Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

TPHCM phấn đấu đi trước về trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM phấn đấu đi trước về trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa

Văn Nam

(TBKTSG Online) – Kinh tế TPHCM mặc dù đạt được tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho ngân sách cả nước trong 5 năm qua nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố, chất lượng tăng trưởng chưa cao, hạ tầng chưa phát triển gây cản trở phát triển kinh tế và cần nhiều nỗ lực hơn nữa để cải thiện trong 5 năm tới.

TPHCM phấn đấu đi trước về trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X tham quan triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao TPHCM bên lề hội nghị sáng nay – Ảnh: Nam Nguyễn

Đó là nhận định chung được đưa ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020 sáng nay (14-10).

Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội sáng nay (14-10), Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đánh giá trong giai đoạn 5 năm qua, kinh tế thành phố chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển, tổng sản phẩm nội địa 5 năm qua tăng bình quân 9,6%/năm và chiếm tỉ trọng 21,5% GDP của quốc gia, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 5.500 đô la Mỹ/người (gấp hơn 2,5 lần so với cả nước), đóng góp hơn 30% thu ngân sách cả nước…

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bên cạnh những ưu điểm và kết quả nêu trên, thành  phố vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ các ngành còn chậm, chất lượng tăng trưởng và hội nhập quốc tế chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, kết cấu hạ tầng còn tình trạng quá tải cản trở tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Tổng Bí thư đề nghị trong 5 năm tới, TPHCM cần huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế để tạo sự đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh ngành dịch vụ, các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp công nghệ cao.

Tổng Bí thư nhấn mạnh TPHCM cần tiếp tục tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để các thành phần kinh tế cùng phát triển, chủ động liên kết hiệu quả tốt hơn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển hạ tầng để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, bảo vệ môi trường, quy hoạch đầu tư các khu đô thị vệ tinh theo hướng văn minh hiện đại.

Trong phiên khai mạc đại hội sáng nay, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho biết, giai đoạn 5 năm tới 2016 – 2020, TPHCM tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng đô thị, hoàn thành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Bến Thành – Suối Tiên vào năm 2018 và khẩn trương hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị còn lại.

Ông Hải nhấn mạnh TPHCM sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chủ động khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPHCM sẽ phát triển đô thị bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý tốt việc thực hiện quy hoạch.

“TPHCM sẽ huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đi trước về trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế xã hội của vùng và cả nước”

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải

Về hạ tầng đô thị, TPHCM sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước, chống ngập nước, kết nối hạ tầng giữa các tỉnh và TPHCM, thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư dự án kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án theo phương thức hợp tác đối tác công – tư (PPP).

TPHCM trong 5 năm tới sẽ hoàn thành việc di dời toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, xây dựng mới các chung cư cũ, chỉnh trang các khu phố cũ đồng thời thu hút xây dựng các khu đô thị mới, phát triển các dự án nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân …

Bảy chương trình đột phá mà TPHCM sẽ thực hiện trong giai đoạn 5 năm tới gồm: chương trình đào tạo nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính; chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng – năng lực cạnh tranh kinh tế thành phố; chương trình giảm ùn tắc giao thông; chương trình giảm ngập nước; chương trình giảm ô nhiễm môi trường và chương trình chỉnh trang phát triển đô thị.

“TPHCM sẽ huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đi trước về trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế xã hội của vùng và cả nước”, ông Hải khẳng định tại đại hội sáng nay.

Ông Hải điểm qua một số chỉ tiêu quan trọng của thành phố trong giai đoạn 2016 – 2020 gồm tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm từ 8 – 8,5% (nếu tính theo GDP thì tăng hơn 1,5 lần mức tăng trưởng GDP bình quân của cả nước); chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo định hướng dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, nông – lâm nghiệp và thủy sản, trong đó tỉ trọng của dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm 56 – 58%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm bình quân 30% GRDP; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 đô la Mỹ/người (GDP bình quân đầu người theo giá thực tế tại TPHCM năm 2014 đạt 4.513 đô la Mỹ/người và năm 2015 đạt gần 5.000 đô la Mỹ/người – PV) …

Xem thêm:

>> TPHCM sẽ là trung tâm kinh tế thương mại lớn trong khu vực

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới