Triển lãm "Vệ nữ ở Việt Nam"
Tường Vi
(TBKTSG Online) - Với chủ đề hình ảnh và sự gợi cảm của người phụ nữ, triển lãm "Vệ nữ ở Việt Nam" giới thiệu các tác phẩm sắp đặt và điêu khắc của cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân và các tác phẩm mới của Nguyễn Nghĩa Cương - một sự đối chiếu, so sánh giữa hai nghệ sĩ Hà Nội thuộc hai thế hệ khác nhau. Triển lãm sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 11-1 đến hết 24-1 tại Bảo tàng Mỹ thuật, 97A Phó Đức Chính, Q1, TPHCM.
Lần đầu tiên ra mắt công chúng Hà Nội năm 2012, triển lãm "Vệ nữ ở Việt Nam" sẽ đến TPHCM do Viện Goethe thực hiện, được nghệ sĩ Iola Lenzi giám tuyển với sự hợp tác cùng Quỹ Vũ Dân Tân. Triển lãm "Vệ nữ ở Việt Nam – TPHCM" sẽ lần đầu trưng bày tại một bảo tàng khu vực phía Nam các tác phẩm của nghệ sĩ Vũ Dân Tân.
Một tác phẩm trong triển lãm - Ảnh do Viện Goethe TPHCM cung cấp. |
Triển lãm "Vệ nữ ở Việt Nam" giới thiệu những tác phẩm chưa từng được công bố của cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân (1946-2009) với những chiếc va li mỏng manh tinh tế làm bằng bìa các-tông, những sắp đặt hình tượng người phụ nữ thu nhỏ đặt trong các hộp thuốc lá nắp bóng kính.
Vào thập kỷ 80, Vũ Dân Tân từng áp dụng nghệ thuật mới tại Việt Nam với những sáng tác đa phương tiện, đa loại hình nghệ thuật, sử dụng ý tưởng từ những chất liệu có mặt trong cuộc sống hàng ngày. Cho đến nay, ông vẫn được coi là nghệ sĩ tiên phong trong hoạt động nghệ thuật "Tiền đổi mới".
Trong khi đó, nghệ sĩ Nguyễn Nghĩa Cương (1973) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, được biết đến với góc nhìn châm biếm về thực tiễn đương đại cùng với sự thống trị của chủ nghĩa hưởng thụ thực dụng và văn hóa thương hiệu. Trong loạt tác phẩm mới sáng tác mang tên Beauty High Quality (tạm dịch: Vẻ đẹp chất lượng cao), anh đã tìm tòi, nghiên cứu về sự giao thoa của văn hóa phổ thông, quảng cáo và chủ nghĩa hưởng thụ thực dụng với đời sống và xã hội.
Triển lãm lần này giới thiệu các tác phẩm tập trung ở chủ đề hình tượng và sự gợi cảm của người phụ nữ, cũng như những ý nghĩa mở rộng của hai chủ đề này trong bối cảnh xã hội, văn hóa và chính trị Việt Nam cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21.
"Vệ Nữ ở Việt Nam: Vũ Dân Tân và Nguyễn Nghĩa Cương" cũng được ghi lại qua một ấn phẩm với nhiều bài viết và minh họa, bao gồm một bài viết của chuyên gia nghệ thuật đương đại Đông Nam Á Iola Lenzi, người thường xuyên giám tuyển cho các tác phẩm của Vũ Dân Tân.
Ngoài ra Viện Goethe TPHCM cũng sẽ tổ chức buổi thuyết trình và thảo luận cùng nghệ sĩ Nguyễn Nghĩa Cường và hai giám tuyển Natalia Kraevskaia và Iola Lenzi. Nghệ sĩ Iola Lenzi sẽ nói về những người phụ nữ của Tân - diễn giải mở rộng về biểu tượng gợi cảm trong nghệ thuật của Vũ Dân Tân. Natalia Kraevskaia sẽ đối thoại cùng Nguyễn Nghĩa Cương thông qua việc giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Nguyễn Nghĩa Cương trong mối tương quan với triển lãm và cùng với nghệ sĩ trò chuyện về hình ảnh người phụ nữ cũng như những chất liệu hay phương tiện nghệ thuật mà anh sử dụng để thể hiện chủ đề trọng tâm trong nghệ thuật của mình.
Các buổi trò chuyện cùng nghệ sĩ sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật, 12-1, lúc 15g30, tại Bảo tàng Mỹ thuật, 97A Phó Đức Chinh, quận 1, TPHCM, bằng hai ngôn ngữ Anh-Việt.