(KTSG) - Ở Mỹ cũng có chuyện miễn thuế cho hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ, vận chuyển theo đường phát chuyển nhanh hay do du khách mua đem về nước. Nhưng trong khi các nước khác như ở Việt Nam chỉ miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT cho lô hàng có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống thì ở Mỹ hàng từ 800 đô la trở xuống được miễn thuế. Đây là lỗ hổng đang bị lạm dụng, gây đau đầu cho hải quan nước này.
Theo số liệu của Hải quan Mỹ, tổng giá trị hàng hóa được miễn thuế theo dạng này lên đến 67 tỉ đô la vào năm 2020 trong khi năm 2012 chỉ có 40 triệu đô la, một mức tăng gây kinh ngạc. Sự tăng trưởng ngoạn mục này do hai yếu tố: thương mại điện tử ngày càng phổ biến, nhất là hàng giá rẻ mua từ Trung Quốc và quyết định của Quốc hội Mỹ vào năm 2016 nâng mức giá trị miễn thuế từ 200 đô la lên 800 đô la mỗi lô hàng.
Ngược lại, quyết định áp thuế lên nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc càng làm việc gửi hàng theo kiểu xé nhỏ như thế ngày càng phổ biến vì giảm được một khoản thuế đáng kể. Kết quả là hiện nay hơn một phần mười hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ là theo dạng miễn thuế này, tăng từ mức rất thấp 1% cách đây chừng 10 năm.
Hiện nay dư luận trong ngành thương mại nước này đang chia thành hai hướng. Một bên là các nhà nhập khẩu hay sản xuất hàng hóa Mỹ thì đang vận động Quốc hội nước này loại bỏ cơ chế miễn thuế cho hàng giá trị nhỏ (từ chuyên môn gọi là de minimis) đối với hàng nhập từ Trung Quốc vì đang bị lợi dụng để tránh thuế, làm vô hiệu hóa các chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Bên kia thì cho rằng cơ chế de minimis thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và có lợi cho người tiêu dùng.
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp lợi dụng khe hở này để kinh doanh. Chẳng hạn, theo tờ Wall Street Journal, hãng Terez Universe tại New York là một nhãn hiệu quần áo phụ nữ, trước đây thường đặt hàng gia công theo từng lô lớn dựa vào khảo sát khách hàng để chọn màu, kích cỡ, kiểu dáng về bán lại cho khách.
Nhưng nay, để tận dụng cơ chế de minimis, hãng này chuyển sang bán hàng qua mạng, cho khách đặt hàng theo yêu cầu rồi chuyển đơn hàng cho đối tác ở Trung Quốc thực hiện. Hàng sau đó được phía Trung Quốc chuyển thẳng cho từng khách qua một hãng phát chuyển nhanh dưới địa chỉ họ đã đăng ký. Vì giá trị từng món thường dưới 800 đô la nên hàng được miễn thuế; phía Trung Quốc còn được nhà nước họ ưu đãi tiền vận chuyển. Tiền thuế được miễn cao hơn tiền vận chuyển nên phương thức bán hàng kiểu này ngày càng phổ biến.
Tránh thuế kiểu này đang thu hút các nhà bán lẻ của Mỹ, nhất là những nơi bán các loại hàng có thuế cao như quần áo, túi xách, dụng cụ nhà bếp... Nếu trước đây hàng nhập về chịu mức thuế 7%, nay cộng thêm thuế 25% sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chắc chắn cơ chế de minimis sẽ là một chọn lựa nhiều nhà nhập khẩu phải cân nhắc. Số liệu của Hải quan Mỹ cho thấy lượng hàng nhập theo kiểu này tăng nhanh sau khi Mỹ áp thuế mang tính trừng phạt lên hàng Trung Quốc. Số lô hàng nhập theo dạng miễn thuế tăng từ 299 triệu năm 2017 lên 495 triệu năm 2018 và đạt mốc 771 triệu lô vào năm 2021.
Con số 67 tỉ đô la trị giá hàng hóa được miễn thuế có thể cao hơn trong thực tế vì loại hàng gửi qua đường bưu điện chỉ biết cân nặng còn giá trị bao nhiêu thì không rõ. Ưu tiên của Hải quan Mỹ khi thông quan hàng nhập qua đường bưu điện là rà soát tìm hàng cấm, như thuốc cấm, vũ khí hay hàng giả. Chứ định giá hàng triệu gói hàng nhỏ mỗi ngày thì họ không đủ nguồn lực để làm.
Hãng thời trang Shein của Trung Quốc chuyên về thời trang nhanh, tức nhanh chóng đưa quần áo đang được giới trẻ ưa chuộng ra thị trường với giá rẻ, cũng là một trong những doanh nghiệp tận dụng luật de minimis. Hiện nay Shein chiếm đến 30% thị trường thời trang nhanh ở Mỹ trong khi không bán hàng thông qua các cửa hàng ở Mỹ; họ bán trực tiếp cho khách hàng qua mạng nên tận dụng được chuyện giảm thuế.
Một cách nữa để tận dụng cơ chế miễn thuế này được tiến hành qua một nước thứ ba, ở đây là Mexico. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào cảng Los Angeles, đưa vào kho ngoại quan rồi được chất lên các xe tải niêm kín và chở thẳng qua Mexico, xem như chưa nhập vào Mỹ nên chưa chịu thuế.
Ở Mexico hàng cũng được đưa vào kho ngoại quan để tránh thuế Mexico. Sau đó khi khách hàng ở Mỹ đặt mua qua mạng, hàng mới được đóng gói thành lô nhỏ, đưa lên xe tải chở về lại Mỹ, gửi thẳng đến tay khách hàng - hoàn toàn tránh thuế một cách hợp pháp. Một lô hàng 75.000 đô la vận chuyển theo kiểu như thế có thể tiết kiệm được 29.000 đô la tiền thuế và các loại phí khác.
Đại dịch Covid-19, các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, eBay, Alibaba... đang thúc đẩy giao thương áp dụng cho loại hàng miễn thuế này và chưa biết tương lai lỗ hổng này, đang gây thất thu mỗi năm chừng 10 tỉ đô la tiền thuế cho Mỹ, sẽ được lấp lại hay không.