Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM thúc đẩy phát triển ngành lương thực thực phẩm

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngành lương thực thực phẩm TPHCM trong 8 tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng doanh nghiệp hoạt động trong ngành này cũng đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức phía trước.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm, TPHCM lần đầu tiên sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TPHCM 2022 (HCMC FOODEX 2022) vào cuối tháng 10 tới.

Sự kiện do UBND TPHCM chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) chủ trì, phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22-10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).

Quang cảnh họp báo công bố chức Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TPHCM 2022 (HCMC FOODEX 2022).

Ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TPHCM, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp của thành phố.

Tại buổi họp báo giới thiệu triển lãm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), cho biết 8 tháng đầu năm nay chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm cả nước tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tại TPHCM, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành lương thực thực phẩm cùng thời gian trên tăng 26,87%. Trong đó phân ngành chế biến thực phẩm tăng 11,9% (ghi nhận mức tăng của một số nhóm hàng chủ lực như chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 15,4%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng 11%...).

Hiện Việt Nam đã xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến đến hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ và là đối tác thương mại lớn của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bà Chi cho rằng đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam tăng cường mở rộng giao thương và việc hợp tác với những khách hàng lớn với các yêu cầu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất góp phần nâng cao được chất lượng sản phẩm Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Chi cũng nhận định về khó khăn của ngành và doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm Việt Nam. "Việc các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan… cần thiết đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm, đưa văn hóa bản địa vào sản phẩm để thích ứng với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu".

Hiện nay, việc các nước đặt ra các rào cản kỹ thuật rất khắt khe là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thông tin này rất chậm. Điều này đã dẫn đến một số thực phẩm Việt Nam ở một số thị trường gần đây đã gặp khó vì sử dụng các hóa chất cấm trong ngành chế biến.

"Công tác phối hợp để cập nhật và phát thông tin cảnh báo về các thay đổi quy định trong tiêu chuẩn hàng hóa, các biện pháp kiểm soát, phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, khiến doanh nghiệp bị động và lúng túng trong ứng phó và dễ rơi vào tình trạng bị kiện hoặc không xuất hàng được", bà Chi nói.

Mặt khác, bà Chi lưu ý, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành lương thực thực phẩm. Việt Nam là một trong 4 quốc gia được đánh giá là chịu tác động rất lớn về biến đổi khí hậu, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất gạo và các sản phẩm thủy sản, trái cây chủ lực của Việt Nam, sẽ là thách thức cho sự phát triển của ngành nông nghiệp cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành lương thực thực phẩm và sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu.

Giá nguyên liệu sản xuất và phí dịch vụ logistics tăng cao là 2 vấn đề chính có tác động không nhỏ đến việc nhận đơn hàng xuất khẩu mới của doanh nghiệp trong ngành hiện nay.

Bên cạnh vấn đề vận tải thì giá nguyên phụ liệu sản xuất kể cả trong nước và nhập khẩu đều tăng từ 15-40% so với thời điểm trước dịch bùng phát. Trong khi đó các nguyên liệu nhập khẩu khác để chế biến hay bao bì đóng gói cũng tăng hơn 30% so với trước, bà Chi nói.

Với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển”, Triển lãm HCMC FOODEX 2022 dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế.Tại triển lãm, các doanh nghiệp sẽ giới thiệu các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm dạng thô/sơ chế (nông sản, thủy hải sản, gia vị…); nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm được chế biến sâu; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm nguyên phụ liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm; nhóm máy móc thiết bị sản xuất, đóng gói, bảo quản và các nhóm ngành liên quan.Điểm nhấn của triển lãm năm nay là các hoạt động giới thiệu, trình diễn quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam và quốc tế sẽ diễn ra xuyên suốt trong thời gian triển lãm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới