Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tranh cãi trật chìa về ốc vít

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cuộc tranh cãi về chuyện có thật doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới làm được ốc vít gắn biển số xe ô tô thật ra cũng hữu ích xét về mức độ thông tin. Nhiều ý kiến cung cấp chính xác bức tranh về năng lực sản xuất cơ khí của doanh nghiệp trong nước; nhiều ý kiến khác cho thấy mức độ tham gia của doanh nghiệp trong nước vào ngành sản xuất lắp ráp ô tô, xe gắn máy đang như thế nào.

Tuy nhiên, ở góc độ chiến lược, với cách tổ chức sản xuất, cung ứng hàng hóa hiện nay, không ai, không nước nào tranh cãi nhau về việc họ làm được ốc vít loại gì. Cái quan trọng hơn là họ đang tham gia như thế nào vào các chuỗi cung ứng hàng hóa, thành phẩm và cả dịch vụ đan xen nhau trên thế giới.

Chúng ta có thể tự hào hàng năm xuất khẩu nhiều tỉ đô la điện thoại di động là sản phẩm cao cấp của Samsung hay Nokia, nhưng điều đó không loại trừ công lao của nước khác cũng tham gia vào chuỗi cung ứng này, có thể là sản xuất màn hình hay chip nhớ hay thậm chí chỉ là con ốc hay chất keo gắn các thành phần này lại với nhau. Đó là sự phân công để đạt được mức độ tối ưu về giá thành, giá nhân công, nguồn cung cấp nguyên liệu, vị trí địa lý và hàng chục yếu tố khác.

Thay vì tranh cãi doanh nghiệp trong nước đã làm được con ốc vít hay chưa, hãy xem chúng ta làm được gì để doanh nghiệp có thể tham gia ngày càng sâu hơn vào các chuỗi cung ứng này.

Về phía Nhà nước, không làm thay doanh nghiệp, nhiệm vụ quan trọng hơn cả ở đây là tham gia vào các hiệp ước thương mại song phương, đa phương và khu vực; sao cho các doanh nghiệp đa quốc gia khi định hình chuỗi cung ứng sẽ cân nhắc các lợi thế Việt Nam đem lại, từ ưu đãi thuế đến các ưu đãi khác, rồi các cam kết giữa nhà nước với nhau... để quyết định đầu tư vào Việt Nam hay tìm nguồn cung ứng từ Việt Nam. Nhờ thế Việt Nam hiện đang tham gia sâu vào nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, kể cả các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất các linh kiện nào đó cho máy bay Boeing hay Airbus.

Còn phía doanh nghiệp, đó là luôn nâng cao năng lực cạnh tranh và nhanh chóng nắm bắt cơ hội mở ra khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại. Đây chính là chỗ yếu của doanh nghiệp trong nước vì tận dụng các cơ hội này thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang làm tốt hơn rất nhiều.

Thay vì tranh cãi chuyện ốc vít, nên tranh luận để nắm bắt sự thay đổi trong xu hướng tổ chức chuỗi cung ứng hiện nay dưới tác động của tranh chấp thương mại, của chiến tranh và dịch bệnh. Chúng ta đã làm gì khi các nước hình thành chuỗi cung ứng mới, liên kết giữa các nước thân thiện nhau để tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng? Chúng ta đã làm gì khi nhiều nước muốn đưa sản xuất về trong nước, đảo ngược quá trình toàn cầu hóa để tạo công ăn việc làm cho người trong nước. Chúng ta đã làm gì khi xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước đang ngày càng tăng, nhiều nước ưu tiên trợ cấp cho doanh nghiệp trong nước, bất kể luật lệ đã cam kết trong thương mại quốc tế.

Chính những xu hướng này đang tác động lên tình hình sản xuất trong nước khi nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng phải ngưng hay giảm quy mô sản xuất. Thảo luận các vấn đề này và tìm lời giải rồi tổ chức và bắt đầu quá trình tham gia xây dựng các chuỗi cung ứng mới quan trọng và cấp bách hơn nhiều so với các phát biểu mang tính gây sốc, nhưng không đi vào thực chất của các thử thách nền sản xuất của đất nước đang phải đối diện.

1 BÌNH LUẬN

  1. Mọi thứ đều có lý do. Không phải và không chỉ là những cuộc tranh luận vô bổ. Thực chất vấn đề nằm ở chỗ, những gì ta nói đều là những gì không làm được, hoặc làm không đến nơi đến chốn. Chiến lược công nghiệp ô tô là ví dụ. Nói mãi qua nhiều thập kỷ, nhưng cuối cùng vẫn quay về số 0. May mà sau này có Thaco/ Vinfast… gỡ gạc bớt thể diện. Năng lực hoạch định và thực thi chính sách là công việc hàng đầu của mọi quốc gia. Rất tiếc, đến bây giờ vẫn còn loay hoay mãi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới