Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM thống nhất lộ trình 3 giai đoạn “mở cửa” phát triển kinh tế – xã hội

Hoàng Bảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chiều tối 14-9, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng) đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Các vấn đề trọng tâm được đánh giá, nhìn nhận đa phần liên quan đến công tác phòng chống dịch covid-19 trên địa bàn thành phố.

Tại Hội nghị, Thành uỷ thống nhất 11 nội dung chiến lược, trong đó có chiến lược về y tế; giãn cách xã hội; phục hồi kinh tế; an sinh xã hội; bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm cho thành phố; bảo đảm các vấn đề xã hội cho nhân dân; công tác huy động các nguồn lực; ứng dụng khoa học công nghệ; giáo dục đào tạo; chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người dân; chiến lược truyền thông; chiến lược đối ngoại;...

"Mở cửa" có kiểm soát

TP.HCM thống nhất lộ trình thực hiện 3 giai đoạn mà Ban cán sự Đảng, UBND TPHCM đã trình (từ 1 đến 31-10-2021, từ 1 đến 15-11- 2021 đến 15-1-2022 và sau 15-1-2022). Tất cả các giai đoạn đều tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Linh Nhi/TTBC

Về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng như 3 quận, huyện cơ bản đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh (huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, quận 7); nhiều quận, huyện đang tiến tới đạt 1/2 tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, trên 60% địa bàn dân cư, tổ dân phố trở thành “vùng xanh”; một số quận, huyện đang tiếp tục để đạt được những tiêu chí đã đề ra. “Khi tình hình cơ bản được kiểm soát, nguy cơ đã giảm dần, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch chiến lược để phù hợp, từng bước mở cửa nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói.

Theo ông, đây không chỉ là trách nhiệm của TPHCM đối với khu vực, cả nước mà còn là trách nhiệm đóng góp đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông cho biết, phương châm của thành phố là không quá chậm so với nhu cầu thực tiễn đặt ra, cũng không chủ quan nôn nóng mà phải thực hiện từng bước, thận trọng, chắc chắn, “không mở cửa nếu không tuyệt đối an toàn”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói rằng những điều TPHCM đã và đang làm trong công tác phòng chống dịch là chưa có tiền lệ. Nhiều nước trên thế giới cũng đang căn cứ tình hình dịch bệnh từng nơi để có những phương pháp áp dụng phù hợp. Trong bối cảnh đó, thành phố cũng đang tiếp tục nghiên cứu, học tập những phương pháp hợp lý để áp dụng. “Chúng ta chọn Cần Giờ, Củ Chi, quận 7, trong đó có một số khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp FDI đủ điều kiện được tiến hành hoạt động sản xuất”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên kết luận.

An sinh xã hội phải công khai, minh bạch

Về tiêm chủng vaccine, nhiều tổ tiêm lưu động đã được thành lập, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Đến nay, đã tiêm hơn 6,5 triệu người được tiêm mũi 1 (đạt tỷ lệ trên 90% đối với người từ 18 tuổi trở lên) và hơn 1,4 triệu người đã được tiêm mũi 2 (đạt tỷ lệ trên 20%).

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng đặc biệt được quan tâm, nhiều địa phương, cơ sở đã chủ động vận động, chăm lo kịp thời cho các đối tượng gặp khó khăn trong thời kỳ giãn cách. Nhiều nơi đã huy động, tổ chức tiếp nhận và phân phối nguồn hàng hỗ trợ từ xã hội. Tuy nhiên, hiện tại còn rất nhiều nơi, nhiều người khiếu nại, thắc mắc và chờ đợi sự hỗ trợ tiếp theo.

Công tác cung ứng hàng hóa các mặt hàng thiết yếu cho người dân, cơ bản đã đáp ứng kịp, không để người dân quá khó khăn. Cùng với đó, 2 điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn đã được cho phép hoạt động trở lại nhằm bổ sung nguồn hàng cung ứng cho thành phố và nối lại nguồn cung ứng từ 37 tỉnh, thành.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói rằng, trong quá trình phòng chống dịch, thành phố phát hiện một số điểm yếu cần khắc phục. “Trước mắt, tôi đề nghị, cần tạo ra một cơ chế cho tất cả người dân đều có thể tiếp cận hệ thống y tế thuận tiện, công bằng. Hiện tại, một số bệnh nhân mắc các bệnh ngoài Covid-19 đang rất khó khăn trong vấn đề này. Đây là đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt trở lại. Các bác sĩ tư, bệnh viện, trạm xá, nhà thuốc chuyên chăm sóc cho những trường hợp này cần được mở cửa hoạt động nhanh nhất có thể”, Bí thư Thành uỷ nhận định.

Về an sinh xã hội, thời gian qua còn nhiều thắc mắc, khiếu nại, đề xuất của người dân mà chưa được thực hiện. Trong đợt hỗ trợ lần này phát sinh nhiều đối tượng nên càng phải có tiêu chí rõ ràng, phù hợp với tình hình, để bên dưới dễ triển khai. Cùng đó, rà soát, lên danh sách và có hội đồng kiểm duyệt danh chính ngôn thuận. Hội đồng có đủ thành phần mang tính pháp lý để công khai, minh bạch, công bằng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Muốn chuyển từ No-Covid sang Co-Covid thì buộc phải giải quyết được 3 vấn đề lớn 1. Phủ vaccin toàn dân, 2. Giảm nhanh đi đến chấm dứt tử vong do Covid, bảo đảm rằng khi người dân vào bệnh viện để chữa trị Covid thì giống như chữa bệnh thông thường, không còn lo sợ phải … chầu trời một cách cô đơn, nghiệt ngã, 3. Chấm dứt tình trạng đứt gãy, chia cắt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực thiết yếu, những chuỗi sản xuất có mối liên hệ ngoại thương toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới