Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trải nghiệm du lịch gắn với cộng đồng và bảo vệ môi trường

Khả Hân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, một nhóm doanh nghiệp cùng người dân địa phương đang phát triển loại hình du lịch cộng đồng kết hợp quảng bá bảo vệ môi trường.

Trải nghiệm sống cùng dân

Homestay Nam Yên của chị Đỗ Thị Huyền Trâm trong thời gian qua là nơi phục vụ nhiều đoàn khách cả trong nước và quốc tế khi đến xã Hòa Bắc – địa phương vùng cao duy nhất của Đà Nẵng. Cùng với cộng đồng bà con nơi đây, homestay này hướng du khách đến sự gắn kết giữa trải nghiệm cuộc sống, tham quan nghỉ dưỡng với các hoat động bảo vệ môi trường sinh thái, với mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm gần gũi.

Một nhóm du khách người nước ngoài tập làm mì Quảng tại một nhà dân ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Khả Hân

Mỗi khi bắt đầu các hoạt động trải nghiệm, chị Trâm đều dành 15 - 20 phút cho màn chào hỏi, giới thiệu để tăng cường gắn kết với du khách, đồng thời là thời gian chị Trâm sẽ truyền đạt những quy định khi tham gia du lịch tại đây.

Sau đó theo chương trình, du khách có thể tham gia những hoạt động vận động như đi bộ, đi xe đạp dạo quanh những cánh đồng lúa xanh rì và con đường làng nhiều ngõ ngách, tắm suối thiên nhiên, tự xay bột làm bánh bèo, mì Quảng cho bữa ăn.

Muốn khách “sống chậm” bằng những trải nghiệm đời thường, tại nhà người dân Hòa Bắc, du khách sẽ tự nấu cơm, đun nước pha trà, chăm sóc gia đình để bồi đắp tình cảm. Chị Võ Thị Thùy Anh, một du khách, chia sẻ trong cuộc sống hiện đại, bữa cơm gia đình đôi khi bị coi nhẹ để dành thời gian làm công việc khác.

Khi cả nhà được cùng nhau trải nghiệm thực tế sẽ thấy niềm vui, đoàn kết giữa bố mẹ và con cái được tăng lên rất nhiều, đồng thời cũng tiết kiệm được tiền phí phục vụ. “Chúng tôi tự tay nhóm bếp củi, nấu cơm, pha trà, đun nước tắm chứ không sử dụng bình nóng lạnh như những khách sạn thông thường khác, điều này thật sự tạo ấn tượng thú vị cho các con tôi, đây cũng là những bài học kỹ năng giá trị”, chị cho biết.

Tại đây, những người dân tham gia với tiêu chí “Cái gì cho được thì cho, không có thì mua và tính phí. Vì vậy, thường chủ nhà hay đón khách tới những bữa cơm mang đúng tính chất gia đình “có gì dùng nấy”, nếu không có yêu cầu đặc biệt, chủ nhà sẽ tiếp khách bằng mớ rau tập tàng vườn nhà, con gà thả sau sân, con cá tươi vừa đánh bắt.

Những vị khách du lịch nước ngoài đặc biệt thích thú với không khí ấm cúng, mâm cơm dân dã. Nhóm du khách nước ngoài cho hay họ cảm nhận được cái ấm áp mà những khu nghỉ dưỡng hạng sang khác không thể mang lại. Họ đặc biệt ấn tượng với màu xanh ngút ngát của cây cối, cánh đồng lúa, thích nghe tiếng côn trùng trong không gian tĩnh lặng, cảm nhận không khí trong lành mát mẻ và mùi hương của thiên thiên mang lại.

Nhóm du khách trải nghiệm đạp xe quanh các đường làng tại xã Hòa Bắc. Ảnh: Khả Hân

Nói về điều này, chị Huyền Trâm cũng cho biết: “Du lịch cộng đồng, có những giá trị đặc biệt và chân thật riêng của nó, có thể thiếu thốn và không thể bằng các nơi khác về vật chất, cơ sở hạ tầng, trước khi khách đến, tôi cũng nói với khách những điều đó và chúng tôi mong muốn khách chấp nhận và hài lòng. Tôi cũng nói với khách là khách đừng... chê sản phẩm của bà con, bởi vì người dân đã đem tất cả những vì họ có ra phục vụ khách, đó là điều đáng quý nhất ”, chị Trâm cười chia sẻ.

Cùng nhau bảo vệ môi trường

Theo tìm hiểu, du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc trải dài với sự tham gia của khoảng 30 đến 35 hộ gia đình. Mọi người liên kết để cùng nhau lên chương trình, đón khách đến ăn uống, trải nghiệm, có những gia đình được du khách yêu thích, thường chọn là “điểm đến” để quay lại những lần sau. Tiêu chí của một hộ gia đình tham gia du lịch cộng đồng là phải thực hiện phân loại rác, bảo đảm an toàn, yên tĩnh cho du khách, không rượu bia, không karaoke, loa kẹo kéo, có nhà vệ sinh sạch sẽ, gia đình hiền hòa, văn hóa.

Hai vợ chồng già làng Bùi Văn Siêng, 72 tuổi, thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) cũng tham gia vào mạng lưới cộng đồng, bởi ông nhận thấy du lịch cộng đồng mang lại giá trị to lớn cho cuộc sống người dân, nâng cao đời sống cho bà con địa phương mà vẫn giữ được vệ sinh môi trường.

Già làng Siêng nói: “Việc phân loại rác được mọi người hướng dẫn du khách chấp hành rất nghiêm túc, không để tình trạng rác thải vương vãi tại khu du lịch, nơi ăn uống, rác được phân loại làm phân bón cho cây, thức ăn cho vật nuôi, bao nylon có thể giặt đi phơi khô dùng lại, nếu không sử dụng được nữa thì mới cho vào thùng rác, vài tháng một lần có xe tới chở rác đi, nhưng rác này ít lắm”.

Theo những người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, việc chăm bón nông sản được thực hiện nghiêm ngặt trên tiêu chí sạch sẽ, an toàn. Điều này góp phần không nhỏ trong việc giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, khách chấp nhận mua giá cao hơn nhưng đảm bảo thực phẩm sạch, tự nhiên.

Tại homestay của chị Đỗ Thị Huyền Trâm, những cây mít cao vượt mái nhà, cây bưởi, cây xoài trĩu quả, nhưng chị Trâm có quy định riêng không cho du khách mua, hái trong vườn mà để trái chín cho chim ăn, rụng tự nhiên dưới đất, tạo không gian hoang dã cho khách, qua hình ảnh đó cũng tuyên truyền ý thức không săn bắt động vật, bảo vệ môi trường sinh thái - đặc biệt là cho các đoàn học sinh, trẻ nhỏ.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hòa Vang, cho hay việc thu hút du lịch bằng thế mạnh vốn có, bao gồm môi trường sinh thái, văn hóa làng nghề truyền thống, dịch vụ thuần nông, bản chất mến khách của người dân làng xã cũng là định hướng phát triển của cộng đồng du lịch Hòa Vang.

Một điểm dã ngoại tại xã Hòa Bắc. Ảnh: Khả Hân

Theo đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang, tiến tới đến năm 2030 sẽ hình thành 5 cụm, điểm du lich cộng đồng hấp dẫn kết hợp với sinh thái, cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng thuần chất địa phương, đậm chất văn hóa, kết nối hài hòa với thiên nhiên, làng quê. Du lịch cộng đồng ban đầu đã khẳng định giá trị lớn là tạo ra việc làm cho nhiều người dân, kết nối chia sẻ khách cho bà con tự làm chủ, cung cấp giá trị trải nghiệm cho người dân và du khách.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhìn những tấm ảnh thấy lũy tre, cây rơm, đồi núi… mà thấy tiếc cho quê tôi. Nông thôn mới bây giờ ủi sạch, toàn dây kẽm gai…. ôi tiếc!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới