(KTSG) - Tuy ít được biết đến hơn, song trong lĩnh vực thương mại quốc tế công (tức là quan hệ thương mại giữa các quốc gia), trọng tài đang chứng tỏ vai trò của mình với tư cách một phương thức ưu việt có thể bổ trợ, thậm chí thay thế các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống. Điều này càng được thể hiện rõ trong giai đoạn Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gặp khủng hoảng trong việc giải quyết tranh chấp.
- Án lệ số 69: khẳng định quyền của trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp NDA
- Có nên chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại không?
Cuộc khủng khoảng tranh chấp tại WTO
Trong nhiều năm qua, WTO đã giải quyết khoảng 600 vụ kiện. Sự thành công của cơ chế giải quyết tranh chấp là đặc điểm riêng có của WTO khiến cho tổ chức này mạnh hơn so với nhiều tổ chức quốc tế khác.
Trong WTO, quy trình xét xử một tranh chấp diễn ra theo trình tự hai cấp: sơ thẩm (tại Ban hội thẩm) và phúc thẩm (tại Cơ quan Phúc thẩm). Sau giai đoạn xét xử sơ thẩm, nếu không đồng tình, một trong hai bên có thể kháng cáo lên cấp phúc thẩm, đề nghị xem xét lại kết luận của Ban hội thẩm. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO có nhiều nét tương đồng với mô hình xét xử hai cấp của tòa án. Tuy nhiên, việc phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm có tính chung thẩm lại thể hiện đặc trưng của phương thức trọng tài.
Cơ quan Phúc thẩm (Appellate Body - AB) là một thiết chế quan trọng trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. AB gồm bảy thành viên do Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (Dispute Settlement Body - DSB) bổ nhiệm với nhiệm kỳ bốn năm và có thể được bầu lại một lần. Các thành viên AB được lựa chọn từ những chuyên gia có uy tín và chuyên môn cao trong lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Mỹ đã liên tục phản đối việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thành viên của AB từ năm 2017. Động thái này khiến số lượng thành viên của cơ quan này giảm dần do lần lượt hết nhiệm kỳ. Đến tháng 12-2019, cơ quan này chỉ còn lại một thành viên và vị này cũng hết nhiệm kỳ vào tháng 11-2020. Theo quy định, AB chỉ xem xét được các vụ việc khi có ít nhất ba thành viên nên trên thực tế từ tháng 12-2019, AB đã bị vô hiệu hóa và WTO bước vào giai đoạn khủng hoảng về giải quyết tranh chấp.
Giải pháp trọng tài lên ngôi
Tháng 4-2020, Liên minh châu Âu (EU) gửi thông báo chính thức tới WTO liên quan đến Thỏa thuận về cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời nhiều bên (Multi-Party Interim Appeal Arbitration Arrangement - MPIA), đánh dấu việc phương thức trọng tài chính thức được áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên tham gia trong thời gian AB ngừng hoạt động. Thông báo chung của nhóm thành viên tham gia MPIA khẳng định “thỏa thuận mới này hướng đến việc bảo lưu các nguyên tắc cơ bản của cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO và tất cả thành viên WTO đều được tự do tham gia bất cứ lúc nào”.
So với phương thức tòa án, phương thức trọng tài có nhiều điểm nổi bật về sự linh hoạt trong thủ tục tố tụng, quy trình xét xử bí mật và tính chung thẩm của phán quyết. Nếu được áp dụng rộng rãi, nó có thể giúp các quốc gia tránh những rào cản về chính trị mà các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống gặp phải.
Việc xây dựng cơ chế trọng tài tạm thời này có cơ sở pháp lý là điều 25 thỏa thuận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp của WTO (DSU). Theo đó, DSU cho phép các thành viên lựa chọn phương thức trọng tài bên cạnh cơ chế giải quyết tranh chấp truyền thống (thông qua Ban hội thẩm và AB).
Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cần được thống nhất trong một thỏa thuận chung giữa các thành viên sử dụng cơ chế này. Thỏa thuận trọng tài phải được thông báo tới tất cả các thành viên WTO trước khi được áp dụng. Quyết định của trọng tài cũng phải tuân thủ quy định của điều 21, 22 DSU, liên quan đến việc giám sát thực thi và bồi thường, trả đũa.
Trong tình hình hiện nay, MPIA là phương án hữu hiệu đảm bảo cho các thành viên quyền được phúc thẩm trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Tính đến thời điểm tháng 1-2024, WTO đã có hai tranh chấp được giải quyết thành công (vụ DS591 giữa Colombia-EU và vụ DS583 Thổ Nhĩ Kỳ-EU) và tám tranh chấp khác đang trong quá trình xét xử. Hiện đã có 26 thành viên WTO tham gia vào cơ chế MPIA (các nước EU được tính là một thành viên). Một số đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Úc, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc đã tham gia cơ chế này.
Triển vọng tương lai phương thức trọng tài
Sự ra đời và những thành công bước đầu của cơ chế MPIA cho thấy, cũng như trong lĩnh vực thương mại quốc tế tư, trọng tài có triển vọng trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ưu việt trong lĩnh vực thương mại quốc tế công.
So với phương thức tòa án, phương thức trọng tài có nhiều điểm nổi bật về sự linh hoạt trong thủ tục tố tụng, quy trình xét xử bí mật và tính chung thẩm của phán quyết. Đối với các tranh chấp thương mại có yếu tố quốc tế, các ưu điểm của phương thức trọng tài càng nổi bật hơn, đặc biệt về vấn đề lựa chọn luật áp dụng và thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài. Nếu được áp dụng rộng rãi, nó có thể giúp các quốc gia tránh những rào cản về chính trị mà các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống gặp phải.
Đáng chú ý, một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã lựa chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp chính thức. Chẳng hạn, trong hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), phương thức trọng tài được quy định tại chương 15 với nhiều nội dung chi tiết về quy trình tố tụng và thực thi phán quyết trọng tài.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần nghiên cứu gia nhập MPIA để hạn chế những rủi ro mà cuộc khủng hoảng giải quyết tranh chấp WTO đem đến. Việc nghiên cứu và giảng dạy về vai trò của phương thức trọng tài trong thương mại quốc tế cần được chú trọng hơn để giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn bản chất và ưu điểm của phương thức này, hướng tới vận dụng hiệu quả nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia khi tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế.
(*) Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH)