Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Trị liệu’ chây ì trong thi hành án hành chính: dù khó vẫn phải làm

Tân An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát về việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính của chủ tịch UBND và UBND tỉnh gửi các đại biểu Quốc hội. Bản báo cáo này có ghi: “Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hoặc người đại diện đã không đối thoại, không tham gia phiên tòa 100% các vụ án hành chính. Số bản án tòa đã tuyên nhưng chưa được thi hành tại Hà Nội cũng cao nhất nước với 83,3%”.

Cũng theo báo cáo này, số lượng bản án hành chính mà chủ tịch UBND, UBND có trách nhiệm thi hành nhưng chưa thi hành xong còn lớn, tới 489 bản án. Trong số này có tới 208 bản án đã có quyết định của tòa án buộc thi hành án nhưng chưa thi hành. Ba địa phương có số lượng án chưa được thi hành, còn tồn đọng rất lớn là Hà Nội tồn đọng 35/42 bản án (83,3%); Kiên Giang 33/44 bản án (75%) và Đắk Lắk 35/62 bản án (56,5%)(1).

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy tình hình giải quyết án hành chính năm 2022 dù có tiến bộ so với năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đặt ra. Năm 2022, số lượng các vụ án hành chính đã thụ lý 11.433 vụ, đã giải quyết đạt 49% (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, tỷ lệ đạt 49% này vẫn còn thấp so với chỉ tiêu do Quốc hội giao là 60% trở lên.

Không chỉ là việc UBND, chủ tịch UBND chậm thi hành các bản án có hiệu lực của toà án, trong quá trình xét xử, ngành tòa án còn bị “làm khó” từ phía các UBND địa phương. Báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết “tình trạng UBND, chủ tịch UBND, người đại diện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của tòa án là rất phổ biến và kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho tòa án trong việc giải quyết vụ án hành chính, gây bức xúc cho đương sự”(2).

Cũng theo báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, có 57/63 đơn vị tòa án cấp tỉnh phản ánh khó khăn trong việc thu thập chứng cứ. Các cơ quan chuyên môn của UBND thường chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu; đùn đẩy giữa các cơ quan; thậm chí nhiều trường hợp không cung cấp cho tòa án và cũng không trả lời lý do không cung cấp. Một số vụ án, UBND trả lời không còn lưu giữ, lưu giữ không đầy đủ hoặc đã bị thất lạc.

Thực trạng này cho thấy, mặc dù Luật Tố tụng Hành chính đã có hiệu lực hơn sáu năm, Thủ tướng đã có chỉ thị yêu cầu tăng cường việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề và có nhiều kiến nghị cụ thể, nhưng cho đến nay, tại nhiều địa phương, những hạn chế nêu trên vẫn tiếp tục kéo dài, chậm chuyển biến.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong ba năm gần đây, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm người phải thi hành án trong 59 vụ việc thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy vậy, cho đến nay, chưa có trường hợp nào UBND, chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm về việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án.

Để người dân sống theo tinh thần thượng tôn pháp luật thì cơ quan nhà nước như các UBND phải đi đầu làm gương. Thiết nghĩ, dù việc “trị liệu” chuyện chây ì trong thi hành án hành chính có làm mất nhiều thời gian, công sức thì Chính phủ cũng cần có biện pháp xử lý trách nhiệm của những người giữ trọng trách. Có như vậy người dân mới không còn xem việc kiện chính quyền là “con kiến đi kiện củ khoai” nữa.

 

----------

(1) https://thanhnien.vn/chu-tich-ha-noi-khong-doi-thoai-khong-den-toa-hanh-chinh-suot-3-nam-post1506071.html
(2) https://thanhnien.vn/chu-tich-ubnd-khong-den-toa-khong-thi-hanh-ban-an-hanh-chinh-la-vo-cam-post1498660.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Có một câu chuyện thực tế: Doanh nghiệp thuê đất nhà nước để kinh doanh, đã hết hạn, nhưng chưa được gia hạn mặc dù doanh nghiệp đã năm lần bảy lượt gởi văn bản kiến nghị. Khi ngân hàng khởi kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi nợ, tòa án có giấy mời đại diện lãnh đạo thành phố đến để trả lời về câu chuyện cho thuê đất. Lãnh đạo thành phố ủy quyền cho lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường. Lãnh đạo sở lại gởi văn bản đề nghị tòa xử vắng mặt. Câu chuyện thuê đất rốt cuộc rơi vào im lặng kéo dài.
    Đây không chỉ là việc né tránh trách nhiệm quản lý nhà nước trước pháp luật, mà còn là sự vô trách nhiệm của chính quyền đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nhà nước pháp quyền, nếu muốn, sẽ có ngay. Nhưng điều đó chỉ tồn tại trên lý thuyết, giấy tờ. Trừ khi người lập pháp, tư pháp và chấp pháp đều phải nghiêm túc thực thi đúng nghĩa vụ và quyền lợi của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới