(KTSG Online) – Dự kiến trong thời gian tới, các ngân hàng tại TPHCM sẽ đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 70.000 tỉ đồng, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch và chuẩn bị sản xuất trong mùa cao điểm có nhu cầu về vốn vào quí cuối năm.
Sáng 20-10, UBND TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021. Các đại diện cơ quan quản lý cho biết sẽ đẩy mạnh các gói hỗ trợ tín dụng trong quí 4 này, là thời điểm mà nhu cầu vốn tăng cao không chỉ để phục hồi sau đại dịch, mà còn chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, đánh giá việc xử lý nguồn vốn cho doanh nghiệp hiện nay đang là vấn đề nóng bỏng nhất. Hiện đơn vị này đã kết nối với các ngân hàng để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.
“Dự kiến từ nay đến cuối năm có khoảng 70.000 tỉ đồng giải ngân cho các doanh nghiệp”, ông Vũ nói.
Bên cạnh đó, đại diện Sở Công Thương còn cho biết hiện TPHCM đang đánh giá mức độ an toàn và mở cửa dần theo mức độ đó. Riêng Sở Công Thương có kế hoạch kết nối cung cầu, các chương trình xúc tiến thương mại vào cuối năm. TPHCM dự kiến sẽ tổ chức tháng khuyến mãi tập trung, tổ chức offline nếu điều kiện thuận lợi, còn nếu không thì sẽ tổ chức trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, dù nhu cầu vốn cuối năm tăng cao, tăng nhanh nhưng sẽ không có tình trạng thiếu vốn. Theo đó, các phương án sản xuất kinh doanh đủ điều kiện vay vốn sẽ được giải quyết cho vay.
Về chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, mục tiêu của TPHCM là từ nay đến cuối năm, mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải tổ chức ít nhất một hội nghị kết nối, hoặc lễ ký kết hợp đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Tại hội nghị sáng nay cũng đã diễn ra lễ ký kết các hợp đồng vay vốn giữa đại diện các tổ chức tín dụng và 64 doanh nghiệp với 13 ngân hàng thương mại trên địa bàn. Tổng dư nợ được hỗ trợ là 15.530 tỉ đồng.
Trong năm 2021, TPHCM có 11 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền đăng ký cho vay là 312.045 tỉ đồng. Mức lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung dài hạn. Ngoài ra, ngân hàng còn đưa ra các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ.
Theo tổng kết, tính từ đầu năm đến nay, chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng đã thực hiện được 242.602 tỉ đồng với 21.761 khách hàng, mặc dù chịu ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Ghi nhận nhanh ý kiến của một số doanh nghiệp, một vấn đề gặp khó khăn khi vay vốn hiện nay vẫn xoay quanh về câu chuyện mức lãi suất. Các doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, hoặc tài sản đảm bảo không có giá trị cao thì phải chịu mức lãi suất rất cao, trong khi với một số doanh nghiệp thì nhu cầu thị trường và khách hàng vẫn có.
Một kiến nghị khác cũng được đưa ra là mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí phát sinh đến trước ngày 31-12-2021 (thay vì trước ngày 1-8-2021 theo Thông tư 14). Đồng thời, thời hạn cơ cấu nợ nên kéo dài đến cuối năm sau, thay vì đến giữa năm để có thêm khoảng thời gian phục hồi, vì đến nay doanh nghiệp vẫn đang đối diện với các khó khăn về tài chính.