(KTSG Online) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
- Nhiều ý kiến trái chiều về việc áp thuế suất 5% với phân bón
- Sửa Luật Đầu tư công: tránh cơ chế ‘xin – cho’
Sáng nay (30-10), tiếp tục kỳ họp thứ 8, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu, TTXVN đưa tin.
Theo bộ trưởng, việc xây dựng luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu. Mục đích hướng đến là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu những nội dung được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật lần này.
Về sửa đổi Luật Quy hoạch, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung gồm quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Cùng với đó, cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch.
Dự thảo có quy định về đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch, xác định trách nhiệm tham gia của các cơ quan liên quan trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch và phân quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt, UBND cấp tỉnh được ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và bổ sung quy định điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Về sửa đổi Luật Đầu tư, dự thảo phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỉ đồng thuộc cảng biển đặc biệt. Việc này tạo chủ động cho các địa phương.
Bên cạnh đó là quy định việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị và nông thôn. Dự thảo thêm quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nội dung được sửa đổi theo hướng khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công; bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.
Theo dự thảo, việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP được áp dụng cơ chế linh hoạt theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.
Đối với Luật Đấu thầu, dự thảo luật này sửa đổi một số nội dung như cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.