(KTSG Online) - Giao thông là mạch máu của đất nước, có ảnh hưởng trực tiếp đời sống xã hội và giá cả tiêu dùng. Một số quy định liên quan đến kinh doanh vận tải gần đây cho thấy, phải thay đổi sớm cách quản lý kiểu “thắng gấp” để tránh gây sốc cho nền kinh tế.
- Điều tiết, vận hành giao thông không đồng bộ gây ‘lãng phí kép’
- Bức bách trạm dừng cao tốc
- Người dân không thể chờ trạm dừng cao tốc ‘5 sao’
Sau khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ đầu năm 2025, nhiều quy định mới liên quan đến đăng kiểm, thời hạn lái xe, phân hạng bằng lái… cũng được ban hành. Trong đó, một số quy định đã gây sốc cho ngành kinh doanh vận tải.
Một trong những lý do chính là vì thời hạn áp dụng các quy định mới quá nhanh, từ khi văn bản ban hành đến lúc thực hiện chỉ có vài tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh vận tải và giới tài xế chuyên nghiệp đang hoạt động theo các quy định cũ, đã có hiệu lực từ 5-7 năm qua nên việc thay đổi quá nhanh, trong một số trường hợp khiến họ trở tay không kịp.
Tác động có lẽ lớn nhất là từ đầu năm 2025, theo quy định tại Nghị định số 166/2024/NĐ-CP xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải (bảng số vàng) nhưng chưa đổi giấy đăng ký xe (cà vẹt) sẽ không được nhận đăng kiểm. Trong khi đó, quy định cũ không bắt buộc phải làm việc này. Hệ quả kéo theo là theo số liệu của Cục Đăng kiểm, có đến 1 triệu xe ô tô đã đổi bảng số đăng ký sang màu vàng nhưng chưa đổi giấy đăng ký đi kèm theo biển số loại này bị chận đăng kiểm (1).
Nguyên nhân chính, trong nhiều trường hợp, không phải do chủ xe chây ỳ không thực hiện quy định đổi cà vẹt mà do có nhiều chủ xe, doanh nghiệp đang thế chấp xe tại ngân hàng để vay vốn nên ngân hàng giữ bản chính đăng ký xe. Do không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng hỗ trợ chủ xe bằng cách cho mượn cà vẹt mang đi đổi sang loại mới cho phù hợp với bảng số vàng nên chủ xe chưa đáp ứng yêu cầu mới.
Cũng cần nhấn mạnh là quy định cũ chỉ yêu cầu xe kinh doanh vận tải đổi bảng số từ nền trắng sang nền vàng và người dân đã tuân thủ nghiêm túc. Với việc bổ sung yêu cầu thay đổi cả cà vẹt, lẽ ra cần có một lộ trình dài hơn để người dân có thời gian làm thủ tục. Trong khi đó, thời hạn áp dụng quy định mới theo Nghị định 166 lại khá ngắn.
Một thay đổi khác cũng khiến giới kinh doanh vận tải gặp vướng mắc không ít là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, tài xế ô tô kinh doanh vận tải không được phép lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ và trong một tuần không được lái xe quá 48 giờ.
Quy định này là phù hợp để bảo vệ an toàn giao thông, hạn chế tai nạn, bảo vệ sinh mạng cả tài xế lẫn hành khách trên xe và người đi đường. Tuy nhiên, cơ sở tham chiếu khi xây dựng quy định theo luật nước ngoài lại có phần bất cập. Chẳng hạn, hệ thống cao tốc của Việt Nam hiện chưa có đủ trạm dừng nghỉ đủ tiêu chuẩn, một số trạm xây tạm có diện tích khá nhỏ, không đủ chỗ đậu xe trong dịp cao điểm lễ, tết, chưa thuận tiện cho tài xế dừng nghỉ đúng thời gian quy định.
Thêm vào đó là nạn kẹt xe diễn ra như cơm bữa, đặc biệt là ở khu vực phía Nam và chung quanh Hà Nội. Mỗi khi có tai nạn lớn, hư hỏng đèn giao thông hay sửa chữa cầu đường, kẹt xe sẽ xảy ra không chỉ ở các đường cao tốc mà còn lan rộng ra quốc lộ, tỉnh lộ chung quanh.
Với hạ tầng giao thông còn yếu kém như vậy, sẽ có rất nhiều tài xế và doanh nghiệp vận tải bị phạt oan vì trên thực tế, một khi đang trong đám kẹt xe mà đã hết 4 giờ lái xe thì tài xế cũng không thể đậu lại để nghỉ. Như vậy, tài xế sẽ vi phạm quy định dù không cố ý.
Bên cạnh đó cũng cần một lộ trình hợp lý cho việc tuân thủ để các doanh nghiệp có đủ thời gian tuyển bổ sung tài xế vì để tuân thủ quy định này, một số xe đường dài cần đến hai tài xế thay vì chỉ một người như trước đây.
Trong bối cảnh thay đổi hàng loạt luật, quy định liên quan đến giao thông, việc tuyển tài xế càng trở nên khó hơn. Chẳng hạn, với xe khách và một số hạng xe, tài xế phải thi đổi bằng lái mới được lái loại xe mà trước đó họ vẫn được lái theo phân hạng bằng lái cũ (2).
Thế nhưng, việc thi đổi bằng lái này lại chỉ có thể thực hiện từ ngày 1-1-2025, sau khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc, dù có thấy trước và chuẩn bị, doanh nghiệp và tài xế cũng không thể đổi bằng lái sớm hơn.
Vì vậy, cách phù hợp hơn để đáp ứng cả yêu cầu quản lý nhà nước lẫn sự tuân thủ của người dân là phân kỳ và phân khu vực áp dụng. Nhà nước vẫn phải là đơn vị đi trước trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng cầu đường, xây dựng trạm dừng nghỉ đúng chuẩn. Khu vực nào hạ tầng đạt chuẩn là có thể áp dụng quy định giới hạn giờ chạy xe của tài xế.
Dù quy định gì thì việc triển khai luật cũng bắt buộc phải có tầm nhìn dài hạn, tính tổng quát cao, lộ trình áp dụng phù hợp với mức độ phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông. Để chuyển hướng chiếc xe “kinh doanh vận tải” thì cần thắng từ từ chớ không thể thắng gấp vì có thể sẽ gây sốc cho nền kinh tế do nghẽn mạch máu giao thông.
Mục tiêu của luật pháp để giúp kinh tế đất nước phát triển hơn, quản lý nhà nước tốt hơn, người dân thuận tiện và an toàn hơn. Nếu quy định pháp luật gây bất tiện, xáo trộn và khó tuân thủ triệt để thì quy trình áp dụng thay đổi luật cần điều chỉnh lại cho phù hợp điều kiện thực tế.
------------------------------
(1) https://thesaigontimes.vn/gan-1-trieu-xe-co-the-bi-tu-choi-kiem-dinh-cuc-dang-kiem-de-xuat-giai-phap-thao-go/
(2) https://nhandan.vn/thieu-hang-tram-tai-xe-xe-buyt-do-nang-hang-bang-lai-post860388.html