Thứ tư, 18/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM thu phí cảng biển gần 3.800 tỉ đồng, bổ sung vốn đầu tư hạ tầng

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Từ khi triển khai thu phí hạ tầng cảng biển tháng 4-2022 đến nay, TPHCM đã thu được gần 3.800 tỉ đồng qua hệ thống tự động. Nguồn thu phí này góp phần bổ sung nguồn vốn bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối khu vực cửa khẩu cảng biển.

Bãi xếp container tại cảng Cát Lái, TPHCM. Ảnh minh họa: H.P

TTXVN dẫn thông tin từ hội nghị sơ kết việc thu phí cảng biển trên địa bàn TPHCM cho biết, kết quả thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-4-2022 đến ngày 15-12-2023 là 3.797 tỉ đồng, riêng năm 2023 thu được khoảng 1.935 tỉ đồng.

Sau nhiều lần thay đổi thời gian do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 1-4-2022, TPHCM chính thức triển khai thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn. Mức thu phí thấp nhất là 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container và cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet.

Hệ thống thu phí đã có trên 68.800 doanh nghiệp đăng ký, số lượng tờ khai phát sinh trên 4 triệu tờ khai. Trung bình mỗi ngày thành phố thu 6 - 7 tỉ đồng phí hạ tầng cảng biển qua hệ thống tự động.

Các đơn vị thu phí không đầu tư mà thuê hệ thống công nghệ thông tin. Ngoài 1,3% được trích chi cho hoạt động thu phí và thuê hệ thống công nghệ, toàn bộ nguồn thu đều được nộp về ngân sách.

Việc triển khai thu phí được ứng dụng công nghệ thông tin, thu phí qua hệ thống ngân hàng, không thu tiền mặt, không phải tổ chức bộ máy cồng kềnh. Hoạt động thu phí ổn định, không xáo trộn hay ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp tại các kho, bãi, cảng.

Trong điều kiện ngân sách TPHCM còn khó khăn, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển rất ý nghĩa để góp phần bổ sung giải quyết nguồn vốn bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối khu vực cửa khẩu cảng biển còn nhiều hạn chế. Trên cơ sở đề án thu phí, Hội đồng Nhân dân TPHCM đã thông qua danh mục các dự án trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển, gồm 27 công trình được sử dụng từ nguồn thu phí.

Theo đó, nhóm các dự án đã được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách thành phố có 15 dự án, tổng kế hoạch vốn đã bố trí là 24.000 tỉ đồng; trong đó, 6 dự án đã có chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và 9 dự án đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Các dự án trọng điểm như xây dựng, mở rộng Vành đai 2; mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái; hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy; xây dựng nút giao An Phú; mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy); hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; duy tu nạo vét sông Soài Rạp.

TPHCM đang cân đối vốn, triển khai hàng loạt dự án giao thông quan trọng khu vực cảng biển như Vành đai 2 đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng; nút giao Mỹ Thủy khu vực cảng Cát Lái, đường liên cảng.

Nguồn lực mà thành phố dành cho các dự án khu vực cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu (thành phố Thủ Đức) là rất lớn.

Trong đó, dự án nút giao An Phú dự kiến hoàn thành đầu năm 2025; đến năm 2026 thông xe Vành đai 2; đồng thời kết hợp đường liên cảng được xây dựng thì cửa ngõ phía Đông sẽ thông thoáng. Xe ra vào cảng thuận lợi, giảm thời gian quay vòng, chi phí logictics sẽ giảm.

Ngoài ra, thành phố đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường mới dài 6 km nối cảng Cát Lái - Phú Hữu qua cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 3. Dự án này ước tính tổng vốn 8.000 tỉ đồng, cũng dự định dùng nguồn thu phí cảng biển để đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới