Tranh chấp Preah Vihear
![]() |
Đền cổ Preah Vihear trong tình trạng điêu tàn. |
(TBKTSG) - Hai nước láng giềng Thái Lan và Campuchia đang nỗ lực dàn xếp vụ tranh chấp liên quan tới chủ quyền của phần đất chung quanh đền Preah Vihear để ngôi đền cổ này có thể được công nhận là di sản văn hóa thế giới giữa lúc hàng ngàn người dân Thái Lan biểu tình phản đối sự nhân nhượng của chính phủ.
Tranh chấp Preah Vihear
Đền Preah Vihear nằm trên đỉnh núi Phra Viharn thuộc tỉnh Si Sa Ket, Thái Lan giáp biên giới Campuchia. Hiện nay, đền thuộc chủ quyền Campuchia; nhưng phần khu vực xung quanh đền bao gồm núi và đất với diện tích 4,6 ki lô mét vuông lại thuộc Thái Lan.
Đền được xây dựng vào thế kỷ 10, dưới thời vua Yasovarman, đế chế Khmer, cùng thời với đền Angkor. Nếu muốn thăm đền, du khách phải đi từ bên đất Thái Lan, sau đó mua vé cửa khẩu vào Campuchia vì không có cửa ngõ lên đền từ đất Campuchia. Đứng từ đền nhìn xuống Campuchia là vách núi dựng đứng với rừng bao bọc xung quanh.
Việc Campuchia đăng ký với UNESCO đề cử đền Preah Vihear là di sản thế giới đã làm sống lại vụ tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan. Một học giả Thái Lan cho rằng, việc Campuchia chỉ xin đăng ký đền là di sản thế giới có thể sẽ tổn hại đến giá trị lịch sử của đền Preah Vihear nếu không tính đến khu vực xung quanh.
Học giả này đề nghị Thái Lan đàm phán với Campuchia rằng khu vực tranh chấp là vùng đất không có chủ quyền và hai bên chia sẻ lợi ích nếu như nó được công nhận là di sản thế giới cùng với đền. “Thái Lan phải sẵn sàng thảo luận vấn đề và có đủ bằng chứng để chỉ ra rằng Preah Vihear không thể là di sản thế giới mà không có khu vực xung quanh nó”, ông nói.
Nhìn lại lịch sử
Trước khi người Pháp chiếm Đông Dương vào năm 1861, Campuchia nằm dưới sự bảo hộ của Siam (nay là Thái Lan). Sau đó, Pháp chiếm dần Campuchia. Cho đến năm 1941, Thái Lan là đồng minh với Nhật thời Thế chiến thứ hai, do đó, Thái Lan đã giành lại tất cả phần đất đã mất về tay Pháp dưới thời vua Rama V.
Sau khi Nhật bại trận, Thái Lan đã phải trả lại đất cho Pháp. Nhân dịp này, Pháp nêu vấn đề Phra Viharn, phản đối việc chiếm đóng của Thái Lan và cho rằng Preah Vihear thuộc chủ quyền của Pháp. Người Pháp đã vẽ bản đồ theo kiểu Pháp, theo đó không những đền mà cả phần diện tích xung quanh đều thuộc lãnh thổ Campuchia. Bản đồ của quân đội Mỹ năm 1954 cũng giữ nguyên như vậy. Tuy nhiên, bản đồ của Thái Lan năm 1962 thể hiện diện tích 4,6 ki lô mét vuông đất xung quanh đền thuộc về Thái Lan.
Năm 1959, Campuchia đã đệ đơn lên tòa án thế giới về vấn đề tranh chấp đền Preah Vihear. Năm 1962, tòa án quốc tế đã tuyên bố đền Preah Vihear thuộc chủ quyền Campuchia. Năm 2007, nhân hội nghị UNESCO ở New Zealand, Campuchia bày tỏ nguyện vọng đề cử đền Preah Vihear là di sản thế giới. Tuy nhiên, trước sự tranh chấp của Thái Lan, việc đề cử đã tạm dừng lại và dự kiến Ủy ban Di sản Thế giới sẽ ra quyết định trong tháng 7 tới.
Người dân Thái nói gì?
Một số ý kiến nêu vấn đề người Thái mất gì nếu như đền Preah Vihear được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Liệu người Thái đã duy trì và bảo vệ hiệu quả những công trình đã được công nhận là di sản thế giới hay chưa, chẳng hạn cố đô Ayutthaya hay đền Phanom Rung vốn mất 17 năm trùng tu sau khi được công nhận là di sản thế giới?
Giả sử Thái Lan và Campuchia cùng chia sẻ lợi ích của việc Preah Vihear và khu vực xung quanh được công nhận là di sản văn hóa thế giới thì ai sẽ đứng ra lo việc trùng tu đền mà hiện nay mức độ hư hại đã rất nghiêm trọng. Chưa kể, nếu Campuchia mở lối đi lên đền từ phía Campuchia và do đó du khách không cần phải qua ngõ Thái Lan thì Thái Lan sẽ được lợi ích gì từ việc công nhận này?
Hiện nay quan hệ giữa hai nước đang lâm vào tình trạng căng thẳng. Các nhà đầu tư Thái Lan ở Campuchia đang lo ngại tình hình kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng. Chính quyền Campuchia đã ra lệnh cho những người bán hàng rong phải di tản ra khỏi khu vực đền. Cổng lên đền cũng đã bị đóng. Quân đội Thái Lan cũng đã yêu cầu người dân Thái tránh xa khu vực tranh chấp. Cùng lúc, không lực Hoàng Gia Thái Lan cũng đã thông báo sẵn sàng cất cánh nhằm giải cứu người dân Thái hiện đang sinh sống và làm việc ở Campuchia trong trường hợp khẩn cấp.
LÝ XUÂN THU (Bangkok)
Cuối tuần trước, tòa Hành chính Thái Lan đã ra phán quyết ngăn chặn chính phủ nước này ủng hộ nỗ lực của phía Campuchia đề nghị công nhận đền Preah Vihear là di sản văn hóa thế giới. Với 9 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Tòa chấp nhận đề nghị của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ đối lập với chính phủ của Thủ tướng Samak Sundarevej, tạm thời ngưng hiệu lực một nghị quyết của chính phủ Thái công nhận bản đồ khu vực đền Preah Vihear do phía Campuchia đưa ra cũng như tuyên bố chung của Chính phủ hai nước ủng hộ việc đề nghị UNESCO công nhận ngôi đền này là di sản thế giới. Lý lẽ mà tòa đưa ra là thông cáo chung này có thể làm suy yếu lập trường của Thái Lan trong tương lai trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ”.Trong thực tế, từ năm 1962 đền Preah Vihear đã được quốc tế công nhận là thuộc chủ quyền Campuchia, căn cứ trên bản chất văn hóa và sự tương đồng của ngôi đền với các di tích Ấn Độ giáo đặc trưng của Campuchia như Angkor Wat, cho nên Campuchia có đủ cơ sở nộp hồ sơ xin công nhận Preah Vihear là di sản văn hóa thế giới mà không cần có sự đồng ý của Thái Lan. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong, phe đối lập Thái Lan đang “lợi dụng vụ tranh chấp lãnh thổ quanh ngôi đền cho những mục tiêu chính trị quốc nội”, làm tổn hại tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Campuchia dự định đưa đề nghị công nhận đền Preah Vihear trong Hội nghị Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO họp tại Quebec, Canada từ ngày 2 đến ngày 10-7-2008. H.H. (theo AP) |