Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trách nhiệm tuân thủ của các chủ thể tham gia quảng cáo trên môi trường mạng

Cẩm Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trên thế giới và ở Việt Nam đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống (ngoài trời, trên báo chí) sang quảng cáo trên mạng. Vì vậy, khi tiến hành sửa Luật Quảng cáo năm 2012, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định về trách nhiệm tuân thủ của các chủ thể trong chuỗi giá trị quảng cáo trên môi trường mạng nhằm khắc phục những hạn chế về quản lý trong thời gian qua.

Những mẩu quảng cáo trên một trang thông tin điện tử.

Hiệu quả quản lý chưa cao

Dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 sẽ được trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp tháng 10-2024 và xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5-2025.

Theo Tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Quảng cáo năm 2012 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Sau hơn 10 năm triển khai thi hành luật này, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này; đồng thời đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đặc biệt là các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Cụ thể, một số quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng (báo điện tử, trang thông tin điện tử…) tại Luật Quảng cáo năm 2012 không còn phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, như: không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin. Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây, điều này khiến các báo điện tử, trang thông tin điện tử không thể tối ưu lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo để duy trì hoạt động.

Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đặc biệt là các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Hiện nay, hoạt động quảng cáo có sự chuyển dịch từ hình thức truyền thống (quảng cáo ngoài trời trên bảng, biển, băng rôn, báo in, báo nói, báo hình…) sang quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động…). Điều này kéo theo khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ. Luật Quảng cáo năm 2012 cũng chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà các quy định đang nằm rải rác tại một số văn bản dưới luật nên hiệu quả quản lý chưa cao.

Không quảng cáo trên các trang vi phạm pháp luật Việt Nam

Để giải quyết vấn đề này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi) đã thiết kế các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (sửa đổi điều 23 của luật năm 2012).

Theo đó, hoạt động quảng cáo trên mạng gồm: quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng Internet. Quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận diện bằng từ ngữ, ký hiệu hoặc các hình thức tương tự để phân biệt giữa thông tin quảng cáo với các thông tin khác không phải quảng cáo.

Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá sáu giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá hai lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp. Đối với những quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin điện tử khác thì nội dung của trang thông tin điện tử được dẫn đến tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; người cung cấp dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo phải có giải pháp để kiểm tra, giám sát nội dung của trang thông tin điện tử được dẫn đến.

Về trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, dự thảo luật yêu cầu phải tuân thủ bốn nguyên tắc.

Thứ nhất, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế đối với doanh thu phát sinh từ dịch vụ quảng cáo theo quy định pháp luật về thuế.

Thứ hai, sản phẩm quảng cáo phải được đặt ở vị trí theo quy định, không đặt vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật của Việt Nam; không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam.

Thứ ba, không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử, ứng dụng trên mạng, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thứ tư, thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tán thành với việc bổ sung các quy định để khắc phục hạn chế trong quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua. Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng quy định “không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam” còn chung chung. Cần quy định cụ thể về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nào, cơ chế, cách thức để nhận biết các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện luật.

Ngoài ra, thực tế hiện nay có không ít quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định về việc nội dung của trang thông tin cá nhân, ứng dụng trên thiết bị di động phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và có quy định về kiểm tra, giám sát đối với nội dung này; do đó, cần nghiên cứu bổ sung để có quy định quản lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới