Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Thư Hoài

(TBKTSG) - Những năm gần đây, khi nói đến văn hóa, đạo đức kinh doanh, người ta hay nhắc đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giúp công chúng hiểu rõ vấn đề này thì còn quá ít tài liệu.

Cuốn sách Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của hai Giáo sư Michel Capron và Françoise Quairel-Lanoizelée (nguyên tác tiếng Pháp La Responsabilité Sociale d’Entreprise), do Lê Minh Tiến và Phạm Như Hồ dịch, thuộc Tủ sách Kiến thức của Saigon Times Foundation, vừa được xuất bản sẽ giúp người đọc hiểu thấu đáo từ nguồn gốc phát sinh khái niệm này, cho đến các chiến lược quản lý và việc xây dựng bộ công cụ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Theo các tác giả, sự quan tâm đến những hậu quả nảy sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng, của hoạt động kinh tế nói chung đã có từ rất lâu đời, thế nhưng khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (Corporate Social Responsibility - CSR) chỉ mới xuất hiện vào thập kỷ 50 của thế kỷ 20 ở Mỹ với H. R. Bowen.

Tuy nhiên, sự lan tràn của mô hình Ford - Taylor trong quản trị doanh nghiệp và sự phát triển mô hình nhà nước phúc lợi (thay cho lòng bác ái của giới chủ) đã làm lu mờ những vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Cho đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, trước những mối hiểm họa mà người ta cho rằng thủ phạm là những hoạt động của các doanh nghiệp lớn và hoạt động kinh tế nói chung - chẳng hạn sự hủy hoại sinh quyển, sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng đe dọa kết cấu của xã hội, những tổn hại đối với sức khỏe cộng đồng… - đã làm trỗi dậy quan niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Mặt khác, chính sự phản ứng của các hội đoàn, tổ chức phi chính phủ, của xã hội dân sự nói chung, đã tạo nên một trào lưu xã hội gây áp lực khiến các doanh nghiệp - đặc biệt là các tập đoàn, các công ty đa quốc gia - phải có hành động thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Về mặt lý luận, xuất phát từ việc xác định mối quan hệ giữa doanh nghiệp với môi trường chung quanh, quan niệm về trách nhiệm của doanh nghiệp được mở rộng, từ trách nhiệm nâng cao khả năng sinh lợi cho cổ đông, những người sở hữu doanh nghiệp, đến chỗ có trách nhiệm đối với những thành phần có liên quan (stakeholder).

Theo R. E. Freeman (1984), thành phần có liên quan là những cá nhân có thể tác động hoặc bị tác động do việc hiện thực hóa các mục tiêu của các tổ chức (doanh nghiệp). Còn theo A. B. Carroll (1989), có thể chia thành phần có liên quan làm hai loại: thành phần liên quan chủ yếu, và trực tiếp (cổ đông, người lao động, các nhà cung ứng, khách hàng) và thành phần liên quan thứ yếu, bao gồm những thành phần có quan hệ tự nguyện hoặc không tự nguyện với doanh nghiệp bằng một khế ước mặc nhiên hoặc mang tính đạo đức, như các hiệp hội, cộng đồng lãnh thổ ở địa phương, các tổ chức phi chính phủ…

Sách do Saigon Times Foundation hợp tác với NXB Tri Thức xuất bản, dày 232 trang, giá 33.000 đồng.

Một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cần gắn những mong đợi của thành phần liên quan vào các quyết định của mình. Điều này vừa là định hướng kinh doanh, xem lợi ích của các thành phần liên quan như một điều kiện đảm bảo cho hiệu quả kinh doanh và tài chính, đồng thời cũng là một định hướng đạo đức của doanh nghiệp.

Về sự đáp ứng của doanh nghiệp trước những mong đợi này, các tác giả cuốn sách cũng phân tích những chiến lược quản lý về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, từ chỗ phòng thủ, né tránh, từ chối trách nhiệm đến xu hướng thỏa hiệp, hợp tác.

Phần cuối cuốn sách (chương VI), các tác giả trình bày việc xây dựng bộ công cụ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, từ việc tiêu chuẩn hóa chu trình quản trị trách nhiệm xã hội (với tiêu chuẩn SD 21000, dự án ISO 26000…), lập báo cáo về trách nhiệm xã hội, đến việc chứng nhận, dán nhãn mác về trách nhiệm xã hội và môi trường…

Trong bối cảnh mà vấn đề đạo đức kinh doanh đang trở thành nỗi bận tâm, lo lắng của cả cộng đồng như ở nước ta hiện nay, việc xuất bản cuốn sách này là rất kịp thời và cần thiết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới