(KTSG) - Dưới tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp hiện cố gắng tìm mọi cách để giảm thiểu các chi phí phát sinh, như cắt giảm nhân sự hay chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ) hoặc đóng không đủ, thậm chí là phớt lờ nghĩa vụ này. Vụ việc gần đây nhất tại tỉnh Phú Yên, khi một doanh nghiệp bị khởi tố hình sự do hành vi trốn đóng BHXH, đã dấy lên hồi chuông cảnh báo để các doanh nghiệp phải xem lại mức độ tuân thủ của mình đối với các quy định pháp luật về BHXH.
- Thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu sẽ giảm xuống 15 năm
- Doanh nghiệp lo thiếu lao động trước đề xuất rút BHXH một lần không quá 50%
Tính đến nay, chưa có bất kỳ bản án hay quyết định nào của tòa án các cấp xử lý doanh nghiệp về tội danh “trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” theo Bộ luật Hình sự. Cũng chưa có hướng dẫn chi tiết nào của Tòa án Nhân dân Tối cao về vấn đề này. Có thể nói Công ty TNHH TMSX Thuận Thông vào đầu tháng 3 vừa qua là trường hợp đầu tiên bị khởi tố hình sự về tội danh này. Mặc dù đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng, doanh nghiệp này vẫn không khắc phục sai phạm mà còn tiếp tục trốn đóng ba loại bảo hiểm này cho NLĐ với tổng số tiền gần 424 triệu đồng.
Doanh nghiệp chưa lường hết hậu quả pháp lý
Hiện nay, mức đóng BHXH bắt buộc cho mỗi NLĐ lên đến 32% mức lương đóng BHXH của NLĐ, trong đó doanh nghiệp đóng 21,5% và trích từ tiền lương của NLĐ 10,5%. Dù pháp luật lao động hiện hành có quy định mức lương tháng tối đa làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng có thể thấy rằng đây vẫn là một khoản chi đáng kể đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khối ngành sản xuất có đến hàng trăm người. Bên cạnh đó, việc theo dõi quá trình đóng BHXH có thể là gánh nặng đối với doanh nghiệp, dẫn đến suy nghĩ của chủ doanh nghiệp có thể cắt bớt phần chi phí này để tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, tình trạng trên xảy ra do sự thiếu cập nhật của doanh nghiệp về quy định của pháp luật có liên quan, hoặc vẫn chưa bị cơ quan quản lý hỏi đến và chưa lường hết các hậu quả pháp lý.
Hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc đóng BHXH cho NLĐ được quy định khá đồ sộ và liên tục được cập nhật, điều chỉnh theo từng thời kỳ, gồm Luật BHXH 2014 và nhiều văn bản pháp quy hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, việc quy định rải rác tại nhiều văn bản vô hình trung dẫn đến nhiều bất cập, khó khăn cho doanh nghiệp khi áp dụng, đặc biệt với các doanh nghiệp chưa có bộ phận nhân sự, pháp lý nội bộ có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn có ý chủ quan, xem nhẹ hậu quả của việc trốn đóng BHXH vì nghĩ rằng nhiều lắm thì “chỉ” bị xử phạt hành chính và mức phạt thấp hơn nhiều so với lợi ích thu được từ việc trốn đóng BHXH.
Khi nào bị khởi tố hình sự?
Trốn đóng BHXH được hiểu là hành vi mà người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ nhưng tìm cách để không đóng hoặc đóng không đầy đủ các khoản BHXH cho NLĐ. Chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại có trách nhiệm thu, đóng tiền BHXH cho NLĐ và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi: (i) gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác không đóng hoặc đóng đầy đủ từ sáu tháng trở lên, và (ii) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng từ 50-300 triệu hoặc trốn đóng từ 10 đến dưới 50 NLĐ. Đối với các trường hợp trốn đóng BHXH từ hai lần trở lên, hoặc từ 300 triệu đồng trở lên, hoặc từ 50 NLĐ trở lên thì doanh nghiệp có thể bị xử lý hình sự mà không xét đến việc có bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó hay chưa(1).
Dưới góc độ pháp luật lao động, người sử dụng lao động bao gồm nhiều tổ chức khác nhau, tuy nhiên, theo pháp luật hình sự, chỉ những doanh nghiệp là pháp nhân thương mại mới chịu trách nhiệm hình sự. Pháp nhân thương mại hiện được hiểu là tổ chức có tư cách pháp nhân(2), có mục tiêu hoạt động chính là tìm kiếm lợi nhuận và chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi vi phạm của họ có đầy đủ các yếu tố sau: (1) hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại, và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; và (2) chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự(3).
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về việc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại sẽ chịu trách nhiệm khi pháp nhân này bị khởi tố trách nhiệm hình sự, cũng như chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH đối với người đại diện theo pháp luật. Dù vậy, cần lưu ý rằng việc pháp nhân thương mại phạm tội sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân(4). Thực chất, người đại diện theo pháp luật có mối quan hệ rất chặt chẽ đối với pháp nhân, vì họ đại diện cho pháp nhân thương mại để thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của pháp nhân thương mại đó(5).
Tuy quy định trách nhiệm cá nhân của người đại diện theo pháp luật trong việc trốn đóng BHXH vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng theo nguyên tắc tránh bỏ lọt tội phạm, không loại trừ khả năng người đại diện theo pháp luật vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trực tiếp tham gia thực hiện hành vi phạm tội, bao gồm cả hành vi trốn đóng BHXH.
Thực tế hiện nay, việc vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH đã và đang xảy ra tại rất nhiều doanh nghiệp với mức độ vi phạm khác nhau. Song, trên thực tế việc điều tra, khởi tố của cơ quan điều tra còn gặp nhiều khó khăn vì một số lý do, như pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về một số yếu tố cấu thành hành vi phạm tội, như “dấu hiệu gian dối”, hoặc “bằng thủ đoạn khác”, dẫn đến khó khăn khi xác định hành vi phạm tội; và khó phân biệt hành vi trốn đóng với hành vi không đóng, hay chậm đóng vì lý do khách quan nên cơ quan BHXH có thẩm quyền chưa có cơ sở xác định hành vi trốn đóng BHXH để có cơ sở xử phạt vi phạm hành chính - một trong những dấu hiệu để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về phía NLĐ, thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp NLĐ dù biết rõ quyền lợi BHXH của mình không được doanh nghiệp đảm bảo nhưng vẫn “ngậm ngùi” chấp nhận vì nhiều lý do khác nhau, như sợ tranh chấp với doanh nghiệp sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình làm việc của mình.
Hậu quả pháp lý của việc trốn đóng BHXH
Doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn đóng BHXH có thể phải chịu các rủi ro pháp lý như bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 100-150 triệu đồng và bị buộc trả tiền lãi bằng hai mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng(6). Ở lĩnh vực hình sự, nếu bị khởi tố, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng. Bên cạnh đó, NLĐ còn có thể khởi kiện doanh nghiệp tại tòa án có thẩm quyền liên quan để yêu cầu doanh nghiệp truy đóng đầy đủ các khoản BHXH cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Thủ tục này có thể được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền mà không cần thông qua thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tại hòa giải viên lao động như một số tranh chấp lao động khác(7).
Sự việc nói trên cho thấy các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã và đang trong quá trình phối hợp, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ của doanh nghiệp với nghĩa vụ tham gia BHXH theo quy định. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng rà soát và khắc phục sai sót, nếu có, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cá nhân NLĐ cũng nên quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi lao động của mình, đặc biệt trong vấn đề BHXH. Hiện nay, NLĐ có thể dễ dàng kiểm tra chi tiết quá trình tham gia BHXH bắt buộc của mình thông qua ứng dụng VSSID của cơ quan BHXH. Ngay khi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, NLĐ có thể thực hiện các biện pháp pháp lý phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
(*) Công ty Luật TNHH Phước và các cộng sự
(1) Điều 216.1 và 216.2 Bộ luật Hình sự 2015
(2) Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015
(3) Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015
(4) Khoản 2 điều 75 Bộ luật Hình sự 2015
(5) Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020
(6) Điều 39.7(a), điều 6.1 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và điều 122 Luật BHXH 2014
(7) Điều 188.1(d) Bộ luật Lao động 2019