Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trông chờ các dự án chống ngập sớm hoàn thành

Hùng Anh - Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dù các cơ quan chức năng đã triển khai hàng loạt giải pháp chống ngập nhưng TPHCM vẫn trong tình cảnh ngập lụt sau mỗi cơn mưa. Để hoàn thành các dự án chống ngập, TPHCM cần nguồn vốn khổng lồ hơn 100.000 tỉ đồng trong vòng 5 năm 2021-2025.

Mưa, ngập lụt và vất vả ngược xuôi trong dòng nước 

Hồi đầu tháng 6, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng), dự báo rằng TPHCM có thể xảy ra ngập ở 39 tuyến đường trong mùa mưa 2022 và có 9 tuyến đường sẽ ngập khi triều cường lên mức 1,71 m.

Đến giữa tháng 8 vừa qua, trận mưa kéo dài hơn 2 giờ khiến 67 tuyến đường bị ngập và có đến 47 tuyến đường ngập tức thời. Nguyên nhân được cơ quan chức năng nhận định là do mưa lớn và kéo dài khiến nước thoát chậm gây ngập và làm tăng số lượng điểm ngập.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra tình trạng hễ mưa là ngập ở TPHCM mà tình cảnh này đã diễn ra hàng chục năm qua. Việc này khiến người dân thêm khổ sở trong việc đi lại, đặc biệt trong khung giờ cao điểm.

Mưa lớn gây ngập trên nhiều tuyến đường. Ảnh: Lê Vũ

Mỗi cuối giờ chiều, khi thấy mây đen ùn ùn kéo ngang khung cửa sổ, chị Nguyễn Trúc Thuỷ, nhân viên văn phòng ở quận 10, TPHCM, lại lo âu khi nghĩ đến những gian nan và khó khăn trên con đường về nhà.

Nỗi ám ảnh lớn nhất với chị là con đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) sẽ ngập nước cao hơn nửa mét. Dù đã ước lượng độ sâu, lái xe máy di chuyển chậm và giữ đều tay ga khi vượt qua đoạn ngập nước nhưng chị Thuỷ đều gặp thất bại trước dòng nước cuồn cuộn này.

“Trong cơn mưa tầm tã, nước ngập tới đầu xe mà xe thì chết máy nên mình phải dắt bộ. Riết rồi mình cũng quen nhưng là quen với cảm giác bất lực”, chị Trúc Thuỷ chia sẻ.

Tương tự, chị Huỳnh Diễm My, ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM, cho biết khu vực chị sinh sống không những ngập bởi mưa mà còn ngập do triều cường. Chị My cho biết thêm, mỗi khi triều lên nước từ kênh Tẻ sẽ tràn vào đường Trần Xuân Soạn nên không thể phân biệt được đâu mới là đường, và cách nhận biết duy nhất là nhờ vào lan can dọc bờ kênh.

“Bây giờ hễ đường ngập nước là mình sẽ đặt xe công nghệ và đi đường vòng qua cầu Tân Thuận để đi làm thay vì phải đánh đố với con nước triều dù đường xa và tốn tiền”, chị My nói thêm.

Mong mỏi, trông chờ các dự án chống ngập phát huy hiệu quả

Theo báo cáo của Sở Xây dựng gửi UBND TPHCM về kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện năm 2021 và kế hoạch năm 2022. Cụ thể, trong năm 2021, TPHCM đã xóa 3 trên 18 điểm ngập do mưa là tuyến đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân (quận Tân Bình).

Về dự án giải quyết ngập do triều cường cho khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đối khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỉ đồng để giải quyết 4 tuyến đường ngập do triều (đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn và quốc lộ 50) đạt hơn 93% khối lượng.

Bên cạnh đó, triển khai dự án trọng điểm như xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đang chờ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thiện công trình. Ảnh: MH

Hiện dự án này được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư và đang chờ Sở Tài nguyên Môi trường cấp giấy phép môi trường để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Đồng thời, sở này cũng đang thực hiện thủ tục đề xuất 5 dự án trọng điểm cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải, cải tạo kênh rạch trên địa. Hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết 18 tuyến trục chính thường xuyên ngập nước.

Về kế hoạch năm 2022, Sở Xây dựng đặt chỉ tiêu giải quyết 2 điểm ngập do mưa là tuyến đường Bàu Cát (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Đồng thời, cơ bản hoàn thành dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng và hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) từ công suất 141.000 m³/ngày lên 469.000 m³/ngày.

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa công bố nghiên cứu về độ sụt lún nền tại TPHCM, cho thấy độ sụt lún ở TPHCM đang ở mức độ cao. Các đơn vị tham giả khảo sát với JICA cũng xác nhận tình trạng sụt lún nền đất ở TPHCM diễn ra liên tục từ năm 1990 đến nay với độ lún tích lũy ước tính khoảng 100 cm. Tốc độ lún hiện nay khoảng 2-5 cm mỗi năm. Riêng những khu vực tập trung nhiều công trình thương mại, tốc độ lún khoảng 7-8 cm mỗi năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới