(KTSG Online) - Giá trái phiếu (tính theo đô la Mỹ) của các công ty bất động sản ở Trung Quốc giảm mạnh trong những tuần gần đây, chạm mức thấp kỷ lục mới. Một số trái phiếu giao dịch dưới 10 xu (cent) so với mệnh giá 1 đô la Mỹ. Điều này phản ánh niềm tin đang bị bào mòn cạn kiệt sau một loạt các vụ vỡ nợ trái phiếu khiến các nhà đầu tư quốc tế thua lỗ nặng, trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc lún sâu vào vòng xoáy suy thoái.
Biến cố mới nhất trên thị trường bất động sản Trung Quốc diễn ra trong tuần này, sau hôm 2-11, nhà phát triển bất động sản CIFI Holdings, có trụ sở ở Thượng Hải, thông báo dừng tất cả các khoản thanh toán các khoản nợ nước ngoài do không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ. CIFI cho biết công ty đã chấm dứt đàm phán với các trái chủ về việc trả nợ.
Trái phiếu của CIFI đang sụp đổ trên thị trường thứ cấp. Theo Tradeweb, một trái phiếu đô la của CIFI đáo hạn vào năm 2028 được đặt mua với khoảng 6 cent so với mệnh giá 1 đô la. Cổ phiếu của CIFI giảm 25% trong phiên giao dịch hôm 1-11, nâng mức giảm từ đầu năm đến nay lên mức 91%.
Theo Tradeweb, một số trái phiếu do Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, được báo giá dưới 8 cent vào hôm 1-11 dù công ty chưa vỡ nợ bất kỳ khoản nợ trái phiếu.
Giá trái phiếu trên thị trường thứ cấp của CIFI và Country Garden đang giao dịch gần với mức giá trái phiếu của China Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản có khối nợ cao nhất của Trung Quốc và đang trong tình trạng vỡ nợ. Theo FactSet, hầu hết các trái phiếu do Evergrande phát hành, đang trong giai đoạn xử lý nợ phức tạp, gần đây được báo giá khoảng 4 xu so với mệnh giá 1 đô la.
Chỉ hai tháng trước, CIFI và Country Garden là một trong những công ty bất động sản vẫn được chính quyền Trung Quốc coi là “nhà phát triển bất động sản kiểu mẫu”. Họ nằm một nhóm gồm ít nhất sáu nhà phát triển được Công ty Bảo hiểm trái phiếu Trung Quốc cung cấp bảo lãnh trái phiếu trong nước theo một chương trình thí điểm được thiết kế để hạn chế tình trạng vỡ nợ của các công ty bất động sản gặp khó khăn tài chính.
Công ty Longfor Group, nhà phát triển bất động sản lớn thứ 10 của Trung Quốc, cũng nhằm trong nhóm này. Trái phiếu đô la của Longfor Group hiện giao dịch ở mức khoảng 20 cent so với mệnh giá 1 đô la. Cổ phiếu Longfor Group đã giảm hơn 70% trong năm nay bao gồm mức giảm 24% hôm 31-10 sau khi Wu Yajun, người đồng sáng lập kiêm chủ tịch Longfor Group từ chức vào tuần trước.
Hiện có đến 94% trái phiếu đô la của các công ty bất động sản Trung Quốc giao dịch dưới mức 70 cent so với mệnh giá 1 đô la.
Kenny Chung, Giám đốc điều hành kiêm giám đốc danh mục đầu tư của Công ty quản lý quỹ phòng hộ thu nhập cố định Astera Capital Partners, nói: “Mọi nhà đầu tư đều sợ hãi”.
Dù trái phiếu đô la của các công ty bất động sản Trung Quốc dường như đang rất rẻ, “vẫn chưa có gì điều gì tích cực để đặt cược vào chúng”, ông cảnh báo.
Theo dữ liệu của China Real Estate Information Corp, trong tháng 10, doanh số bán hàng tại 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc giảm 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức tương đương 76,7 tỉ đô la, đánh dấu tháng giảm thứ 16 liên tiếp. Doanh số bán hàng trong tháng 10, thường là tháng kinh doanh bận rộn đối với các công ty bất động sản Trung Quốc, cũng giảm 2,6% so với tháng 9.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mất hàng tỉ đô la khi đầu tư vào trái phiếu bất động sản của Trung Quốc trong năm nay. Theo dữ liệu từ Morningstar, quỹ trái phiếu có lợi suất cao tại châu Á của Fidelity International có tổng lợi nhuận là âm 43% vào cuối tháng 10. Một quỹ tương tự do BlackRock quản lý có tổng lợi nhuận là âm 34% so với cùng kỳ. Hai quỹ này đang nắm các tài sản trị giá khoảng 1,6 tỉ đô la.
Trong bối cảnh bất động sản của Trung Quốc suy thoái, các nhà đầu tư toàn cầu đã áp dụng phương châm hành động “bán trước, suy nghĩ sau” đối với trái phiếu của các nhà phát triển có lợi suất cao hơn. Trong những tuần qua, cách tiếp cận đó đã lan sang những tên tuổi mạnh hơn trên thị trường bất động sản Trung Quốc.
China Vanke, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai đất nước, chứng kiến một trái phiếu đô la đáo hạn vào năm 2027 giảm xuống mức thấp kỷ lục 40,3 cent vào hôm 1-11. Chỉ cách đây 1 tháng, trái phiếu này vẫn giao dịch trên mức 80 cent.
Nicholas Chen, một nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu nợ CreditSights, cho biết có nhiều điều không chắc chắn về hướng đi của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc và có rất ít diễn biến cụ thể trong nỗ lực tái cơ cấu nợ do các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn khi thực hiện.
Ông nói: “Yếu tố kỹ thuật trên thị trường và sự sợ hãi của nhà đầu tư hiện là động lực chính đối giá trái phiếu bất động sản của Trung Quốc”.
Anthony Leung, Giám đốc danh mục đầu tư tại Công ty Pollock Asset Management Ltd., nói: “Các nhà đầu tư đã mất tất cả hy vọng vào toàn bộ lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Quy mô của sự sụp đổ giá trị bất động sản sẽ tác động sâu sắc đến khẩu vị đầu tư ở tất cả các loại tài sản rủi ro của Trung Quốc trong nhiều năm tới”.
Theo WSJ, Bloomberg