Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trẻ em và mạng xã hội

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mạng xã hội có thể tạo ra những tác động xấu lên trẻ em như nhiều nghiên cứu đã cho thấy chúng có thể gây trầm cảm, cảm giác lo âu, bất an, khả năng bắt chước theo các trào lưu nguy hiểm, đó là chưa kể tình trạng bắt nạt trên không gian mạng cũng như rủi ro rò rỉ thông tin riêng tư. Đó là lý do chính phủ nhiều nước đang tìm cách hạn chế các tác hại này và bang Utah Mỹ đang đi đầu trong xu hướng đó.

Tuần trước, Thống đốc bang Utah đã ký thông qua một đạo luật nghiêm khắc nhất, kiểm soát việc trẻ em sử dụng mạng xã hội như Instagram, TikTok, Facebook hay Twitter. Đầu tiên luật cấm các mạng xã hội cho phép người dưới 18 tuổi mở tài khoản, trừ phi họ có sự cho phép rõ ràng từ bố mẹ. Nói cách khác, tình trạng mặc định là thanh thiếu niên dưới 18 tuổi không được sử dụng mạng xã hội; bố mẹ muốn con dùng mạng xã hội phải ký giấy đồng ý. Việc đồng ý này phải thực hiện với từng mạng xã hội riêng lẻ.

Điểm thứ hai, luật quy định là bố mẹ được quyền truy cập tài khoản mạng xã hội của con cái. Điều đó có nghĩa bố mẹ sẽ đọc được mọi nội dung trẻ đưa lên mạng, kể cả hình ảnh và video, các tin nhắn, các cuộc trò chuyện với bạn bè, thậm chí nội dung trẻ tìm kiếm trên mạng xã hội. Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng có một điều luật cho phép bố mẹ đọc nhật ký của con!

Luật cũng quy định các mạng xã hội phải khóa, không để trẻ em truy cập mạng xã hội từ 10 giờ 30 tối đến 6 giờ 30 sáng hôm sau, đây là thiết kế mặc định, chỉ bố mẹ mới có quyền thay đổi. Với ba quy định này, bang Utah đã thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa thanh thiếu niên với Internet, đồng thời thay đổi luôn sự kiểm soát mặc định giữa bố mẹ và con cái – theo cách chưa ai biết sẽ có những hệ quả như thế nào.

Những nhà làm luật ở Utah cũng như hàng triệu bố mẹ khắp nơi đều lo lắng trước chứng nghiện mạng xã hội của trẻ em. Chúng sử dụng các thuật toán rất mạnh và các kỹ thuật thiết kế để trẻ em không rời mắt khỏi các video chúng xem trên mạng xã hội; ngay cả người lớn cũng không thoát nổi ảnh hưởng của mạng xã hội, nói gì đến trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho thấy tác động xấu của mạng xã hội lên sức khỏe tâm thần của người dùng – trẻ có thể tiêu tốn nhiều giờ liền trên mạng và nếu ngưng sẽ có cảm giác lệ thuộc y như dùng thuốc gây nghiện. Vì thế, đạo luật mới được thông qua ở Utah được nhiều bậc bố mẹ hoan nghênh và có lẽ sẽ được nhiều tiểu bang khác bắt chước.

Tuy nhiên, tiếng nói phản đối luật mới của Utah không phải là hiếm, đặc biệt từ giới công nghệ. Họ cho rằng mở rộng lệnh cấm đến lứa tuổi dưới 18 là quá đáng vì thanh niên lẽ ra phải được quyền quyết định chứ không phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ. Họ lo lắng về tính riêng tư khi cấp quyền truy cập tài khoản mạng xã hội của thanh thiếu niên cho bố mẹ. Các mạng xã hội thì lập luận, bên trong bản thân các nền tảng đã có những thiết kế để bố mẹ kiểm soát cách con cái truy cập mạng xã hội như thiết lập giờ giấc sử dụng, tắt quyền truy cập vào ban đêm… đâu cần phải có luật mới. Thật ra độ tuổi 16, 17 là khách hàng tiềm năng của giới quảng cáo. Hạn chế quyền truy cập của những người trong độ tuổi này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo của các mạng xã hội nên họ phản đối là chuyện đương nhiên.

Cũng có những chuyên gia tâm lý cho rằng một số trẻ cô đơn, không thể chia sẻ trò chuyện với bố mẹ; chúng tìm niềm an ủi trong các cộng đồng hẹp trên mạng xã hội. Hạn chế quyền truy cập của chúng sẽ có tác động xấu lên tâm lý các em. Nếu chỉ một mình Utah duy trì bộ luật nghiêm khắc này, rất có thể trẻ em Utah sẽ bị cô lập với thế giới bên ngoài, bị cắt đứt mối quan hệ với bạn bè ở bang khác, ở nước khác.

Dù sao, mọi người đều thừa nhận mạng xã hội như một chiếc xe tốc độ cao chạy trên xa lộ, trẻ em cần được trang bị dây an toàn khi sử dụng. Đó cũng là cách tiếp cận của các nơi khác. Ví dụ ở Anh đã có điều luật an toàn cho trẻ em trên mạng năm 2021, yêu cầu các mạng xã hội thiết kế các chức năng an toàn cho người dùng phù hợp theo từng độ tuổi. Chẳng hạn các tài khoản trẻ em theo mặc định là riêng tư, không ai khác ngoài bạn bè trông thấy những video hay nội dung các em đưa lên. YouTube phải tắt chức năng tự động phát video với tài khoản trẻ em.

Thiết kế các chức năng an toàn như ở Anh, hay cấm hẳn người dùng trẻ tuổi như ở Texas đang tìm cách thông qua, là hai cách tiếp cận hiện đang được theo dõi để xem cái nào hiệu quả hơn trong việc bảo vệ trẻ em trước các mạng xã hội nhiều độc hại.

1 BÌNH LUẬN

  1. Martin Cooper, kỹ sư Mỹ, 94 tuổi, được mệnh danh là cha đẻ của điện thoại di động, đã thốt lên “Tôi đau lòng khi thấy ai đó băng qua đường mà cứ nhìn vào điện thoại. Họ mất trí hết rồi”. Vấn đề của trẻ em với mạng xã hội đúng là nỗi đau lớn của thời đại. Nhưng không phải lỗi của trẻ em. Đó là lỗi của người lớn. Người lớn đang lầm đường lạc lối, thì làm sao con trẻ có thể khôn & ngoan được ? Đó mới là vấn nạn lớn nhất thời đại ngày nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới