(KTSG Online) - UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ cho thuê, trong đó, chủ nhà cho thuê sẽ được vay lãi suất ưu đãi bằng 50% mức thông thường để cải tạo, nâng cấp, trang bị PCCC.
- Hơn 800 nhà trọ tại TPHCM vẫn vi phạm phòng cháy, chữa cháy
- Nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê không đảm bảo PCCC phải dừng hoạt động từ 30-3

Theo đề án, TPHCM hiện có gần 60.000 công trình nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê để ở với hơn 629.000 phòng, chinhphu.vn đưa tin.
Đối với giải pháp quản lý nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ, đề án đã đưa ra 3 tiêu chí tối thiểu về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Thứ nhất, đề án đề xuất hẻm phải rộng ít nhất 2,5m để xe chữa cháy tiếp cận; nếu không đạt, nhà ở phải cách điểm xe chữa cháy tiếp cận từ 150 đến 300m.
Thứ hai, nhà cho thuê phải trang bị phương tiện PCCC, cứu nạn cứu hộ, bảo đảm mỗi phòng có lối thoát nạn và mỗi nhà có ít nhất một lối thoát an toàn. Thứ ba, đề án đề xuất diện tích sàn sử dụng tối thiểu 4m² mỗi người.
Theo khảo sát năm 2024, TPHCM có hơn 629.000 phòng trọ cho thuê, trong đó khoảng 74.000 phòng có diện tích dưới 4 m² mỗi người, chủ yếu ở các quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân và thành phố Thủ Đức.
UBND TPHCM cũng đã cảnh báo nếu không cải tạo, các phòng trọ không đạt chuẩn an toàn sẽ phải đóng cửa, ngừng kinh doanh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo đề án, chủ nhà cho thuê được vay lãi suất ưu đãi bằng 50% mức thông thường để cải tạo, nâng cấp, trang bị PCCC; đồng thời được hỗ trợ vay vốn chuyển đổi ngành nghề nếu nhà, phòng cho thuê không đạt tiêu chí tối thiểu.
Đề án cũng đề xuất hai giải pháp hỗ trợ người thuê nhà: áp dụng đơn giá, định mức điện nước như nhà ở không kinh doanh hoặc quy định đơn giá trần cho điện, nước tại nhà ở riêng lẻ cho thuê.
Một giải pháp khác là UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các phường, xã yêu cầu chủ nhà cho thuê cam kết tính giá điện, nước đúng đơn giá sinh hoạt, không thu thêm chênh lệch.
Cụ thể, thành phố sẽ áp dụng giá điện, nước sinh hoạt do Nhà nước quy định cho người thuê trọ; tiền điện tính theo giá bán lẻ bậc 3 (2.271 đồng/kWh) trên toàn bộ sản lượng đo được, với điều kiện người thuê xuất trình sổ tạm trú hoặc xác nhận cư trú của Công an. Quy định này nhằm siết chặt việc tự ý nâng giá điện và bảo vệ quyền lợi người thuê.
Theo quy định hiện nay, tại TPHCM, nếu hợp đồng thuê nhà trên 12 tháng, chủ nhà sẽ ký hợp đồng mua bán điện và người thuê trả theo giá nhà nước; nếu thuê dưới 12 tháng và không kê khai đủ số người dùng điện, toàn bộ lượng điện tiêu thụ tính theo giá bậc 3.
Bạn tôi ở Pháp và ở Mỹ vài chục năm nhưng không ai mua nhà, họ chỉ thuê nhà để ở, dù có dư tiền để mua nhà, họ gửi tiền trong ngân hàng để dành dưỡng già, tiền mướn nhà luôn luôn cao hơn tiền trả góp mua nhà mỗi tháng. Lý do đơn giản là nếu mua nhà thì khi cần tiền phải bán lỗ đôi khi chỉ còn nửa giá, lý do thứ hai là nếu mua nhà, lúc mất việc rồi đi làm chỗ khác cách xa nhà cũ hàng trăm km. Ở VN, đa số người lao động ở các tỉnh chỉ mong thuê nhà giá rẻ, khi thất nghiệp thì về quê sinh sống. Nếu được mua nhà ở xã hội, người lao động chỉ được vay ngân hàng 70% số tiền mua nhà, còn 30% phải vay nợ lãi suất cao ngoài xã hội. Đến khi có sự cố bệnh tật không có tiền trả nợ, họ phải bán rẻ căn nhà để trả nợ, cuối cùng nhà ở xã hội về tay bọn đầu cơ. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tư nhân xây nhà cho thuê giá rẻ. Hoặc cách tốt nhất là khi xây dựng khu công nghiệp, dành đất trong khu công nghiệp để doanh nghiệp xây nhà cho công nhân thuê giá rẻ, việc này hỗ trợ cuộc sống ổn định cho người lao động vừa giảm được áp lực giao thông ở các con đường quanh khu công nghiệp.