Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trái phiếu doanh nghiệp: Hành trình lấy lại niềm tin cho phát triển dài hạn

Vân Phong thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Tài chính đang nghiên cứu, sửa đổi khung khổ pháp lý để tăng cường hoạt động của các quỹ đầu tư, qua đó đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp cho thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, góp phần đưa hai thị trường này thành kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế.

“Bong bóng” nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ “phát nổ” năm 2022 dẫn đến mối lo ngại về sự đổ vỡ dây chuyển của thị trường này trong năm 2023. Nhưng với các quyết sách kịp thời và linh hoạt, thị trường TPDN riêng đã “hạ cánh mềm” trong năm 2023. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, từ khi Nghị định số 08/2023 của Chính phủ có hiệu lực đến hết năm 2023, đã có 81 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 269.500 tỉ đồng. So với việc các doanh nghiệp chỉ phát hành được 882 tỉ đồng trong hai tháng đầu năm thì con số này cho thấy sự phục hồi tốt của thị trường.

Để thúc đẩy thị trường tăng về “chất”, hành lang pháp lý cho thị trường với các nghị định đã được Chính phủ ban hành. Thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ đã chính thức vận hành, là một phần trong nỗ lực của Chính phủ để kiểm soát và từng bước chuẩn hóa thị trường.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thị trường này thực sự trở thành kênh dẫn vốn cơ bản, kết tạo nguồn vốn dài hạn và bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, KTSG Online đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính, xung quanh vấn đề này.

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: H.T

- KTSG Online: Nhìn lại thị trường TPDN riêng lẻ năm 2023, Bộ trưởng cho rằng đâu là điểm khác biệt lớn nhất so với năm 2022?

- Ông Hồ Đức Phớc: Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022, thị trường TPDN phát triển nhanh với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33% một năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong năm 2022, thị trường TPDN có nhiều biến động, do ảnh hưởng của thị trường tài chính trong và ngoài nước, các vụ việc liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Ngân hàng SCB đã tác động tiêu cực đến thị trường TPDN, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, doanh nghiệp hạn chế phát hành trái phiếu.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường TPDN, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả.

Với các giải pháp của Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, trong năm 2023, thị trường TPDN bắt đầu có sự phục hồi, đặc biệt kể từ thời điểm sau khi Nghị định số 08/2023 bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, từ khi Nghị định số 08 có hiệu lực đến hết năm 2023, đã có 81 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 269.500 tỉ đồng. So với việc các doanh nghiệp chỉ phát hành được 882 tỉ đồng trong hai tháng đầu năm thì con số này cho thấy sự phục hồi tốt của thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã tích cực bố trí nguồn lực thanh toán TPDN đến hạn và thực hiện đàm phán với nhà đầu tư cũng như tái cơ cấu và gia hạn TPDN nhằm giảm áp lực trả nợ gốc, lãi khi TPDN đáo hạn. Khối lượng mua lại TPDN tính đến hết năm 2023 đạt 238.000 tỉ đồng và đã có nhiều doanh nghiệp đã có phương án đàm phán.

Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng 5,05% so với năm 2022, đáng lưu ý là mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quí 1-2023 tăng 3,41%, quí 2 tăng 4,25%, quí 3 tăng 5,47%, quí 4 tăng 6,72%), việc thị trường TPDN phục hồi đã hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn để đầu tư, phục vụ sản xuất kinh doanh, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng.

Thời điểm hiện nay, thị trường TPDN đã có dấu hiệu phục hồi, từng bước khắc phục lại niềm tin của nhà đầu tư sau sự việc Ngân hàng SCB xảy ra vào cuối năm 2022. Trong đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023 được các Hiệp hội, thành viên thị trường đánh giá cao, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giãn áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn; đồng thời, Nghị định số 08 cũng là văn bản pháp lý tiền đề làm cơ sở để các Bộ ngành tiếp tục ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn ngắn hạn của thị trường tài chính.

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thị trường TPDN. Theo đó, SGDCK chịu trách nhiệm rà soát việc chấp hành quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp, tổ chức tư vấn dịch vụ, trường hợp vi phạm chuyển UBCKNN xử lý. UBCKNN chủ trì tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ; đồng thời Bộ Tài chính đã giao UBCKNN làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, có đơn thư phản ánh để yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Cục Giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này. Công tác tuyên truyền về thị trường TPDN cũng được Bộ Tài chính tích cực triển khai thông qua gần 70 ấn phẩm truyền thông trên các chương trình phóng sự của VTV, các bài báo, phát thanh của các báo, tạp chí có uy tín về kinh tế, tài chính.

Các chính sách và giải pháp của Chính phủ thời gian qua đã giúp ổn định tâm lý thị trường, cùng với đó việc quyết liệt triển khai công tác kiểm tra, giám sát và thông tin, tuyên truyền, cảnh báo rủi ro. Các chủ thể tham gia thị trường từ nhà đầu tư đến doanh nghiệp phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ đã tăng cường tính tuân thủ pháp luật, minh bạch hơn trong hoạt động.

Tôi cho rằng đây là chuyển biến quan trọng để thị trường phát triển thị trường bền vững, an toàn, hiệu quả hơn.

Vậy lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 tương đối lớn với hơn 380.000 tỉ đồng trái phiếu tới hạn (gồm cả gốc và lãi - PV), chủ yếu là trái phiếu bất động sản và năng lượng tái tạo, liệu có tạo áp lực với thị trường vốn và lòng tin nhà đầu tư?

Khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 cũng ở mức tương đối cao, khoảng 301.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, so với bối cảnh giai đoạn cuối năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 khi vụ việc ngân hàng SCB xảy ra, kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, tiền tệ hiện nay đều ổn định hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, tăng trưởng GDP năm 2023 có xu hướng phục hồi, quý sau cao hơn quý trước; lạm phát năm 2023 được kiểm soát ở mức phù hợp với mức tăng 3,25% so với năm 2022; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 7,2% so với năm 2022; đầu tư công được đẩy mạnh về số vốn thực hiện, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân ở mức cao, bằng 73,5% kế hoạch Quốc hội đề ra và 81,87% kế hoạch Thủ tướng giao; an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, hiệu quả

Đây là các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất -kinh doanh, có dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi với nhà đầu tư. Với từng ngành, lĩnh vực có đặc điểm hoạt động riêng, nên mức độ phục hồi, phát triển khác nhau.

Với riêng lĩnh vực bất động sản, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, số lượng dự án đã hoàn thành quí 4-2023 là 29 dự án, cao hơn so với số dự án đã hoàn thành trong quí 3 là 21 dự án, quí 2 là 7 dự án, quí 1 là 14 dự án. Sau khi Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, kỳ họp bất thường lần thứ 5, các khó khăn pháp lý cho thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án, có dòng tiền để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư.

Về bản chất, thị trường TPDN nằm trong tổng thể thị trường tài chính, có mối quan hệ chặt chẽ với diễn biến kinh tế vĩ mô trong, ngoài nước và các chính sách điều hành vĩ mô tổng thể, các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, tín dụng ngân hàng, chứng khoán.

Do đó, với thị trường TPDN, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, kể từ quí 2-2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại, một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tháo gỡ áp lực thanh khoản. Một số yếu tố ảnh hưởng tích cực đến sự phục hồi của thị trường gồm:

Thứ nhất, các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện quy định về hoán đổi, đàm phán để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác và các trái phiếu đã phát hành trước ngày 16-9-2022 được đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá hai năm. Qua đánh giá tình hình triển khai Nghị định 08/2023, chính sách này đang tương đối hiệu quả với 57,3% khối lượng trái phiếu chậm trả nợ đã có phương án đàm phán tính đến hết năm 2023. Trong đó, có 6,8% đã thanh toán một phần gốc và lãi cho nhà đầu tư, 50,4% đã đàm phán để cơ cấu lại nợ trái phiếu.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô phục hồi, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, có khả năng thanh toán nợ đến hạn phát hành mới, từ đó xây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư và củng cố tâm lý cho thị trường TPDN nói riêng và thị trường vốn nói chung.

Trong năm 2023, khối lượng phát hành TPDN tăng dần qua từng quý, trong đó quí 2-2023 đạt 8.700 tỉ đồng, quí 3-2023 đạt 105.300 tỉ đồng, quí 4-2023 đạt 130.100 tỉ đồng đồng. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi trong năm 2024.

Thứ ba, với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và tác động của hai Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua, dự kiến năm 2024 sẽ có thêm nhiều dự án được hoàn thành và bàn giao, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản.

Thứ tư, mặt bằng lãi suất hiện nay ở mức tương đối thấp, các doanh nghiệp có dự án tốt, phương án kinh doanh khả thi có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ, trong đó có nghĩa vụ nợ TPDN.

Thứ năm, các doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về khung khổ pháp lý và tăng cường công tác thanh tra, giám sát, cùng với tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, thị trường TPDN năm 2024 sẽ dần lấy lại niềm tin của đầu tư, tiếp tục đóng vai trò là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng.

Để thị trường TPDN riêng lẻ phát triển bền vững trong dài hạn, việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi và đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư với sự tham qua của các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện là vô cùng quan trọng. Xin hỏi Bộ trưởng, việc này đang được Bộ Tài chính tiến hành tới đâu?

Tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11--7-2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29-12-2023 của Thủ tướng về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, đã đề ra mục tiêu phát triển quy mô thị trường TPDN đạt 20% vào năm 2025 và 25% vào năm 2030. Đồng thời, có hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp để các Bộ, ngành phối hợp triển khai.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường TPDN ổn định, minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, đồng thời đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư để tăng độ sâu của thị trường.

Với việc xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, đây là nhiệm vụ chung của Chính phủ, các Bộ, ngành trong chức năng nhiệm vụ được giao sẽ triển khai thực hiện. Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành xây dựng Luật Chứng khoán, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Luật Doanh nghiệp, trong đó có quy định về việc phát hành, giao dịch TPDN.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành ban hành các Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các Nghị định sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thị trường trong từng giai đoạn. Đồng thời, trong điều hành, để xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, cần thiết phải ổn định kinh tế vĩ mô và thể chế thị trường.

Hiện các Bộ, ngành thực hiện các nhóm giải pháp chính, gồm: thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; (tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; theo dõi thanh toán TPDN đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát; rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan; nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán; tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và NHNN.

Với việc đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư trái phiếu… đây cũng là một giải pháp quan trọng để phát triển thị trường TPDN theo như thông lệ quốc tế. Hiện nay, nhà đầu tư tổ chức chưa đa dạng, đặc biệt là các quỹ đầu tư (quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm - PV) chưa phát triển, quy mô còn nhỏ. Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân mua TPDN ở mức cao, trong khi kiến thức, kinh nghiệm đầu tư thấp. Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, sửa đổi khung khổ pháp lý để tăng cường hoạt động của các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Không thể nói các chỉ số lạc quan về kinh tế vĩ mô là đủ vì bản thân TPDN cần phải tạo ra sức hút và động lực từ nó và không thể trông chờ những yếu tố hỗ trợ chỉ là phần phụ. Chính phủ và Bộ Tài chính cần xem xét chính sách bảo đảm hoặc tái bảo đảm từ các quỹ đầu tư, quỹ tín dụng, các ngân hàng thương mại có uy tín và tiềm lực đối với TPDN phát hành để lấy lại niềm tin và tạo đà cho TPDN nhanh chóng vực dậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới