Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tranh chấp liên quan đến dự án đầu tư PPP ngày càng tăng và phức tạp hơn

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Vướng từ khâu lựa chọn dự án, thông tin dự án, thủ tục hành chính cho đến các cơ chế nên nhà đầu tư rất cẩn trọng khi chọn rót tiền vào các dự án theo hình thức hợp đồng đối tác công - tư (PPP).

Đáng chú ý, các tranh chấp liên quan đến dự án PPP đang ngày càng tăng, tính chất cũng dần phức tạp hơn, dẫn đến nhiều thiệt hại về cả vật chất và uy tín của các bên.

Những ý kiến trên được các chuyên gia, luật sư, nhà đầu tư,... nêu tại hội thảo thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao theo hình thức PPP vào ngày 7-7.

Ông Leif Schneider (ngoài cùng bên phải) cùng các chuyên gia, diễn giả thảo luận tại sự kiện về thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao theo hình thức PPP diễn ra hôm 7-7 tại TPHCM. Ảnh: Lê Hoàng

Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại TPHCM (ITPC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp tổ chức tại TPHCM.

Kênh thu hút vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng đầu tư theo hình thức PPP là một trong những xu thế nổi bật ở giai đoạn hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và khu vực hóa ngày càng sâu rộng hơn.

Các dự án PPP đã được áp dụng rộng rãi để phát triển cơ sở hạ tầng và hiện nay đã trở thành một phương thức ngày càng phổ biến để cung cấp các dịch vụ công khác nhau ở các nước trên thế giới.

Việc triển khai dự án theo hình thức PPP mang đến nhiều lợi ích, trước hết là sự hỗ trợ của khu vực tư nhân trong tiến trình thực hiện các dự án, giúp tăng cường tính hiệu quả trong việc phân phối, điều hành và quản lý.

Mô hình PPP còn giúp đưa vào các nguồn lực bổ sung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng; tạo nên nhiều hơn các cơ hội tiếp cận và nắm bắt công nghệ tiên tiến từ quốc tế.

Theo thống kê, riêng TPHCM đang quản lý 22 hợp đồng dự án, với tổng mức đầu tư gần 65.000 tỈ đồng, 166 dự án đang thực hiện theo hình thức PPP. Số lượng dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là 293 dự án trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác, với tổng mức đầu tư dự kiến là 910.426 tỉ đồng.

Thời gian vừa qua, với việc Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành và có hiệu lực, các cơ quan, doanh nghiệp đã có nhiều kỳ vọng hơn trong quá trình thu hút nguồn vốn và triển khai các dự án PPP.

Sự xuất hiện của điều luật liên quan đến PPP đã tạo nên hành lang pháp lý đảm bảo cho các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, củng cố tính hiệu quả, ổn định lâu dài khi thực hiện dự án.

Chính sách về PPP chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư

Tuy vậy, theo ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC, trên thực tế hiện nay, việc triển khai các dự án PPP vẫn còn một số tồn tại, bất cập khiến các nhà đầu tư cảm thấy lưỡng lự, băn khoăn khi quyết định “chung tay với nhà nước”.

Do gặp vướng mắc ở nhiều khâu, từ khâu lựa chọn dự án, thông tin dự án, thủ tục hành chính cho đến các cơ chế, nên nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài cũng dần cân nhắc hơn, cẩn trọng hơn khi chọn đầu tư vào các dự án PPP.

"Không chỉ vậy, nhiều dự án PPP cũng trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư do thiếu các công cụ chia sẻ rủi ro dự án, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện dự án, nhà đầu tư cũng chưa cảm nhận được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền", ông Bắc nói.

Đáng chú ý, thời gian qua, theo đánh giá từ người đại diện của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, các tranh chấp liên quan đến dự án PPP đang ngày càng tăng, tính chất cũng dần phức tạp hơn, dẫn đến nhiều thiệt hại về cả vật chất và uy tín của các bên.

Tương tự, theo ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, dù đã có hệ thống khung pháp lý cho các dự án PPP, nhưng chính sách PPP chưa thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, đầu tư dưới hình thức PPP còn nhiều bất cập và đang có dấu hiệu chững lại.

Ở Việt Nam, hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP không được xây dựng riêng biệt mà lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch phát triển quốc gia, ngành, địa phương. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu định hướng trong chiến lược, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực, trong đó có PPP.

Quang cảnh hội thảo về PPP ngày 7-7 tại TPHCM. Ảnh: Lê Hoàng

Quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hầu hết đều không có sự tham gia đóng góp hoặc có tham gia nhưng chỉ mang tính thủ tục từ các bên nhà đầu tư, nhà tài trợ, cộng đồng.

Điều 10, Luật Đầu tư PPP, cấm quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Theo Chính phủ, cho đến nay vẫn chưa có một kế hoạch chiến lược, trung và dài hạn cho PPP, do đó việc triển khai PPP chưa có định hướng rõ ràng dẫn đến tư duy ngại khó, các dự án cơ sở hạ tầng chưa có thứ tự ưu tiên.

Theo Bộ Xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn đã được cụ thể hóa trong đồ án quy hoạch xây dựng, nhưng vấn đề là thiếu sự liên kết vùng tỉnh trong quy hoạch, đặc biệt là hệ thống CSHT sử dụng chung chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Tại các địa phương, hầu hết chưa có kế hoạch PPP cho đầu tư phát triển CSHT, trừ một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh có lập kế hoạch trung hạn nhưng nhìn chung chất lượng quy hoạch dự án chưa cao.

Nhiều quy định chồng chéo giữa các luật

Văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp về PPP (hiện nay là Luật Đầu tư PPP 2020) đã quy định rõ trình tự chuẩn bị, thực hiện dự án.
Tuy nhiên, theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước (đối với việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án PPP), Luật đầu tư công (vốn đầu tư công trong dự án PPP), Luật Xây dựng (thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán), Luật Quản lý nợ công (vốn vay ODA sử dụng trong dự án PPP),... "Nhiều quy định chồng chéo giữa các luật với nhau dẫn đến khó khăn thực hiện trong thực tế", ông Nghĩa nói.
Nội dung quy định tại các luật liên quan này được xây dựng hướng tới dự án công hoặc đầu tư tư nhân thuần túy, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP; quy trình, thủ tục cũng được triển khai riêng lẻ, chưa đảm bảo hài hòa với quy trình thực hiện dự án PPP.
Theo nguyên tắc thị trường thì ”tiền trao, cháo múc”, còn BOT chẳng hạn thì theo ông Nghĩa: "Cháo đã múc, tiền vốn thì đến 2, 3 chục năm sau mới thu về, sau đó mới là tiền lãi".
LS. Trương Trọng Nghĩa cho rằng rủi ro của các dự án PPP rất lớn. Do đó, khi giải quyết các tranh chấp, xét xử các vi phạm liên quan đến PPP thì các cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng không thấy sự khác biệt này, dễ dẫn đến cách giải quyết không thuận lợi cho nhà đầu tư.
Tại sự kiện các ý kiến còn cho rằng, công tác triển khai Luật PPP còn gặp nhiều hạn chế. Các dự án PPP được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải.
Một số lĩnh vực được quy định nhưng chưa triển khai hoặc áp dụng chưa thành công như nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, hạ tầng khu kinh tế...
Ông Leif Schneider, Phó chủ tịch Tiểu bang pháp luật của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cũng cho rằng những lĩnh vực đầu tư qua hình thức PPP của Việt Nam hiện nay hẹp hơn các nước như ở Đức.
Ông kiến nghị nên mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư qua hình thức này và cơ chế chính sách thuận lợi hơn để nhà đầu tư yên tâm rót vốn đầu tư.
Tại sự kiện, các ý kiến cho rằng để phát huy những lợi thế mà PPP mang lại, việc cải thiện môi trường đầu tư, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách là điều hết sức cần thiết và cấp bách.
Bên cạnh đó, để bảo vệ cho các bên trong quá trình thực hiện dự án PPP, việc tạo lập cơ chế kiểm soát, chia sẻ rủi ro, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, cũng cần được chú trọng.
Để thực hiện một dự án PPP hiệu quả, bên cạnh các yếu tố về tính chất dự án, tài chính, nguồn lực, theo các chuyên gia, nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về những rủi ro có thể phát sinh để có phương án kiểm soát hiệu quả, hạn chế tối đa các tranh chấp không đáng có.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới