(KTSG Online) – Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu, theo ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực ngành bán dẫn
- Ngành công nghiệp bán dẫn ‘đặt cược’ vào công nghệ AI
Trò chuyện với KTSG Online nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và trở tành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu nhờ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi và có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hoá mục tiêu này.
- KTSG Online: Năm vừa qua, Bộ KHĐT đã tiên phong làm việc với những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kêu gọi đầu tư và hợp tác với Việt Nam. Bộ trưởng có thể chia sẻ những kết quả đã đạt được và kế hoạch trong những năm tới?
- Ông Nguyễn Chí Dũng: Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để triển khai nhiều chương trình, hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đào tạo phát triển nguồn nhân lực số như Google, Meta, Siemens, Hitachi... Trong năm 2023, thông qua các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, Bộ KHĐT đã chủ động đề xuất hợp tác, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Thông qua đó, đã có nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn như John Cockerill, Synopsys, Cadence... ký kết các thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 kết hợp Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Hòa Lạc, các Cơ sở đổi mới sáng tạo và Trung tâm ươm tạo thiết kế chíp bán dẫn của các doanh nghiệp công nghệ lớn như Samsung, Synopsys đã được khai trương tại NIC Hòa Lạc. Cùng với đó, Triển lãm đã quy tụ hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn tham gia, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế như SK, Samsung, Google, Meta, SpaceX, John Cockerill, Synopsys, Cadence, VISA... cho thấy Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ trên thế giới.
Đặc biệt, sau những thành tựu đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã tăng cường trao đổi, hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Trong những tháng cuối năm 2023, đã có những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Nvidia, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ như Intel, Qualcomm, Ampere, ARM, Synopsys, Infineon đến làm việc với Bộ KHĐT, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường hoạt động tại Việt Nam thông qua hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các doanh nghiệp của Việt Nam.
Trên cơ sở những kết quả hợp tác đã đạt được, Bộ KHĐT đang chỉ đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tập trung triển khai các nội dung hợp tác đã thống nhất với các đối tác hiện nay, đồng thời chủ động tìm kiếm, thúc đẩy hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới trong tám lĩnh vực trọng tâm để thiết lập hoạt động tại các Cơ sở hoạt động của Trung tâm, đặc biệt là Cơ sở tại Hòa Lạc. Từ đó, góp phần thúc đẩy mạnh tăng trưởng dựa nhiều hơn vào các động lực mới như kinh tế số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo, hydrogen…
Vậy tiềm năng của lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam thời gian tới sẽ ra sao, thưa ông?
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này.
Việc Tổng thống Hoa kỳ cam kết và ủng hộ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu và vào ngành chíp, bán dẫn đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam gia nhập mạng lưới sản xuất có giá trị cao của quốc tế.
Thực tế, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,… Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Chính phủ, Bộ KHĐT đã và sẽ làm gì để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này?
Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, Việt Nam đang xây dựng một số chính sách như: Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023; Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030. Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 110/2023/QH15 giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.
Bên cạnh những chính sách trên, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và ngành bán dẫn, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.
Để triển khai các kế hoạch này, Bộ KHĐT thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký hợp tác với hai Tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chíp là Sypnosyps và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Đồng thời, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các viện nghiên cứu lớn của Hàn Quốc, Đài Loan… để đặt các văn phòng đại diện, văn phòng nghiên cứu tại NIC.
Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Tôi mong muốn các nhà đầu tư hãy đến, hãy tìm kiếm cơ hội đầu tư của mình và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.
Ngành bán dẫn mở ra cơ hội lớn, nhưng theo ông, liệu có thách thức?
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này. Thực tế, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,... Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 13% mỗi năm, đạt được 600 tỉ đô la Mỹ tính đến năm 2021. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỉ đô la vào năm 2030, theo nghiên cứu từ tập đoàn tư vấn Boston (BCG). Các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thế giới. Ngành công nghiệp này đã mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam, gồm: Tăng cường nhu cầu - với sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, Internet of Things (IoT)… đang tạo ra nhu cầu lớn cho các linh kiện bán dẫn; Cơ hội xuất khẩu - việc sản xuất chíp có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt là khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung cấp an toàn và độc lập trong lĩnh vực bán dẫn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và Chính phủ các nước trong đó Việt Nam cũng đang phải đối mặt như: mức đầu tư cho sản xuất chíp là rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp, thực tế việc xây dựng một xưởng đúc chíp có thể tiêu tốn tới 50 tỉ đô la; ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu khi những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chíp của mình trong khoảng 50-150 tỉ đô la; sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển để duy trì sự cạnh tranh; yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, trong khi nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Mức đầu tư cho sản xuất chíp rất lớn, chúng ta có thể bắt đầu từ đâu, và vai trò hỗ trợ - đồng hành từ Chính phủ như thế nào?
Ngành công nghiệp bán dẫn đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỷ XX, nhưng chúng ta chưa có chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Vì vậy, lĩnh vực này ở nước ta vẫn còn khá sơ khai, chưa có sự tham gia sâu của doanh nghiệp nội địa, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài. Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, Bộ KHĐT đang tập trung vào các nội dung sau để bước đầu hình thành ngành công nghiệp cao này.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030, đề án sẽ làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2023 có 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, với kỳ vọng cung cấp đủ số lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các các thị trường phát triển khác.
Thứ hai, xây dựng cơ chế và chính sách riêng để thu hút và tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài. Theo đó, Nghị định 94/2020 của Chính phủ dành riêng cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã đưa ra các chính sách và mức độ ưu đãi cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Trung tâm, trong đó có các doanh nghiệp bán dẫn muốn gia nhập đầu tư vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế; được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất…
Thứ ba, đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu (R&D), qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới. Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Cadence và Đại học Bang Arizona (ASU) để hình trung tâm ươm tạo, nghiên cứu thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Chính phủ đã giao Bộ KHĐT xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể 50.000 nhân lực bán dẫn trong thời gian tới. Theo ông, cần thực hiện đề án này như thế nào để đạt hiệu quả?
Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Chính phủ đang giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TTTT, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
Chúng tôi đã xác định rất rõ mục tiêu của Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, dự kiến đào tạo nguồn cung 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư giai đoạn khác với cả ba bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Các số liệu trên được đưa ra dựa trên khảo sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam, và khả năng đào tạo của các đơn vị giáo dục trong nước.
Đề án cũng tập trung phát triển chương trình đào tạo giảng viên, sinh viên; xây dựng giáo trình chuẩn quốc tế; đào tạo sau đại học và cơ chế thu hút nhân tài trong nước và chuyên gia quốc tế; đồng thời triển khai các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế nhằm đào tạo đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao theo tiêu chuẩn quốc tế; tạo môi trường trao đổi và học tập tại nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao và học hỏi công nghệ tiên tiến.
Để tạo bước đà cho việc triển khai Đề án này, Bộ KĐT đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ký thỏa thuận hợp tác với hai Tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chíp là Synopsys và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Đồng thời, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể hóa kế hoạch đề ra, NIC đã phối hợp với Công ty SunEdu, Đại học bang Arizona và Tập đoàn Cadence để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên, kỹ sư muốn nâng cao chuyên môn tại các cơ sở của NIC.
Ngoài ra, khuyến khích các dự án nghiên cứu và phát triển vi mạch; ứng dụng và thương mại hóa các dự án nghiên cứu; xây dựng mạng lưới nghiên cứu liên kết viện-trường. Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam nằm trong khuôn khổ Sáng kiến đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ KHĐT tư chủ trì, được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) và Tập đoàn Meta đồng tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức/cá nhân trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững. Theo đó, chủ đề năm 2024 sẽ là “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất thông minh chinh phục thị trường toàn cầu”.
Bên cạnh những nỗi lực trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là Chính phủ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các Viện nghiên cứu, trường đại học để triển xây dựng, triển khai dự án.
Thêm vào đó, cần đảm bảo đầu ra của nguồn nhân lực bán dẫn tương lai được tiếp xúc với nhu cầu nhân sự và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ sư làm việc trong và ngoài nước; hỗ trợ khởi nghiệp; xây dựng hệ sinh thái ĐMST; hỗ trợ trao đổi học tập và ưu tiên sử dụng sản phẩm hàng có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Cuối cùng, xây dựng cơ chế tài chính vững vàng để đáp ứng nhu cầu kinh phí dự án dựa trên các nguồn ngân sách từ nhà nước; từ xã hội hóa; từ tài trợ quốc tế; từ nguồn thu hợp pháp và bố trí kinh phí hợp lý cho các chương trình đào tạo, học bổng và các tổ chức đào tạo.
Trong định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng có đề cập “Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, nhất là điện tử, sản xuất chíp bán dẫn”, Bộ trưởng sẽ có những tham mưu gì cho Chính phủ về định hướng này trong năm tới?
Công nghiệp điện tử gồm các phân khúc cơ bản trong chuỗi giá trị là thiết kế sản phẩm, sản xuất thành phần cốt lõi, đóng góp giá trị gia tăng (GTGT) cao của sản phẩm (như bộ vi xử lý, chíp điều khiển, chíp nhớ dung lượng cao...) và sản xuất linh phụ kiện bổ trợ cho lắp ráp, hoàn chỉnh sản phẩm (linh kiện vỏ, màn hình giao diện, thiết bị truyền dẫn, xạc điện...). Để tăng hàm lượng GTGT và mức độ nội địa hóa sản phẩm, Việt Nam cần hướng vào tham gia sản xuất ở phân khúc thiết kế (lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, có tố chất phù hợp) và phân khúc sản xuất chíp, vi mạch tích hợp, phần mềm cho thiết bị điện tử.
Công nghiệp chíp bán dẫn gồm gồm phân khúc là sản xuất vật liệu bán dẫn cho sản xuất chíp, thiết kế chíp, in đúc chíp và đóng gói, kiểm thử chíp. Các phân khúc sản xuất vật liệu và in đúc chíp cần vốn đầu tư rất lớn, công nghệ cao. Việt Nam phát triển công nghiệp chíp bán dẫn trước mắt hướng vào tham gia các phân khúc thiết kế và đóng gói, kiểm thử chíp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết với một số tập đoàn về công nghiệp bán dẫn hàng đầu trên thế giới để từng bước khai thác, chế biến nguồn đất hiếm có trong nước phục vụ cho sản xuất chíp bán dẫn.
Để thúc đẩy phát triển mạnh và có chiều sâu công nghiệp điện tử, sản xuất chíp trước mắt cần nhanh chóng tổ chức đào tạo, hợp tác với các đối tác để phát triển đội ngũ nhân lực đạt chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp này nhất là nhân lực về thiết kế chíp hiện đang rất thiếu.
Đồng thời, cần rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ mạnh hơn để phát triển mạng lưới doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp khởi nghiệp, mạng lưới cơ sở KHCN, khu công nghệ cao, mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo tham gia vào phát triển lĩnh vực công nghiệp điện tử, sản xuất chíp. Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công nghiệp điện tử, bán dẫn, sản xuất chíp đầu tư vào Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp trong nước cùng sản xuất và chuyển giao công nghệ.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!