Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trở lại Vị Xuyên

Huỳnh Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một ngày cuối thu, chúng tôi đã cùng “về nguồn” với các bạn trẻ Chi đoàn Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thăm lại Vị Xuyên - nơi từng là chiến trường khốc liệt suốt 10 năm 1979-1989 ở địa đầu biên cương phía Bắc, giờ đang rộn ràng đón khách thập phương.

Ký ức không quên

Sau khi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ở thành phố Hà Giang, chúng tôi đi tiếp hơn 20 cây số ra hướng khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy. Con đường này, thời chiến tranh là độc đạo bị nã pháo suốt ngày đêm. Giờ đây, là quốc lộ 2 rộng rãi, uốn lượn theo màu xanh mênh mông của núi rừng biên giới.

Trên một cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang. Ảnh: Huỳnh Kim

Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên nằm trên điểm cao 468, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Lên tới khu nhà tưởng niệm bên vách núi đá dựng, mọi người có thể nhìn thấy các điểm cao 685, 772… và điểm cao 1509, mốc biên giới Việt - Trung. Nơi đây, các bạn trẻ đã thành kính dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc với tâm nguyện “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Một bạn trẻ đã ghi vào sổ tay: “Từ 1979-1989, có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở Vị Xuyên. Máu của người lính Việt Nam đã hòa vào lòng đất mẹ để Tổ quốc hoà bình phát triển hôm nay”.

Khoảng 38 năm trước, vào cuối tháng 7-1985, chúng tôi đã lên mặt trận này để viết phóng sự chiến trường cho báo Quân đội Nhân dân. Còn nhớ, cách Đền thờ hôm nay không xa, trong hầm chỉ huy, thiếu tá Trần Bản, Phó đoàn trưởng Đoàn Quang Trung, trải bản đồ quân sự, nói dãy núi 1500 phân định rõ ranh giới hai nước với những điểm cao 1545, 1509, 772… thuộc lãnh thổ Việt Nam, nhưng quân Trung Quốc đã lấn chiếm một số điểm cao này và huy động pháo bắn dữ dội vào quân dân ta. Anh Bản kể chỉ riêng ngày 31-5-1985, quân Trung Quốc đã nã gần 50.000 quả đạn pháo. Với bộ binh, từ 22-5 đến 2-6, bộ đội Đoàn Quang Trung đã bốn lần đánh bại các đợt lấn chiếm của địch.

Anh Bản cho biết bộ đội Đoàn Quang Trung đã cùng các đơn vị địa phương Hà Tuyên (nay là Hà Giang) trấn thủ vùng biên nóng bỏng này và đã đánh thắng mọi hành động lấn chiếm của giặc. Các địa danh sau đây đã gắn liền với đá núi Vị Xuyên, với những tháng ngày chiến đấu kiên cường bảo vệ từng tấc đất, mỏm đá biên cương Tổ quốc: ngã ba Thanh Thủy, hang Làng Lò, đồi Bốn Hầm, hang Suối Cụt, đồi Chuối, Cốc Nghè, Cửa Tử, điểm cao 2000, 1200, 1000, 772, bình độ 300, 400, 685, đồi không tên…

Sau chuyến đi ấy, Báo Quân đội Nhân dân đăng bài ghi chép ba kỳ “Gửi về đồng đội phía Nam”. Cuối bài báo, chúng tôi đã viết: “Lần đầu tiên tôi về với biên cương phía Bắc. Lại là nơi nóng bỏng nhất của đất nước hôm nay. Nơi điểm tựa tiền tiêu này, lửa đã cháy trong tôi. Không chỉ là lửa tội ác của pháo đạn giặc. Còn là lửa sống của đồng đội tôi nơi đây. Lửa chiến đấu hết mình để giữ vững biên cương Tổ quốc. Lửa của tình đồng chí đồng đội và lòng thiết tha yêu quý hòa bình. Mùa lúa chín, con đường làng, lời mẹ dặn lúc ra đi, và em, và bạn, và trường lớp… tất cả là nỗi nhớ lung linh thành ngọn lửa trong ta, cùng cháy lên, nơi đây”.

Chiều hôm đó, chúng tôi đã tặng bản photocopy bài báo này để làm kỷ vật, cùng các bài báo khác viết về du lịch Vị Xuyên hôm nay, cho Ban Quản lý Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên. Anh Tạ Viết Trường, đại diện Ban Quản lý Đền thờ, cảm ơn các nhà báo trẻ đã có chuyến về nguồn ý nghĩa và giới thiệu với mọi người về những trận đánh ngày xưa trên các điểm cao chung quanh cùng các tour du lịch ngày nay.

Rộn ràng đón khách

Anh Tạ Viết Trường cho biết Đền thờ Vị Xuyên hiện mỗi tuần đón khoảng 1.000 khách đến từ khắp nơi trong nước. “Các đoàn công tác, đoàn khách du lịch đến Hà Giang đều đi viếng Đền thờ Vị Xuyên. Đông nhất là vào dịp tháng Bảy hàng năm, ngày tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc”, anh Trường nói.

Và cũng theo lời anh Trường, từ điểm du lịch tâm linh này, du khách sẽ đi thăm nhiều di tích lịch sử, danh thắng khác như chùa Sùng Khánh, suối khoáng Thượng Sơn, đền Cầu Má, Nậm Dầu, cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, hang Tùng Bá, hang Bản Mào, đỉnh Tây Côn Lĩnh, rừng chè cổ thụ Shan Tuyết, hồ Noong, rừng nguyên sinh Minh Tân, suối nước nóng Quảng Ngần, khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Thanh Hà, làng văn hóa dân tộc Dao ở thôn Lùng Tào - Cao Bồ…

Cùng các bạn trẻ Chi đoàn Tạp chí Kinh tế Sài Gòn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên - nơi đã tạc vào đá lời thề: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”.
Ảnh: Ngọc Khánh

Vị Xuyên còn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với nhiều lễ hội như Lồng Tồng (xuống đồng) của dân tộc Tày, Nùng, lễ hội Gioóng Boọc của dân tộc Giáy, Sải Sán hay hội Gàu Tào (đi chơi núi) của người Mông, hội Tết Nhảy (Giàng chảo đao) của người Dao hay lễ hội hoa Đỗ Quyên ở xã Cao Bồ. Còn có những trò chơi dân gian như ném còn, đu quay, ném yến, đánh quay, bắn nỏ, phi ngựa, leo núi… cùng các hình thức hát giao duyên của các đôi trai gái dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng với những làn điệu dân ca trữ tình then, cọi, sli, lượn hoặc hát giầu plềnh của người Mông với các nhạc cụ dân tộc như đàn tính, kèn lá, đàn môi, sáo trúc, các bộ trống, xoèng, chọe... rồi tiếp đến là những huyện vùng cao Quảng Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc… với các địa danh nổi tiếng về du lịch như đèo Mã Pí Lèng, hẻm núi Tu Sản trên sông Nho Quế, cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, dốc Thẩm Mã, nhà cổ của vua Mèo Vương Chí Sình...

Nói về phát triển du lịch xanh, bền vững, anh Trường cho hay hướng đi này giúp người dân nâng cao thu nhập, Đảng bộ huyện Vị Xuyên khóa XXIV đã ban hành Nghị quyết số 18 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Theo đó, sẽ thu hút trên một triệu lượt du khách, tăng từ 25-30%/năm; tổng thu từ khách du lịch năm 2025 đạt 210 tỉ đồng; xây dựng từ 35-40 cơ sở lưu trú và hoàn thiện một số sản phẩm du lịch đặc trưng…

Tạm biệt Đền thờ Vị Xuyên hôm đó, chúng tôi đã cùng các bạn trẻ tham quan tiếp một số nơi như anh Tạ Viết Trường giới thiệu. Một bạn trẻ quê ở Cái Răng, Cần Thơ trong đoàn về nguồn bữa đó đã chia sẻ: “Đây là một chuyến dã ngoại nhiều ý nghĩa và cảm xúc”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới