Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trông chờ cát ngoài… biển

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Không phải ngẫu nhiên mà một trong sáu giải pháp về khai thác cát biển bền vững trong một hội thảo quốc tế gần đây lại là đẩy mạnh truyền thông sử dụng cát biển. Và rất nhiều người khi nói tới cát biển cho san lấp lại nghĩ ngay đến các bãi cát trắng dọc dài ven biển miền Trung đến ĐBSCL, thực ra nó lại ở ngoài biển, đúng nghĩa với cát biển.

Chính phủ cũng đồng ý với đề xuất sử dụng cát biển cho san lấp nền đường giao thông, đô thị ở ĐBSCL của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Sóc Trăng trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam có mỏ cát biển đưa vào khai thác cho làm đường giao thông.

Trong một cuộc họp mới đây liên quan đến việc giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cho thấy, trong giai đoạn 2021-2025, ĐBSCL và Đông Nam bộ cần khoảng 70 triệu m3 cát để làm nền đường cho các dự án giao thông, trong đó, nguồn cung đã có là 37 triệu m3, nguồn cát còn thiếu này dự kiến được lấy cát biển từ Sóc Trăng.

Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Cục Địa chất chủ trì khảo sát, đánh giá trong cả năm ngoái trước nhu cầu cấp bách về vật liệu cát, đất cho san lấp nền đường giao thông ở ĐBSCL.

Theo kết quả điều tra cách nay 15 năm tại vùng biển Sóc Trăng đã khoanh định được 6 vùng (ký hiệu từ B1 đến B6) phân bố cát có khả năng làm vật liệu xây dựng nhưng chưa được đánh giá, thăm dò, khai thác sử dụng.

Trên bản đồ, khu B1 nằm đối diện cửa biển Định An (cách 20 km), cửa biển Trần Đề; diện tích khu vực khai thác 32 km2, có khoáng sản cát làm vật liệu san lấp với chiều dày trung bình 4,5 mét, hàm lượng cát 86%, độ sâu phổ biến của vùng biển này 2-5 mét với trữ lượng 144 triệu m3.

Báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi “có điều kiện khai thác khả thi” và cũng theo bộ này, đề xuất phương pháp khai thác có thể sử dụng tàu hút xén thổi cỡ trung bình - nhỏ, vận chuyển bằng sà lan theo tuyến luồng hàng hải Định An hiện hữu đến nơi tiêu thụ.

“Đã đánh giá khả năng sử dụng cát biển khu B1 đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp hạ tầng đô thị theo TCVN 5747:1993; đáp ứng được các chỉ tiêu cơ bản làm vật liệu san lấp nền đường ô tô theo TCVN 9436:2012”, báo cáo của dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao kết quả khảo sát đánh giá khu B1 cho tỉnh Sóc Trăng hồi cuối năm ngoái để chính quyền tỉnh này thực hiện cấp phép khai thác và thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong khai thác khoáng sản.

Thế nhưng, khai thác cát ngoài biển không hề đơn giản như “hút” cát trên sông. Đó là đòi hỏi công nghệ xử lý tuyển rửa cát biển; xây dựng quy định đánh giá tác động khai thác cát biển đến môi trường phù hợp quy định quốc tế, trong đó có truyền thông đến cộng đồng và doanh nghiệp hiểu về khai thác và sử dụng cát biển.

Một cán bộ có trách nhiệm của Cục Địa chất nói với người viết là trong tương lai, cơ quan này có thể sẽ nhận chuyển giao công nghệ khai thác cát ngoài khơi từ một quốc gia châu Âu có kinh nghiệm trong công việc này.

Công việc khảo sát, đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác cát biển ở ngoài khơi Sóc Trăng ở độ sâu 20-30 mét nước vẫn tiếp tục trong năm nay và nhiều năm tới với mục tiêu 1 tỉ m3 cát phục vụ nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, cảng biển, cụm công nghiệp của ĐBSCL đến năm 2030.

1 BÌNH LUẬN

  1. Không có cát, tất yếu sẽ không còn sông, hoặc biển. Hoặc là sụp lở, hai là biến đổi địa chất, dòng chảy… Cát sông, vì vậy cũng không khác cát biển. Khác nhau là ở cách khai thác và sử dụng thế nào được xem là hợp lý. Với cách làm hiện nay, chỗ nào cũng khai thác vô tội vạ, thì kết quả đưa đến sẽ là như nhau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới