bưu điện. Ảnh: TL |
Giám đốc Sở Du Lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ đã cho biết như trên khi nhận câu hỏi chất vấn của các đại biểu đề cập đến sản phẩm du lịch của Thành phố còn đơn điệu, thiếu sản phẩm đặc thù, để "giữ chân" du khách lưu trú lâu hơn tại Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX trong ngày làm việc thứ ba, ngày 11-7.
Theo các đại biểu, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến du lịch nhưng cũng mở ra những cơ hội, thời cơ mới sau dịch.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, dự báo trong năm 2021, TPHCM sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế vì "âm vang" kết quả chống Covid-19 của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của TPHCM chưa hấp dẫn, thiếu đặc trưng và chưa kết nối các làn sóng đầu tư trong nước và ngoài nước… chưa kết nối được làn sóng đầu tư nước ngoài vào du lịch, nên cần có những giải pháp cụ thể.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí đặt câu hỏi rằng: Liệu nhận định TPHCM chỉ là điểm trung chuyển khách du lịch do không có loại hình đặc sắc có đúng không? Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Thành phố hút khách đến và chịu ở lại dài ngày hơn.
Đại biểu Trí còn đặt ra giả thuyết kịch bản xấu nhất đến hết năm 2020 dịch Covid-19 vẫn không được khống chế trên thế giới, Việt Nam vẫn không thể mở cửa đón khách quốc tế thì ngành du lịch thành phố đã có giải pháp gì để phát triển trong điều kiện mới mà vẫn đảm bảo an toàn cho du khách?
Giải đáp các vấn đề trên, Giám đốc Sở Du Lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho rằng một hạn chế khá lớn của ngành du lịch của thành phố là chưa có các sản phẩm gắn kết giữa văn hóa và giải trí mang tính khác biệt.
“Trong phần đánh giá nhận diện sản phẩm của tóm tắt chiến lược, khi so với Bangkok, Singapore thì TPHCM không thiếu sản phẩm gì, nhưng độ hấp dẫn thì chúng ta còn mờ nhạt. Và sự liên kết để phát triển sản phẩm văn hoá và giải trí là một trong những yêu cầu mà chiến lược xác định phải kêu gọi đầu tư trong giai đoạn mới”, ông Vũ nói.
Theo người đứng đầu của ngành du lịch TPHCM, đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch thành phố do bị tác động bởi dịch bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra, ngành du lịch bị ảnh hưởng đầu tiên và ngành này cũng phải thay đổi nhanh chóng để phục hồi sau dịch.
Chia sẻ về thông tin thị trường khách quốc tế của đại biểu HĐND TPHCM quan tâm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, rất khó để mở cửa thị trường quốc tế trong năm 2020, bởi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, riêng ngành du lịch Thành phố muốn khôi phục vẫn phải dựa vào thị trường nội địa trong sáu tháng cuối năm.
![]() |
Một tour tham quan du lịch sinh thái ở huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: TL. |
Ông Vũ cho biết giải pháp để phát triển du lịch Thành phố trong hai quý tới bao gồm các giải pháp vừa chống dịch, phòng dịch vừa phát triển du lịch, cụ thể như: Bố trí khách sạn cho các đoàn nước ngoài đến Việt Nam, các đoàn Việt Nam từ nước ngoài về. Hiện, công tác này đang thực hiện tốt. Kết nối với các đơn vị khác để thực hiện bộ tiêu chí an toàn cho du khách.
Theo ông Vũ, Thành phố tổ chức liên kết ngành hàng không, đường sắt, vận tải… để tung một gói kích cầu lớn gồm 280 tour đến TPHCM với khung giá bất ngờ, lấy giá cả tạo sự quan tâm ban đầu nhưng vẫn khẳng định chất lượng hàng đầu. TPHCM phối hợp với các địa phương để kích thích du lịch nội địa, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bán hàng, bán sản phẩm cho các doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để họ không ngưng hoạt động.
"Sở Du lịch đang tiếp tục thực hiện liên kết với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với miền Đông Nam Bộ và chuẩn bị liên kết với những vùng khác để phát triển du lịch nội địa", ông Vũ nói.
Với hàng loạt giải pháp như trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, sáu tháng cuối năm thị trường khách nội địa có thể hồi phục 80% so với thời gian trước khi có dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, chờ đến khi các điều kiện cho phép, ngành du lịch thành phố sẽ mở cửa đón khách quốc tế trở lại dựa trên bộ tiêu chí an toàn đang được xây dựng nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Vũ, Sở đang nỗ lực để ngăn chặn việc các công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn Thành phố phải giải thể.
Về tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch đường sông của TPHCM, các đại biểu cho rằng còn đơn điệu, chưa thu hút du khách, nhiều bất cập trong quy hoạch về cầu tàu, bến đỗ, các công trình kết nối chưa thuận tiện...
Theo đánh giá của ông Vũ, đây là sản phẩm mang tính tiềm năng và khi nào hoàn thiện đô thị ven sông Sài Gòn thì lúc đó mới may ra phát triển.
Trong tháng 6, ngành du lịch TPHCM đạt doanh thu 3.882 tỉ đồng, sụt giảm 65% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực khi tháng 4 và tháng 5, mức doanh thu chỉ đạt 1.760 tỉ và 2.866 tỉ đồng.
Nhiều cơ sở lưu trú 4-5 sao, vốn phụ thuộc nhiều nhất vào lượng khách quốc tế, nay đã đạt công suất 40% ở nội thành và 30% ở ngoại thành. Một số địa điểm ghi nhận công suất đến 50%. |