(KTSG Online) – Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kéo dài vòng đời của các sản phẩm bao bì, hoàn thiện về cách thức nhằm phát triển hiệu quả hệ thống thu gom, tái chế rác thải bao bì là những thách thức không nhỏ trong quá trình triển khai EPR sắp tới tại Việt Nam. Trên thực tế, sự chuyển biến này cũng mở ra cơ hội cho ngành tái chế khi thực hiện chính sách EPR.
Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organization Vietnam - PRO Việt Nam) ngày 26-10 đã tổ chức buổi hội thảo "Hướng đến việc triển khai thành công quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR – Extended Producer Responsibility) tại Việt Nam" với mục tiêu đóng góp vào sự hoàn thiện về cách thức phát triển hiệu quả hệ thống thu gom, tái chế rác thải bao bì tại Việt Nam, cùng những giải pháp thực thi trong lộ trình chuẩn bị và triển khai EPR. Đây là cơ hội để tất cả các bên liên quan cùng gặp mặt, trao đổi, đóng góp để việc thực thi EPR tại Việt Nam sẽ được triển khai thuận lợi và hiệu quả.
Buổi hội thảo có sự góp mặt của đại diện các cơ quan đoàn thể, các tổ chức trong nước, quốc tế và phi chính phủ về bảo vệ môi trường tại Việt Nam, lãnh đạo của các công ty Việt Nam và doanh nghiệp FDI hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩu là thành viên của PRO Việt Nam.
Sau phần thuyết trình của các diễn giả đã phác thảo nên thực trạng của hệ thống thu gom, phân loại, tái chế tại Việt Nam cùng những thách thức có thể ảnh hưởng đến việc thực thi hiệu quả EPR, phiên thảo luận đã diễn ra với hàng loạt câu hỏi quan tâm đến cơ hội của ngành tái chế khi thực hiện chính sách EPR.
Theo các diễn giả, chính sách EPR đã được thực hành ở nhiều quốc gia châu Âu và đem lại nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là quốc gia đầu tiên áp dụng công cụ này tại khu vực Đông Nam Á, và dự báo hành trình này sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.
Trên thực tế, để thực thi EPR hiệu quả không thể thiếu sự hỗ trợ của chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt là sự quyết liệt đổi mới tư duy trong việc quản lý rác thải ngành tài nguyên và môi trường, từ đó mới có thể kiến tạo một hệ sinh thái trong việc thu gom tái chế, chống ô nhiễm rác thải bao bì trên cả nước.
Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng EPR sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp tái chế vốn manh mún, lạc hậu và còn non trẻ dù đã hình thành nhiều năm. Dù doanh nghiệp sản xuất lựa chọn hình thức thực hiện tái chế nào thì dòng tiền cũng sẽ chảy về các chủ thể, đơn vị hoặc doanh nghiệp thu gom, tái chế rác thải. Và chỉ có những phương thức tái chế tiên tiến, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường mới là đối tượng được hưởng lợi từ EPR.
Tại sự kiện, PRO Việt Nam đã công bố hai thành viên mới gia nhập là Công ty TNHH Taisho Nhật Bản (đơn vị sở hữu thương hiệu Lipovitan) và Công ty TNHH Botol Việt Nam (đơn vị cung cấp và vận hành máy tái chế RVM xử lý chai nhựa PET), nâng tổng số thành viên của PRO Việt Nam lên 22 công ty.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, PRO Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với Câu lạc bộ báo chí phát triển xanh (Green Media Hub) - thuộc Hội nhà báo Việt Nam, với điều khoản: “Cam kết cùng nhau phát triển các chiến lược truyền thông hiệu quả trong dài hạn, nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh tại Việt Nam, góp phần thực thi EPR hiệu quả”.
Phần thứ hai của hội thảo diễn ra vào buổi chiều cùng ngày, với các khách mời là các chuyên gia độc lập, các chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chiến lược chính sách, các bên liên quan và những nhân sự chuyên trách của PRO Việt Nam với các trao đổi chuyên sâu mang tính kỹ thuật hơn, bám sát thực trạng tại Việt Nam để tập trung thảo luận hai nội dung chính: phân loại, thu gom, tái chế rác thải và góp ý bổ sung chính sách nhằm đề xuất những giải pháp khả thi mang tính ứng dụng cao, nâng cao hiệu quả trong quá trình thu gom, tái chế bao bì, rác thải, cũng như việc triển khai EPR đối với doanh nghiệp và sự quản lý nhà nước của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Một báo cáo tổng kết của hội thảo đã hoàn thành và dự kiến được gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tháng 11 tới. Bản báo cáo tổng kết đề xuất nhiều nội dung, với sự khởi xướng của PRO Việt Nam, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy thúc đẩy việc hỗ trợ khiển khai EPR khả thi và thành công tại Việt Nam khi có hiệu lực từ tháng 1-2024.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch PRO Việt Nam, cho biết: "Việc triển khai EPR hiệu quả sẽ giúp chúng ta đạt được các kỳ vọng về môi trường tốt đẹp hơn, đồng thời thúc đẩy mô hình kinh tế tuyến tính thiếu hiệu quả và ít bền vững chuyển dần sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển hiệu quả và bền vững hơn".
Ông cho rằng bên cạnh những cơ hội về lâu dài nêu trên, trước mắt, các doanh nghiệp sẽ đối mặt không ít các thách thức về tài chính trong đầu tư và chi phí (tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp); các thách thức về chuyển đổi mẫu mã sản phẩm, công nghệ… để phù hợp với xu thế hội nhập và tiêu dùng ngày càng theo hướng phát triển xanh và bền vững; các thách thức về chính sách chưa đồng bộ, phù hợp và kịp thời…