Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Thay đổi đang là mệnh lệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Thay đổi đang là mệnh lệnh

Huỳnh Thế Du

(TBKTSG Xuân AL) – Thay đổi đang là “mệnh lệnh” đối với TPHCM. Thay đổi, đơn giản, như Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nêu: “Mình sẽ không nói to nhất cả nước việc này hay việc kia nữa, mà sẽ nói cái gì mình làm tốt hơn ngày hôm qua, và cái gì mình còn thua so với các thành phố châu Á và thế giới”.

TPHCM: Thay đổi đang là mệnh lệnh
Khoảng cách lợi thế của TPHCM so với các địa phương khác trong nước đã được rút ngắn đáng kể. Ảnh minh họa: Dũng Trần

Với lợi thế sẵn có, TPHCM, về tổng thể, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh tốt nhất cả nước từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, khoảng cách lợi thế của TPHCM so với các địa phương khác trong nước đã được rút ngắn đáng kể, trong khi thành phố đã không thể làm điều này so với các đô thị được xem là đối thủ cạnh tranh hay mục tiêu hướng đến trong khu vực.

Trong hơn hai thập niên “mất mát”, có rất nhiều điều mà TPHCM đã không thể làm tốt hơn ngày hôm qua. Một cách tương đối, thành phố đã đi khá chậm trong một thời gian rất dài. Nếu không thay đổi thì vị trí trong nước của TPHCM sẽ ngày một mờ nhạt hơn, cả trong nước và so với bên ngoài.

Vị trí trong nước

Nguồn: Tác giả tính toán và tổng hợp từ thống kê chính thức.
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các xếp hạng

 

Nguồn: Huỳnh Thế Du (2020) – Sự hình thành của các siêu đô thị ở châu Á

Các chỉ tiêu cơ bản cho thấy TPHCM vẫn có quy mô lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, một cách tương đối, vị trí của đô thị này đã giảm đi đáng kể so với bình quân của cả nước và một số địa phương khác đang tiến rất gần với thành phố ở một số chỉ tiêu.

Bảng 1 cho thấy tỷ phần của một số chỉ tiêu của TPHCM trong tổng số và so với bình quân chung của cả nước giai đoạn 2000-2019. Thành phố vẫn là miền đất hứa với tỷ phần dân số tăng từ 6,9% lên 9,4%. Trong hai thập niên qua, dân số thành phố tăng khoảng 4 triệu người, cao hơn dân số tỉnh Thanh Hóa, địa phương có dân số đông thứ ba cả nước.

Tuy nhiên, tỷ phần các chỉ tiêu và sức mạnh kinh tế của TPHCM đã có sự gia tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng dân số và mức tăng chung của cả nước. Năm 2001, tổng hợp GRDP của tất cả các địa phương, TPHCM chiếm 18,9%, nhưng đến năm 2018 chỉ còn 18,3%. Năm 2001, GRDP bình quân đầu người của thành phố gấp 2,7 lần của cả nước, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 2 lần.

Thu ngân sách của thành phố chiếm từ hơn một phần ba tổng thu ngân sách của cả nước năm 2001, nhưng chỉ còn hơn một phần tư năm 2019. Tính theo bình quân đầu người, năm 2001 gấp 5,2 lần cả nước, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 2,8 lần.

Xuất khẩu từ hơn một nửa của cả nước vào năm 2000, xuống còn 15% vào năm 2019. Tính theo bình quân đầu người, năm 2001 gấp 8,2 lần cả nước, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 1,6 lần.

Lũy kế vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2001, thành phố chiếm 28,4%, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 16,2%. Tính theo bình quân đầu người, năm 2001 gấp 4,1 lần cả nước, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 1,7 lần.

Điểm sáng của TPHCM là số lượng doanh nghiệp vào năm 2000 chỉ chiếm 20,4% cả nước, nhưng đến hết năm 2019 lên đến 31,6% cả nước. Tuy nhiên, tỷ phần này bắt đầu giảm từ năm 2010. Số doanh nghiệp bình quân trên dân số của thành phố vào năm 2019 gấp 3,4 lần của cả nước, cao hơn mức 2,9 lần năm 2000, nhưng thấp hơn mức 4 lần năm 2010.

Hơn lúc nào hết, TPHCM đang rất cần tầm nhìn gắn với khả năng truyền cảm hứng của lãnh đạo thành phố. Ảnh minh họa: Dũng Trần

Khoảng cách so với các đô thị khác trong khu vực

Bảng 2 tổng hợp xếp hạng về cạnh tranh, môi trường sống và tính năng động của các thành phố châu Á. TPHCM gần với Manila và Jakarta, hai đô thị gặp nhiều trục trặc trong nhóm so sánh. Còn lại, khoảng cách còn rất xa và còn rất lâu TPHCM mới có thể đuổi kịp với điều kiện phải đi nhanh hơn đáng kể so với các đô thị khác.

Tín hiệu tích cực là xếp hạng về triển vọng hay độ năng động của TPHCM. At Kearney xếp TPHCM hạng 90, cao hơn Kuala Lumpur, Bangkok, Jakarta và Manila. Xếp hạng về độ năng động của thành phố thì TPHCM xếp thứ 3 toàn cầu.

Bảng 3 là một số chỉ tiêu cận cảnh về hạ tầng của TPHCM so với một số đô thị khác. Về cơ bản, thành phố có một số chỉ tiêu gần với Jakarta và Manila và rất xa so với Thượng Hải và Seoul.

Vấn đề rõ ràng hơn khi so sánh TPHCM với Bangkok. Trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu đã viết: “Vào năm 1975, TPHCM có thể ganh đua với Bangkok, giờ đây (1992), thành phố này tụt lại về sau hơn 20 năm”. Hiện nay, GDP bình quân đầu người tính theo ngang bằng sức mua (GDP-PPP) của Bangkok là trên 40.000 đô la Mỹ và con số của TPHCM là hơn 20.000 đô la Mỹ.

Tính theo kịch bản tăng trưởng rất lạc quan cho TPHCM và mức thấp cho Bangkok, thì cần khoảng hai thập niên nữa TPHCM may ra mới có thể bắt kịp Bangkok. Thêm vào đó, sau khi trở thành “bãi đậu xe khổng lồ” vào cuối thập niên 1990, đến nay Bangkok đã xây dựng được một số cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống đường trên cao, hệ thống tàu điện ngầm và sân bay quốc tế mới. TPHCM cũng đang triển khai các kế hoạch tương tự như Bangkok đã làm cách đây 15-20 năm. Câu hỏi liệu sau 2-3 thập niên, TPHCM có thể đuổi kịp Bangkok hay không vẫn mang tính thời sự.

Vì đâu nên nỗi?

Có hai nguyên nhân chính làm cho TPHCM không thể tốt hơn so với ngày hôm qua như kỳ vọng. Thứ nhất, chiến lược phát triển quốc gia chưa xác định rõ cạnh tranh giữa các quốc gia thực chất là sự cạnh tranh giữa các đô thị trung tâm nên cần phải tập trung để nâng cao năng lực cạnh tranh của các trung tâm này. Cách tiếp cận của Việt Nam trong thời gian qua theo khuynh hướng để các nơi khác trong nước đuổi kịp TPHCM hơn là để thành phố đuổi kịp các đô thị khác trong khu vực. Thành phố chỉ được giữ lại rất ít nguồn ngân sách nên không có nguồn để đầu tư cho các hạ tầng cần thiết và những đầu tư của trung ương cho vùng này cũng chưa tương xứng.

Thứ hai, trục trặc của bản thân thành phố. Không chỉ thiếu vắng các sáng kiến hay ý tưởng mới mang tầm quốc gia như hơn hai thập niên sau khi thống nhất đất nước, mà các sáng kiến như phát triển khu Nam, quỹ phát triển đô thị, công ty phát triển hạ tầng đã không phát huy được vai trò hay mục tiêu như kỳ vọng. Nghiêm trọng hơn là tình trạng sai phạm, tiêu cực, liên quan đến các lãnh đạo cao cấp của thành phố kéo dài. Điều này đã làm thui chột tính tiên phong, tinh thần dám nghĩ dám làm. Tâm lý sợ rủi ro của đội ngũ cán bộ công chức đang rất lớn.

Những điều hết sức tệ hại đã xảy ra trong một thời gian rất dài đã làm mất đi các cơ hội và làm cho TPHCM đi chậm hơn rất nhiều so với tiềm năng và lợi thế của chính mình. Cơ chế chung và những chính sách của trung ương chỉ là một vấn đề. Tuy nhiên, bản thân của thành phố là vấn đề rất lớn. So sánh với các nơi khác sẽ thấy rất rõ điều này.

Gần ba thập niên Seoul đã có thể phát triển Gangnam thành một đô thị hiện đại có quy mô dân số bằng với Singapore. Thượng Hải đã có thể làm điều tương tự đối với Phố Đông.

Trong gần ba thập niên qua, Phú Mỹ Hưng gắn với Nam Sài Gòn là niềm tự hào của thành phố. Tuy nhiên, thành công trong hơn 4 ki lô mét vuông chỉ là rất nhỏ so với bản quy hoạch 26 ki lô mét vuông và rộng hơn nữa. Nếu quyết tâm và đi đúng hướng thì Nam Sài Gòn hoàn toàn có thể như Gangnam.

Thủ Thiêm, thường được xem là “Phố Đông” của TPHCM đã có đủ các yếu tố để có thể thành công và rất nhiều nguồn lực đã được dành cho nó trong hơn hai thập niên qua. Trớ trêu thay, bán đảo này lại trở thành nơi làm mất niềm tin và uy tín của thành phố.

Còn có thể kể ra một số trường hợp khác như tuyến đường sắt số 1 đã có đủ nguồn vốn, nhưng làm mãi không xong. Điều tương tự cũng xảy ra với nhiều dự án lớn khác ở những mức độ khác nhau. Ngay cả những việc hoàn toàn trong tầm tay của thành phố cũng có những kết quả rất thấp so với mong đợi.

Cách tiếp cận của Việt Nam trong thời gian qua theo khuynh hướng để các nơi khác trong nước đuổi kịp TPHCM hơn là để thành phố đuổi kịp các đô thị khác trong khu vực.

Thay đổi đang là mệnh lệnh

Một thập niên trước Đổi mới, TPHCM đã phát huy vai trò “anh hai” đúng nghĩa của cả miền Nam. Hơn một thập niên sau Đổi mới, thành phố đã phát huy tính tiên phong và dẫn đầu cả nước. Trong giai đoạn đó, thành phố đã được các nơi khác nhìn với sự ngưỡng mộ và là nơi để học hỏi rất nhiều thứ. Vậy mà, giờ đây hình ảnh của thành phố đang rất không hay. Những bước đi sai lầm quả là tai hại.

Quá trình sửa sai đã được tiến hành trong mấy năm qua và đã có những chuyển biến tích cực. Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TPHCM và quyết định thành lập Thành phố Thủ Đức của Quốc hội là những minh chứng về sự ủng hộ và quyết tâm của trung ương.

Giờ đây TPHCM cần một đội ngũ có quyết tâm, có thể cùng các địa phương trong vùng liên kết để phát triển trở thành một vùng đô thị có thể cạnh tranh với các nước khác. Việc cần thiết là làm tốt hơn so với ngày hôm qua và rút ngắn khoảng cách so với các đô thị đi trước trong khu vực.

Hy vọng, một số điểm tích cực trong nhiệm kỳ trước và những tín hiệu mới trong nhiệm kỳ này có thể giúp thành phố tìm lại được vai trò và vị thế của mình. Hơn lúc nào hết, TPHCM đang rất cần tầm nhìn gắn với khả năng truyền cảm hứng của lãnh đạo thành phố. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới