Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trái phiếu doanh nghiệp 2025 – kỳ vọng khởi sắc hơn?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhiều dự báo cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 sẽ khởi sắc hơn, đặc biệt sự phục hồi sẽ thực chất hơn ở nhóm doanh nghiệp, chứ không chỉ nhờ vào nhóm ngân hàng như năm 2024 vừa qua. Vậy đâu là cơ hội và thách thức cho thị trường này?

418.197 tỉ đồng là giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành từ đầu năm 2024 đến ngày 20-12-2024. Ảnh: LÊ VŨ

2024 - lực kéo từ ngân hàng

418.197 tỉ đồng là giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã được phát hành từ đầu năm 2024 đến ngày 20-12-2024, trong đó có đến 404 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 386.083 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng lên tới 92,3%, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA). Con số này tăng hơn 25% so với giá trị TPDN phát hành năm 2023 và cao hơn 55% so với năm 2022, cho thấy thị trường TPDN đang phục hồi tích cực.

Tuy nhiên, đi chi tiết hơn vào phân theo nhóm ngành, có thể thấy nhóm ngân hàng chiếm xấp xỉ hơn 70% tổng giá trị TPDN được phát hành trong năm 2024. Trong khi đó, năm 2023 nhóm ngân hàng chỉ chiếm hơn 58% tổng giá trị phát hành, kế đến là nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 22,5%. Điều này đồng nghĩa với việc nếu loại trái phiếu do các ngân hàng phát hành ra, lượng trái phiếu do các doanh nghiệp khác phát hành trong năm 2024 có khả năng thấp hơn năm trước.

Không chỉ nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhóm doanh nghiệp sản xuất cũng có thể đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án đầu tư mới, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trước triển vọng kinh tế tích cực trong năm 2025. Nhóm doanh nghiệp chứng khoán cũng sẽ tăng cường huy động vốn qua thị trường trái phiếu để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh, dự kiến sẽ sôi động hơn trong năm 2025 trước triển vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng.

Như vậy, có thể thấy các thương vụ phát hành trái phiếu mới của nhóm doanh nghiệp khác vẫn đang gặp không ít khó khăn, trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư dành cho thị trường này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Điểm tích cực là tình hình chậm trả gốc và lãi trái phiếu có xu hướng cải thiện dần từ đầu năm 2024 đến nay, khi nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc thỏa thuận gia hạn với các trái chủ.

Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán VCBS, quy mô thị trường TPDN đang dần bước vào giai đoạn ổn định, quá trình tái cơ cấu tiếp diễn với Nghị định 08/2023/NĐ-CP trong bối cảnh thuận lợi hơn nhờ lãi suất vẫn đang ở mặt bằng thấp, thị trường TPDN riêng lẻ thứ cấp dần đi vào ổn định với lượng trái phiếu niêm yết và thanh khoản tăng.

Về phía ngân hàng, do có uy tín và thương hiệu lớn, các ngân hàng gặp nhiều thuận lợi khi phát hành trái phiếu mới, đảm bảo thu hút được dòng tiền tham gia. Các ngân hàng cũng đầu tư trái phiếu lẫn nhau khá lớn, nhằm cải thiện các tỷ lệ an toàn, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, do đó lượng phát hành được tiêu thụ dễ dàng.

Ngoài ra, phần lớn giá trị trái phiếu ngân hàng phát hành còn nhằm tất toán các trái phiếu cũ đến hạn hoặc mua lại trước hạn, để tái cấu trúc lại kỳ hạn đảm bảo đủ điều kiện tính vào vốn tự có cấp 2, cũng như tận dụng mặt bằng lãi suất thấp hơn so với giai đoạn trước. Thống kê của VBMA cho thấy trong tổng giá trị TPDN được mua hạn lại trước hạn tính đến ngày 20-12-2024 là 186.534 tỉ đồng, ngân hàng cũng là nhóm dẫn đầu khi chiếm hơn 73% tổng giá trị mua lại trước hạn.

Nhiều dự báo cho rằng thị trường TPDN năm 2025 sẽ khởi sắc hơn, đặc biệt sự phục hồi sẽ thực chất hơn ở nhóm doanh nghiệp khác, chứ không chỉ nhờ vào nhóm ngân hàng như năm 2024 vừa qua. Việc một loạt doanh nghiệp lớn liên tục phát hành trái phiếu thành công gần đây, trong đó có những doanh nghiệp bất động sản như Vinhomes, Becamex hay Nam Long…, là tín hiệu báo trước sự sôi động hơn trong năm 2025.

Cơ hội và thách thức năm 2025

Thị trường địa ốc đang có dấu hiệu ấm hơn sau khi bộ ba Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản và Nhà ở có hiệu lực, giúp gỡ bỏ các rào cản, vướng mắc pháp lý. Đồng thời, giá căn hộ tại nhiều dự án bất ngờ tăng mạnh trở lại. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào triển vọng phục hồi của nhóm doanh nghiệp bất động sản và mạnh dạn rót tiền vào TPDN nhóm này hơn. Ngoài ra, khi thị trường bất động sản hồi phục, các doanh nghiệp cũng sẽ có nhu cầu phát hành trái phiếu mới tài trợ cho các dự án tiềm năng.

Không chỉ nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhóm doanh nghiệp sản xuất cũng có thể đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án đầu tư mới, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trước triển vọng kinh tế tích cực trong năm 2025. Nhóm doanh nghiệp chứng khoán cũng sẽ tăng cường huy động vốn qua thị trường trái phiếu để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh, dự kiến sẽ sôi động hơn trong năm 2025 trước triển vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng.

Luật Chứng khoán sửa đổi mới đây đã đưa ra những quy định cụ thể hơn về TPDN phát hành riêng lẻ. Theo quy định cũ, trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được phân phối cho nhà đầu tư chuyên nghiệp bao gồm cả cá nhân và tổ chức. Quy định mới đã cho phép tổ chức phát hành phân phối cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp khi đáp ứng được điều kiện về xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh ngân hàng. Điều này sẽ giúp tăng giá trị giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ, bởi ngoài việc mở rộng đối tượng được mua thì quy định mới đồng thời tăng tính minh bạch của việc phát hành TPDN riêng lẻ, tạo hàng rào bảo vệ hữu hiệu hơn, giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro khi đầu tư vào loại trái phiếu này.

Với quy mô dư nợ TPDN so với GDP Việt Nam chỉ mới xấp xỉ 10%, còn khá nhiều dư địa cho thị trường này phát triển trong giai đoạn kế tiếp, nhất là khi mục tiêu của cơ quan quản lý là nâng dư nợ TPDN năm 2030 lên tối thiểu 25% GDP. Điều quan trọng nhất là phải lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, minh bạch hóa thị trường, ngăn chặn các hành vi phát hành vi phạm quy định pháp luật. Luật Chứng khoán sửa đổi với những giải pháp bổ sung được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ nhà đầu tư, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành của doanh nghiệp.

Đơn cử như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền hủy bỏ đợt phát hành sau khi trái phiếu đã được phát hành, trong khi các đơn vị cung cấp dịch vụ đối với các đợt phát hành trái phiếu gồm tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành, tổ chức lưu ký và đặc biệt là người đại diện cho các trái chủ, sẽ có nghĩa vụ kiểm tra tính chính xác của hồ sơ, điều kiện phát hành của hồ sơ.

Dù vậy, cũng sẽ có một số thách thức cho thị trường này trong năm 2025. Đầu tiên là lượng TPDN đáo hạn trong năm 2025 khá lớn, lên đến 250.000 tỉ đồng và năm 2026 là 230.000 tỉ đồng. Áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quí 3-2025 với lượng TPDN đáo hạn lên tới khoảng 70.000 tỉ đồng, gấp khoảng 1,6 lần so với cùng kỳ, đặc biệt tập trung trong tháng 7 và tháng 8, vào nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Ngoài ra, Nghị định 08/2023/NĐ-CP dù đã tạo khung pháp lý cho quá trình đàm phán gia hạn TPDN, nhưng việc gia hạn chỉ được tiến hành tối đa trong hai năm. Điều này sẽ dẫn đến khối lượng lớn TPDN đáo hạn kể từ quí 2-2025. Vì vậy, lượng TPDN chậm trả gốc và lãi có thể tăng trở lại từ nửa sau năm 2025.

Cuối cùng, trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng đi lên, các doanh nghiệp bị đặt vào thế đối mặt với thách thức chi phí phát hành trái phiếu mới sẽ cao hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới