Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ở Trung Quốc tăng vọt trong năm 2024

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 tại Trung Quốc sẽ đạt 6.800 tỉ nhân dân tệ (945,53 tỉ đô la), tăng 20% so với năm trước. Điều này cũng đồng nghĩa là áp lực trả nợ của doanh nghiệp tư lẫn công ở nước này sẽ căng thẳng hơn trong bối cảnh kinh tế đang chững lại.

Giá trị trái phiếu đáo hạn tăng bảy lần

Phân tích dữ liệu của London Stock Exchange Group (LSEG), Nikkei nhận thấy việc mua lại trái phiếu của các công ty Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng giá trị gấp 7 lần so với 10 năm trước. Tốc độ này nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng GDP, vốn tăng gấp đôi trong cùng kỳ. Tổng số tiền mua lại trái phiếu đáo hạn trong giai đoạn 2024-2026 dự kiến đạt hơn 20.000 tỉ nhân dân tệ, với nhiều đợt phát hành trái phiếu mới trong tương lai.

Chính quyền địa phương Trung Quốc lập các công ty con, phát hành trái phiếu để gọi vốn xây dựng các dự án cầu đường, metro. Ảnh: Reuters

Đặc biệt, khối nợ từ những loại trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành (LGFV) đang phình to. Được biết, LGFV là sản phẩm tài chính của công ty do chính quyền địa phương thành lập nhằm gọi vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Số tiền mua lại trái phiếu đáo hạn tăng nhanh do hàng loạt đợt phát hành LGFV lớn trước đây, chiếm hơn 30% số dư trái phiếu doanh nghiệp. Lượng trái phiếu mua lại sẽ chạm mốc 2.100 tỉ tệ trong năm nay, tăng gần 40% so với năm trước.

Nhà đầu tư tiếp tục mua LGFV vì tin rằng sản phẩm này được chính quyền bảo lãnh. Khi LGVF đáo hạn, việc mua lại sản phẩm này có sự chậm trễ, trục trặc trong thời gian qua. Nhưng trên thực tế, chưa có vụ vỡ nợ toàn diện được báo cáo.

Khoản nợ LGFV ngày càng lớn, hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn, góp phần trì kéo nền kinh tế. Trái phiếu LGFV được xem là "sản phẩm quản lý tài sản", được bán cho nhà đầu tư cá nhân và ngân hàng như một loại khoản vay. Nếu doanh nghiệp không trả được nợ, niềm tin rằng trái phiếu LGFV được chính phủ bảo lãnh sẽ tan vỡ. Tình trạng này có thế khiến nhà đầu tư nhanh chóng rút tiền hàng loạt.

Dường như, niềm tin của những người trong cuộc cũng bị lung lay khi lo ngại về khả năng vỡ nợ đang xảy ra với nhiều công ty bất động sản lớn. Tháng 12 vừa rồi, Moody's đã xem xét hạ xếp hạng tín dụng của 26 LGFV sau khi cắt giảm triển vọng xếp hạng tín dụng quốc gia của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực.

Doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Khó khăn tài chính gia tăng, buộc nhiều LGFV phải đưa ra mức lãi suất cao hơn trước để thu hút người mua. Chẳng hạn như ấn định ở mức 8% cho trái phiếu kỳ hạn ba năm hoặc rút ngắn thời gian đáo hạn hơn nữa. Số tiền mua lại tăng lên hàng năm khi các nơi cần nguồn tài trợ mới cho dự án công.

Các khoản nợ xấu và nằm trong danh sách theo dõi do các ngân hàng nắm giữ không ngừng tăng lên, đạt tổng giá trị 7.600 tỉ tệ cuối tháng 9-2023 - hơn ba lần so với 2.200 tỉ tệ ghi nhận cuối tháng 3-2014.

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã yêu cầu hệ thống ngân hàng quốc doanh giúp gia hạn thời gian đáo hạn các khoản vay LGFV, hỗ trợ chính quyền địa phương điều chỉnh kế hoạch trả nợ. Tuy nhiên, trên thực tế các ngân hàng quốc doanh đang ưu tiên bán nợ xấu từ những khoản vay mua nhà, nợ thẻ tín dụng của người dân và khoản vay của doanh nghiệp tư nhân.

Trong vòng xoáy nợ nần

Theo số liệu của ngân hàng đầu tư UBS của Thụy Sĩ, hơn 80% công ty LGFV không có đủ tiền mặt hoạt động để trả lãi cho trái phiếu đến hạn.

Không chỉ chịu sức ép từ nợ, Chính quyền địa phương lúc này lại đang hoay với sự sụt giảm mạnh về thu ngân sách và rủi ro vỡ nợ của LGFV gia tăng. Việc bán hoặc cho thuê quyền sử dụng đất vốn chiếm 20-30% nguồn thu ngân sách địa phương nhưng nguồn thu này giảm 20% trong cả năm 2022 và tiếp tục giảm với tỷ lệ tương tự trong năm 2023. Hệ quả là thâm hụt ngân sách địa phương đã vượt quá 720 tỉ tệ trong 5 tháng đầu 2023, theo ước tính của Wang Tao, nhà kinh tế trưởng của UBS.

Caixin nói rằng một số chính quyền đã không thể trả nợ trong nhiều năm nay. Từ khi Covid bùng phát, chuyện trả nợ đúng hạn trở nên thất thường và tình hình càng xấu đi từ nửa cuối 2022, đặc biệt là các tỉnh Tây Nam và Đông Bắc của đại lục.

Nhiều chính quyền địa phương đã phải vay nợ để trả lương cho công chức, một số nơi trì hoãn các kế hoạch trả lương. Hệ quả là công chức nhiều nơi phải đi vay nợ để trang trải chi phí sinh hoạt.

Theo nghiên cứu của HuaAn Securities, cuối năm 2023 có đến 3.427 LGFV đến hạn, chính quyền chi khoảng 2.600 tỉ tệ để tất toán. Năm tỉnh có nhiều khoản nợ LGFV đến hạn nhất là Giang Tô, Triết Giang, Sơn Đông, Thiên Tân và Tứ Xuyên.

Một thông lệ phổ biến đối với chính quyền địa phương, thực thể LGFV là phát hành trái phiếu mới để trả các khoản vay hiện tại. Theo báo cáo tháng 8 của HuaAn Securities, trong số 1.539 LGFV đã bán trái phiếu mới trong năm 2023, 46% đã phát hành trái phiếu để trả nợ cho trái phiếu đến hạn. Tỷ lệ này là 90% ở tỉnh Quý Châu.

Một số LGFV đã tìm đến các nhà quản lý quỹ tư nhân để thực hiện “phát hành tái cấu trúc”. Tức là các tổ chức phát hành có xếp hạng tín dụng thấp mua một phần trái phiếu phát hành của chính họ hoặc nhờ một bên liên kết làm như vậy. Quy mô phát hành bị thổi phồng một cách giả tạo, nhằm thu hút những người mua thiếu kinh nghiệm. Việc phát hành như vậy trở nên rất rủi ro ở những khu vực mà chính quyền địa phương vay vượt quá khả năng của họ.

Theo Nikkei Asia, Caixin Global

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới