Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại buổi tổng kết tình hình sản xuất công nghiệp và xây dựng các giải pháp phát triển ngành công thương trên địa bàn TPHCM diễn ra hôm 9-1, Sở Công Thương TPHCM cho biết, mục tiêu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố kỳ vọng tăng 7,5% so với cùng kỳ. Cơ quan này đề ra nhiều giải pháp để duy trì ổn định và phát triển công nghiệp trên địa bàn.

kế hoạch về triển khai chương trình kết nối ngân hàng, tổ chức tín dụng Nhà nước để hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp thu hút hơn 35.500 khách hàng tham gia. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Nhiều kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp năm 2022 đạt kết quả

Trong năm 2022, Sở Công Thương TPHCM cũng đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như kế hoạch về triển khai chương trình kết nối ngân hàng, tổ chức tín dụng Nhà nước để hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025. Kết quả, có hơn 33.500 khách hàng tham gia với tổng số tiền là 394.600,54 tỉ đồng.

Về kế hoạch của chương trình kích cầu đầu tư trên địa bàn thành phố, trong năm, tổng số tiền đầu tư vào các dự án là  hơn 2.336,1 tỉ đồng. Bình quân số vốn đầu tư cho một dự án khoảng 73 tỉ đồng. Trong đó, mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian tối đa 7 năm.

Kết thúc năm 2022, công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong ngày theo kế hoạch số 2328/KH-SCT ngày 9-5-2022 nhằm hỗ trợ, xử lý thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp đạt nhiều kết quả. Việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bưu chính công ích đạt 99,89%. Ngoài ra, sở cũng đang cung cấp hơn 100 thủ tục hành chính được cấp dịch vụ công mức độ 4 và tỷ lệ hiệu quả đạt 99%.

Kỳ vọng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng hơn 7%

Trên cơ ở đó, Sở Công Thương đang hướng đến mục tiêu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của TPHCM tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12% so với dự ước năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu thành phố (trừ dầu thô) tăng 10% so với cùng kỳ.

Ngành công nghiệp đang ưu tiên phát triển các nhóm ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Các giải pháp được nêu ra hướng đến việc khuyến khích phát triển sản xuất tại các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo có giá trị công nghệ cao; chuyển đổi số trong doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp với ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp – công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, các ban ngành liên quan phối hợp với các doanh nghiệp trong hoạt động bình ổn thị trường, thực hiện các phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh; theo dõi tình hình tác động của giá nguyên, nhiên vật liệu…

Một số chương trình, hoạt động sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2023 như chương trình về kích cầu đầu tư các dự án phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của thành phố, chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng, mở rộng mạng lưới kết nối trong và ngoài nước, ứng dụng phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Các doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn về quy tắc xuất xứ, các quy định về phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật tại thị trường xuất khẩu để nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó trước các biến đổi trên thế giới, tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố (IIP) tăng 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 20,4%, cao hơn 6,5 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Một số ngành có tăng trưởng cao như ngành hóa dược – cao su – nhựa có chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 32,2%. Hiện nay, sản phẩm nhựa Việt Nam có mặt ở khoảng 160 thị trường.

Ngành chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống có chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 30,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành cơ khí năm 2022 ước tăng 8,7%.

Nguyên nhân của sự tăng trưởng ngành công nghiệp là do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng sau dịch bệnh, các doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – các nước châu Âu (EU) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Nhiều nhóm ngành phục hồi khi các hoạt động như giải trí, du lịch, nhà hàng cũng mở cửa trở lại từ tháng 3-2015, nhất là ngành chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống.

Tuy nhiên, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cho biết, sản xuất công nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga – Ukraine làm giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng, chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới