TPHCM thí điểm cơ chế đặc thù: tăng thuế, phí và tính khả thi
TS. Phạm Văn Đại
Việc áp thuế suất cao với lĩnh vực dịch vụ cũng cần được đánh giá kỹ những tác động đến sự phát triển của ngành du lịch vui chơi, giải trí vốn thiết yếu cho việc thu hút khách du lịch cũng như sự phát triển của một đô thị hiện đại. Trong ảnh: Du khách nước ngoài tại TPHCM. Ảnh: THÀNH HOA |
(TBKTSG) - Mở rộng tự chủ hơn về tài chính cho chính quyền địa phương là một trong những nội dung quan trọng trong cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được Quốc hội cho phép thí điểm (thông qua Nghị quyết 54/2017/QH14).
Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là việc TPHCM được đề xuất mức thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường cao hơn các địa phương khác và áp dụng các loại phí, lệ phí mới. Về cơ bản, sự linh hoạt sẽ giúp chính sách thuế, phí được thiết kế một cách phù hợp hơn với đặc thù của một siêu đô thị có quy mô dân số thực tế ước tính có thể lên đến trên 10 triệu người. Song, tính khả thi của từng loại thuế, phí cần được cân nhắc kỹ dưới góc độ thị trường để đảm bảo tính hiệu quả.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: dịch vụ có thể dễ hơn hàng hóa
Các hình thức thuế trực thu như thuế thu nhập, thuế tài sản có thể được áp dụng theo các mức khác nhau ở các địa phương trong cùng một quốc gia với mục đích phân bổ nguồn lực phát triển một cách có chủ đích của người làm chính sách. Tuy nhiên, các loại thuế gián thu lại thường được áp dụng đồng nhất trong biên giới một quốc gia do đặc thù người nộp thuế không đồng thời là người chịu thuế. Sự tách biệt này dẫn tới khó khăn trong việc kiểm soát chính xác đối tượng chịu thuế và mức thuế tương thích.
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu điển hình và việc thuế suất ở TPHCM cao hơn các địa phương lân cận sẽ gây ra những méo mó và khó khăn trong việc kiểm soát thực thi. Một vấn đề dễ nhận thấy là nếu mức thuế tiêu thụ đặc biệt được tăng lên tại TPHCM, điều này sẽ làm tăng giá bán cuối cùng của các mặt hàng chịu thuế như bia, rượu, thuốc lá... và khuyến khích hoạt động buôn bán, vận chuyển phi chính thức chúng từ các địa phương lân cận về TPHCM. Trong khi chúng ta không thể cấm người tiêu dùng lựa chọn mua hàng hóa ở nơi bán với mức giá rẻ hơn, việc kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành là rất khó. Về phương diện địa lý tự nhiên, TPHCM không nằm ở vị trí biệt lập, trong khi diện tích không lớn và khoảng cách từ trung tâm thành phố đến các tỉnh lân cận cũng rất gần.
Lấy ví dụ trường hợp ở Mỹ với mặt hàng thuốc lá, các tiểu bang áp dụng các mức thuế suất khác nhau. Theo nghiên cứu của Trung tâm Chính sách công Mackinac (Mackinac Center for Public Policy), sự chênh lệch thuế suất đã tạo điều kiện cho thị trường chợ đen phát triển và chiếm tới trên 20% tổng lượng thuốc lá tiêu thụ tại 15 tiểu bang vào năm 2013. Đi kèm với đó là tình trạng bạo lực gia tăng do hoạt động của các băng nhóm buôn lậu có tổ chức. Cần lưu ý đây là tình trạng diễn ra ở Mỹ, quốc gia phát triển với tỷ trọng khu vực phi chính thức nhỏ hơn nhiều so với Việt Nam và các tiểu bang hầu hết đều có vị trí địa lý rộng lớn và hoạt động buôn bán, vận chuyển giữa các tiểu bang gặp nhiều khó khăn hơn so với trường hợp của TPHCM và các tỉnh lân cận.
Cơ chế thí điểm cho phép TPHCM áp dụng các mức thuế suất cao hơn và thu các khoản phí, lệ phí mới nên được nhìn nhận là công cụ giúp tăng hiệu quả trong việc cung ứng dịch vụ công và vận hành của nền kinh tế đô thị, hơn một công cụ giúp tăng thu ngân sách cho chính quyền thành phố. |
Một điểm cần cân nhắc việc tăng thuế suất với các mặt hàng này nữa là điều đó có thể thậm chí làm giảm nguồn thu thuế của TPHCM mặc dù đây là thị trường tiêu thụ nhiều hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá... Lý do là người tiêu dùng có xu hướng không lựa chọn mua hàng tại các cửa hàng đóng thuế, mà thay vào đó là từ khu vực phi chính thức, các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.
Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế cao, nếu cần thiết, chỉ nên áp dụng với các loại hình dịch vụ cần hạn chế. Khác với hàng hóa, dịch vụ ít có khả năng dịch chuyển giữa các địa phương để hưởng chênh lệch giá. Tuy nhiên, việc áp thuế suất cao với lĩnh vực dịch vụ, kể cả các loại hình được cho là nhạy cảm như quán bar, vũ trường... cũng cần được đánh giá kỹ những tác động đến sự phát triển của ngành dịch vụ vui chơi, giải trí vốn thiết yếu cho việc thu hút khách du lịch cũng như sự phát triển của một đô thị hiện đại.
Thuế môi trường: quan trọng là liều lượng
Thuế môi trường là loại thuế gián thu thứ hai mà TPHCM được thí điểm tăng. Tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường gặp những khó khăn không thể tránh khỏi trong việc kiểm soát đối tượng chịu thuế. Một người hoàn toàn có khả năng mua các mặt hàng chịu thuế môi trường thấp hơn ở các địa phương lân cận và bán lại cho những người ở TPHCM để hưởng chênh lệch giá. Mặc dù đặc tính của những mặt hàng chịu thuế môi trường như xăng, dầu là khó vận chuyển và bảo quản, việc buôn bán phi chính thức vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu mức độ chênh lệch giá đủ lớn.
Áp mức thuế suất thuế môi trường cao ở một mức độ hợp lý với mặt hàng xăng, dầu có thể là một giải pháp cần thiết để một mặt tạo thêm nguồn thu thuế cho TPHCM, mặt khác hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân. Trên phương diện lý thuyết, ngoại ứng tiêu cực của việc sử dụng phương tiện cá nhân lớn hơn tại TPHCM so với các địa phương khác do mật độ giao thông cao hơn và khí thải có gây ảnh hưởng đến số lượng người nhiều hơn. Do đó, mức thuế bảo vệ môi trường cao hơn ở các đô thị lớn như TPHCM là phù hợp mặc dù cần tránh tạo ra một mức độ chênh lệch giá quá lớn để khuyến khích việc buôn bán xăng, dầu phi chính thức.
Phí và lệ phí: linh hoạt để cải thiện dịch vụ công
Theo cơ chế thí điểm nói trên, TPHCM có quyền áp dụng các loại phí và lệ phí mới và tăng, giảm các loại phí trong danh mục theo quy định của Luật Phí và lệ phí. Mặc dù không có tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách, nếu việc này được áp dụng hợp lý sẽ mang ý nghĩa lớn trong cải thiện hiệu quả tổ chức và cung cấp các dịch vụ công.
Các dịch vụ công trong khu vực đô thị sẽ khác cả về bản chất, hình thức và mức độ so với các khu vực khác. Với việc áp dụng cơ chế thí điểm về thu phí và lệ phí, hàng loạt nút thắt liên quan đến việc cung cấp dịch vụ công được kỳ vọng sẽ được giải quyết. Một ví dụ là vấn đề giao thông đô thị, áp dụng phí đối với phương tiện giao thông cá nhân đi vào khu vực trung tâm hoặc một số tuyến đường trong giờ cao điểm có thể là một giải pháp chống ùn tắc giao thông hiệu quả. Việc thu phí đối với những người kinh doanh trên vỉa hè cũng có thể được triển khai để có nguồn lực tài chính cho việc đảm bảo trật tự đô thị và tăng hiệu quả sử dụng loại hình tài nguyên này. Còn nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh trong đời sống đô thị mà ở đó chính quyền có thể quản lý tốt hơn và cung cấp các dịch vụ công phù hợp bằng việc áp dụng các loại phí phù hợp.
Những chính sách thân thiện với thị trường, khuyến khích tự do kinh doanh là bài học thành công trong sự phát triển của các đô thị lớn trong khu vực. Sự phát triển nhanh chóng trong 40 năm qua của 14 thành phố ven biển phía Đông của Trung Quốc cũng như các đặc khu kinh tế của nước này là nhờ vào các chính sách ưu đãi về thuế. Gia tăng gánh nặng thuế, phí không bao giờ là công thức cho sự thịnh vượng. Cơ chế thí điểm cho phép TPHCM áp dụng các mức thuế suất cao hơn và thu các khoản phí, lệ phí mới nên được nhìn nhận là công cụ giúp tăng hiệu quả trong việc cung ứng dịch vụ công và vận hành của nền kinh tế đô thị, hơn một công cụ giúp tăng thu ngân sách cho chính quyền thành phố. Trong bối cảnh tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TPHCM giảm từ mức 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017-2020, việc cải thiện hiệu quả sử dụng vốn ngân sách cần được xem là giải pháp ưu tiên thay vì gia tăng gánh nặng thuế, phí lên doanh nghiệp và người dân.