Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tránh rủi ro chính sách để doanh nghiệp an tâm đầu tư

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tại Hội nghị COP28 diễn ra ở Dubai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố các chương trình hành động của Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các chương trình hành động này không chỉ cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong mục tiêu giảm phát thải, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn là nền tảng rất quan trọng để các doanh nghiệp định hướng lại chính sách đầu tư cũng như chuyển đổi công nghệ.

Tuy nhiên, các chương trình hành động được ban hành dưới hình thức các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đôi khi cũng chưa đủ sức nặng pháp lý. Các quyết định này, dù cũng là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng tính pháp lý của nó rõ ràng là nhẹ hơn luật, pháp lệnh hay nghị định.

Trong bối cảnh hệ thống luật pháp của Việt Nam còn tồn tại nhiều chồng chéo, mâu thuẫn như hiện nay, những quy định trong các chương trình hành động được Thủ tướng Chính phủ ban hành rất dễ không phát huy hiệu quả một khi có sự lệch pha với các văn bản luật khác. Trong khi đó, để có thể yên tâm khi bỏ ra số vốn rất lớn đầu tư cho chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần được bảo đảm chắc chắn rằng các mục tiêu trong các chương trình hành động phải được thực thi để tránh rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan như đã từng xảy ra với chương trình thay thế xăng khoáng bằng xăng E5 và E10 theo Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ.

Các chương trình hành động nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo các quyết định của Thủ tướng, đã nêu ra các mục tiêu rất đáng chú ý và với lộ trình cụ thể. Chẳng hạn như đến năm 2030 sử dụng 100% xăng E5 cho phương tiện cơ giới đường bộ và đến năm 2050 toàn bộ xe cơ giới, tàu hỏa, tàu thủy phải chuyển sang chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh; đến năm 2040 hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch; hoặc ngừng đầu tư nhiệt điện than mới từ năm 2030 và chuyển đổi dần nhà máy nhiệt điện than còn tồn tại sang chạy bằng sinh khối hoặc ammoniac…

Có thể thấy, để có thể hiện thực hóa các mục tiêu kể trên phải cần hàng trăm tỉ đô la vốn đầu tư của cả Nhà nước và khu vực tư nhân và phải bắt đầu làm ngay từ bây giờ, trong đó sự tham gia của khu vực tư nhân mang tính chất quyết định. Nhưng đây là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro về thị trường và đặc biệt là rủi ro về chính sách, nên nếu Chính phủ không có chính sách để hỗ trợ và khuyến khích, đặc biệt là sự bảo đảm bằng luật, thay vì bằng các quyết định, để nhà đầu tư yên tâm rằng mục tiêu trong các chương trình hành động nhằm hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 chắc chắn phải được thực thi, thì sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia.

Sự thất bại của những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào sản xuất ethanol để pha chế xăng sinh học trước đây, và hàng loạt nhà đầu tư vẫn đang mắc kẹt với các dự án điện gió và điện mặt trời hiện nay là bằng chứng cho thấy rủi ro về chính sách vẫn đang hiện hữu. Một khi chính sách và quy định chưa thật sự chắc chắn thì doanh nghiệp cũng khó mà an tâm để tham gia đầu tư.

1 BÌNH LUẬN

  1. Không phải tránh rủi ro chính sách. Tránh sử dụng tổ chức/ người không biết/ không đủ trình độ/ cố tình làm sai trong xây dựng và thực thi chính sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới