(KTSG Online) - Kết luận thanh tra mới công bố cho thấy vẫn còn SIM rác được kích hoạt sẵn bán ra. Thế nhưng, trách nhiệm rà soát thông tin thuê bao lại bị nhà mạng “chuyền banh” bằng cách gửi tin nhắn yêu cầu khách hàng liên hệ “để rà soát không có SIM khác đang bị đăng ký bằng thông tin của mình”!
- Món ‘nợ’ SIM rác vẫn chưa trả xong sau một năm chuẩn hóa thông tin
- Khách hàng mất tiền vì lỗ hổng 2G, nhà mạng và ngân hàng vẫn vô can?
Trong vài tuần gần đây, nhiều thuê bao dùng điện thoại di động đã nhận được tin nhắn SMS với nội dung: “Theo Luật Viễn thông, từ ngày 1-7-2024, các thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các số điện thoại mình đã đăng ký sử dụng với nhà mạng”.
Trong khi tin nhắn của một số nhà mạng có thêm phần giải thích “Khuyến cáo thuê bao không chuyển SIM của mình cho người lạ sử dụng để tránh bị liên đới trách nhiệm” thì tin nhắn của hai nhà mạng Mobifone và Vinaphone không giải thích gì thêm mà lại “Đề nghị liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng để rà soát bảo đảm SIM của mình là chính chủ và không có SIM nào khác đang bị đăng ký bằng thông tin của mình mà bản thân không sử dụng”.
Thật ra không phải chờ đến khi Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực, từ trước đến giờ khách hàng luôn phải chịu mọi trách nhiệm về SIM số điện thoại di động do họ đứng tên. Tỷ lệ người đứng tên SIM để người khác sử dụng sau đợt tổng rà soát thông tin, chính chủ hóa thuê bao chỉ là số rất ít vì người ngay tình không ai muốn gặp phiền phức từ các hệ lụy pháp lý có thể xảy ra cho họ.
Thông tin trên báo chí cho thấy, trường hợp thông tin của người dân bị dùng để đăng ký SIM do ai đó sử dụng mà họ không hề hay biết xảy ra không ít. Đáng nói là nhiều vụ được khách hàng tình cờ phát hiện vào thời điểm quí 1-2024, tức là tròn một năm sau đợt tổng rà soát của các nhà mạng để chuẩn hóa, chính chủ hóa thông tin thuê bao theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông(1).
Như vậy, sau đợt tổng rà soát thông tin thuê bao từ tháng 3-2023 đến nay, SIM rác được kích hoạt bằng thông tin không chính chủ vẫn tồn tại thì trách nhiệm rõ ràng là thuộc về hệ thống kiểm soát của nhà mạng là chính.
Tình trạng SIM rác được kích hoạt sẵn bằng thông tin người khác ngay trong thời kỳ chuẩn hoá thông tin thuê bao một lần nữa lại được xác nhận qua kết quả do Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông mới công bố tuần này. Trong giai đoạn 2023 - 2024, ngành Thông tin và Truyền thông đã triển khai 92 đoàn thanh kiểm tra về SIM rác, ban hành khoảng 70 quyết định xử phạt về SIM rác với số tiền 5,6 tỉ đồng.
Các vi phạm của nhà mạng được nêu trong báo cáo của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, ngay cả khi đợt tổng rà soát thông tin thuê bao đã hoàn thành trong năm 2023, kết quả kiểm tra trong năm 2024 tại 6 nhà mạng do Cục Viễn thông tiến hành cho thấy vẫn còn tình trạng nhân viên của doanh nghiệp viễn thông di động lách, làm sai quy định vì áp lực doanh số, thu nhập. Bên cạnh đó vẫn còn các đại lý lách luật để kích hoạt sẵn SIM du lịch, SIM data dùng để truy cập internet(2).
Cũng cần nhắc lại, hồi tháng 3-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản yêu cầu các nhà mạng phải kiểm tra nhóm khách hàng đăng ký trên 4 SIM. Từ ngày 15-4-2024, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM của doanh nghiệp mình được kích hoạt sẵn.
Như vậy, trách nhiệm kiểm tra ngăn chặn SIM rác kích hoạt sẵn bằng thông tin không chính chủ của mình lại được nhà mạng “chuyền banh” qua khách hàng và thậm chí còn hù dọa như trong tin nhắn nói trên.
Khách hàng bị phiền toái đến hai lần: thông tin của họ bị sử dụng trái phép để kích hoạt SIM rác mà họ lại phải tốn thời gian, công sức liên hệ với nhà mạng để chứng minh. Đây là cách ứng xử không sòng phẳng của nhà mạng vì lẽ ra họ mới là người liên hệ với khách hàng để kiểm tra thông tin nếu có dấu hiệu nghi ngờ.
Cho dù có một thiểu số khách hàng vi phạm trong việc đứng tên SIM thì cũng không thể vì vậy mà làm phiền đa số khách hàng ngay tình như cách làm hiện nay. Khách hàng sẽ không thể vi phạm nếu hệ thống quản lý thông tin thuê bao và quy trình kiểm soát nhân viên và đại lý của nhà mạng chặt chẽ.
Các đợt tổng dọn dẹp SIM rác
- Năm 2016: Tổng số SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn bị phát hiện là 17 triệu, số SIM rác bị khóa là 16 triệu.
- Năm 2020: Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận có 6,8 triệu SIM rác đang hoạt động và tiến hành khóa đợt thứ hai.
- Tháng 3-2023: Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại di động bằng cách so khớp với dữ liệu số căn cước công dân của Bộ Công an để chống SIM rác. Đến giữa tháng 9-2023, các nhà mạng đã khóa 12,5 triệu SIM rác.
---------------------------
(1) https://laodong.vn/ban-doc/lo-lang-nguoi-la-su-dung-sim-dung-ten-minh-de-di-lua-dao-1326321.ldo
(1) https://baoquangninh.vn/nhieu-nguoi-phat-hien-dung-ten-sim-so-la-3289387.html
(1) https://www.sggp.org.vn/sim-nguoi-ten-minh-post731505.html
(2) https://baotintuc.vn/xa-hoi/van-con-dai-ly-kich-hoat-san-sim-rac-20241118075446079.htm
Quản việc này, quá dễ và quá nhanh. Nhất là trong điều kiện hệ thống dữ liệu công dân đầy đủ, ai cũng có ID rồi. Khi phát sinh một sim kích hoạt, yêu cầu kết nối hệ thống dữ liệu công dân để kiểm tra giám sát. Kết quả sẽ có ngay lập tức. Đồng thời sẽ có phương án xử lý tức thời. Rác, kiểu gì cũng có. Quan trọng là chặn và quét ngay từ đầu thôi.
Ai cho nhà mạng có quyền truy cập và dữ liệu dân cư quốc gia? nền tảng luật nào? quyền nào? nghĩa vụ ra sao?
Khách của chính họ đăng ký SIM còn không biết là phải chính chủ không, giờ còn cho thêm quyền lấy thông tin thì chả hóa giao trứng cho ác?
Bây giờ chưa đủ lộ lọt thông tin cá nhân hay sao?