Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trông chờ cuộc chuyển mình về chất của chứng khoán

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ “sáng hơn” nhờ sự hỗ trợ của những yếu tố nền tảng từ trong nước và thế giới.

Thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Ảnh min hoạ: Lê Vũ

Nhịp tích luỹ năm 2023

Dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá có diễn biến tích cực so với các thị trường ở khu vực và trên thế giới với quy mô vốn hóa thị trường cổ ước đạt gần 6 triệu tỉ đồng phiếu đến cuối năm 2023, tăng 9,5% so với cuối năm 2022 và tương đương khoảng 62% GDP năm 2022. Thanh khoản bình quân trên thị trường cổ phiếu ở mức 17.500 tỉ đồng một phiên với 739 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch.Thị trường chứng khoán phái sinh vẫn duy trì ổn định với khối lượng giao dịch bình quân đạt 236.867 hợp đồng một phiên.

Số tài khoản nhà đầu tư mới tăng trên 350.000 tài khoản, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên gần 7,4 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được đề ra trong Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Thị trường trái phiếu chính phủ hỗ trợ huy động thông qua hoạt động đấu thầu trái phiếu đạt 305.256 tỉ đồng, tăng 54,9% với năm 2022. Thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp cũng ghi nhận giá trị bình quân đạt 5.880 tỉ đồng một phiên.

Nhưng so với cú lao dốc của năm 2022, sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 chỉ ở mức khiêm tốn. Ngược lại, nhiều thị trường chứng khoán không giảm sâu ở năm 2022 đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 như: Hy Lạp tăng 38%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 34%, Nhật Bản tăng 28,5%, Đài Loan tăng 26%.

Đánh giá thị trường chứng khoán năm 2023, ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán DNSE, chọn từ "hụt hẫng".

Theo đó, thị trường có giai đoạn tăng trưởng rất tích cực từ đầu năm đến đầu tháng 9-2023. Thậm chí, có thời điểm chỉ số VnIndex tăng trưởng tới 23,7% so với đầu năm nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN, với bốn lần cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nhưng thị trường đảo chiều từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10, mất hơn 200 điểm chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng. Diễn biếnn ày khiến thành quả của giai đoạn trước đó gần như “tiêu tan”, do áp lực đến từ thị trường quốc tế.

“Chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD - PV) tăng mạnh hơn 7,2% từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10, dẫn đến NHNN phải rút một lượng lớn tiền về hệ thống thông qua kênh tín phiếu. Điều này ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư dù các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế vẫn rất tích cực”, ông Hoà phân tích.

Trong bối cảnh thị trường tồn tại nhiều khó khăn, một điểm sáng là sự trở lại của nhà đầu tư cá nhân. Thậm chí, Trung tâm phân tích và nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) còn cho rằng đây là từ khoá đáng lưu ý cho năm 2023.

Theo đó, nhà đầu tư cá nhân là động lực chính cho giai đoạn thị trường tăng điểm kéo dài trong 4 tháng, từ cuối tháng 4 đến hết tháng 8-2023, dù khối ngoại có động thái bán ròng.

Dòng tiền cá nhân nhập cuộc thận trọng giai đoạn đầu, nhưng mạnh mẽ hơn từ cuối tháng 4 đã giúp VnIndex dần đi lên, trở thành một trong những chỉ số chứng khoán tăng điểm ấn tượng trên thế giới. Dòng tiền nội cũng giúp giao dịch diễn ra sôi động, trên HOSE ghi nhận khoảng 50 phiên có giá trị giao dịch hơn 20.000 tỉ đồng.

Một tính hiệu tích cực khác với thị trường cũng được ông Hồ Sỹ Hoà chỉ ra là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm ngành đang có sự cải thiện dần trong các quí gần đây. Cụ thể, lợi nhuận toàn thị trường quí 1-2023 giảm gần 20% so với cùng kỳ, thì sang quí 2 và 3 chỉ còn giảm 14% và 6%.

Với quí 4-2023, chuyên gia này kỳ vọng được chứng kiến quý kinh doanh đầu tiên trở lại mức tăng trưởng dương.

“Sự hồi phục của kết quả kinh doanh cho thấy thị trường đang đi khá sát với diễn biến nền kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng GDP cải thiện qua từng quý”, ông Hoà cho biết.

Bên cạnh hai điểm sáng trên, nhịp điều chỉnh mạnh từ giữa tháng 9-2023 đã đưa định giá của VnIndex về mức hấp dẫn hơn. Ngoài ra, nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất của NNN vẫn đang tác động đến lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước.

Theo tính toán của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Tiên Phong (TPS), khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại nhóm ngân hàng quốc doanh tại thời điểm ngày 30-11 đã nới lên quanh 2,3%, cao tương tự thời điểm tháng 11-2022 - khi thị trường có sức hấp dẫn lớn đủ để thu hút dòng tiền mua vào một cách đầy quyết liệt, gồm cả dòng vốn ngoại.

Ngoài ra, một nguồn lực còn dư địa dồi dào có thể sẵn sàng tham gia hỗ trợ cho giai đoạn tăng tốc của thị trường là dòng vốn cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán. Cụ thể, dòng tiền cho vay đã thu hẹp trong các quý trước, trong khi năng lực tài chính của công ty chứng khoán được bổ sung mạnh mẽ từ các đợt tăng vốn giúp tỷ lệ dư nợ cho vay margin/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức an toàn và có thể tăng lên nhanh khi thị trường có nhu cầu, theo TPS.

Những kỳ vọng năm 2024

Nhiều yếu tố hội tụ để kéo dòng tiền trở lại kênh đầu tư chứng khoán, nhưng để dòng vốn đầu tư gắn bó lâu dài với thị trường chứng khoán Việt Nam thì cần nhiều nỗ lực hơn từ các cơ quan quản lý và thành viên tham gia thị trường.

Ông Hồ Sỹ Hoà cho biết áp lực từ thị trường quốc tế được dự báo sẽ giảm dần. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quí 3-2023 ghi nhận mức tăng lên tới 4,9% so với quý trước, là quí có tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 12-2021, nhờ lực cầu tiêu dùng tích cực, các hoạt động sản xuất có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, dự báo của nhiều định chế tài chính cho hấy lãi suất điều hành của Fed có thể được cắt giảm bắt đầu từ giữa năm 2024, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường tài chính.

Với kinh tế vĩ mô trong nước, Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao 6-6,5%. Biến số lạm phát có lẽ sẽ tạo ra nhiều áp lực trong năm 2024 khi kế hoạch tăng giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá y tế, giá điện, tiền lương dự kiến sẽ được thực hiện trong năm tới. Nhưng với công cụ điều hành lạm phát mục tiêu của NHNN, chuyên gia này kỳ vọng lạm phát sẽ được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ là khoảng 4-4,5%. Do vậy, kinh tế vĩ mô 2024 có nhiều điểm sáng tích cực, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ và là bệ đỡ cho thị trường chứng khoán trong năm 2024.

Ngoài ra, Ủy ban chứng khoán đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, cũng như sớm đưa hệ thống KRX vào vận hành, sẽ góp phần giúp thanh khoản thị trường được cải thiện, gia tăng dòng vốn nước ngoài đầu tư khoảng 5-8 tỉ đô la Mỹ trong tương lai.

Nói về hệ thống KRX, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết hệ thống đã tiến hành kiểm tra nội bộ và mở rộng nhiều lần.

“Các vấn đề kỹ thuật lớn cơ bản đã được giải quyết, nhưng hiện chúng ta có yêu cầu kỹ thuật của đề án sang với một hệ khác - phục vụ việc kết nối giữa các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam – có chức năng thanh toán bù trừ, nên vẫn còn một số lỗi nhỏ đang được chủ đầu tư và nhà thầu khắc phục”, ông Chi nói và cho biết sẽ sớm tiến hành vận hành thử nghiệm hệ thống với tất cả thành viên thị trường, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Với hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), thông tin từ Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết đơn vị đã hoàn tất và sẵn sàng triển khai CCP khi hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) của thị trường đi vào hoạt động.

Theo đó, mô hình CCP triển khai cho thị trường chứng khoán cơ sở sẽ nâng sức mua của nhà đầu tư lên đáng kể khi thay đổi tỷ lệ ký quỹ trước khi mua, thay vì phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước khi mua thì nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ với mức dự kiến khoảng 10-20%.

Thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện khi nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về được áp dụng sau khi triển khai CCP cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán do các tính năng liên quan đã được tích hợp trong hệ thống công nghệ thông tin mới, cũng như khung pháp lý cho các giao dịch này. Đồng thời, việc triển khai cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở sẽ có tác động rất quan trọng đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ hạng cận biên lên mới nổi.

Bên cạnh giải pháp kỹ thuật, ông Nguyễn Đức Chi cho biết nâng cao năng lực thị trường, gồm nâng cao năng lực của cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, các nhà đầu tư chuyên nghiệp và đa số các nhà đầu tư là điều rất quan trọng trong tình hình hiện nay.

“Làm sao để có một nguồn nhân lực tham gia vào thị trường chứng khoán ngày càng nâng cao về chất lượng là nhiệm vụ hết sức quan trọng của toàn ngành chứng khoán, không riêng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý. Các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc với chúng tôi để công tác thông tin thị trường thực hiện một cách chính xác nhất, át đi những thông tin không chính thống, xây dựng thị trường chứng khoán thực sự minh bạch, thực sự cạnh tranh”, ông Chi nói tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2024.

Bổ sung, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết được huy động vốn qua thị trường chứng khoán, gắn IPO với niêm yết, rút ngắn thời gian phát hành IPO với thời gian được niêm yết trên thị trường chứng khoán và chủ động công bố thông tin một đầu mối.

“Đây là giải pháp UBCKNN, cùng Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán và các sở giao dịch đang triển khai và quyết tâm ngay đầu năm 2024. Quyết tâm trong đầu năm 2024, các doanh nghiệp niêm yết sẽ được công bố thông tin một đầu mối, không phải nộp cho các đơn vị như hiện nay”, bà Phương nhấn mạnh.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - một thị trường có tính liên thông với thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Chi cho biết việc trở lại với các quy định của Nghị định 65/2022 từ đầu năm 2024 sẽ là bước đi tiếp theo, hướng tới nâng chất cho thị trường cao hơn với yêu cầu đơn vị phát hành trái phiếu ở một quy mô nhất định phải xếp hạng tín nhiệm. Thậm chí, những đơn vị phát hành ở quy mô nhỏ cũng có thể tự nguyện tham gia xếp hạng để tăng cường tính minh bạch.

Ngoài ra, kết quả phát hành của năm 2023 cho thấy tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia vào thị trường sơ cấp chỉ ở mức trên dưới 5% tính trên tổng mức phát hành, thể hiện sự thay đổi tốt về nhận thức của chủ thể tham gia thị trường.

“Nhà đầu tư nào thật sự hiểu, thật sự chuyên nghiệp sẽ tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ông Chi nói.

Theo thống kê từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 12/2023 trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hoạt động huy động vốn thông qua phát hành có dấu hiệu ấm lên, khi hàng loạt công ty trong nhiều lĩnh vực phát hành thành công nhiều lô trái phiếu khác nhau.

Trong đó, một số thương vụ huy động vốn trái phiếu đáng chú ý. Chẳng hạn, Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã liên tiếp phát hành 2 lô trái phiếu với cùng mệnh giá 1.000 tỉ đồng với lãi suất cùng 10,5% một năm và kỳ hạn 7 năm. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Trung Nam đã phát hành thành công 2.230 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 10% một, kỳ hạn 2 năm. Công ty cổ phần Sài Gòn Capital phát hành tổng cộng 3.000 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 12,5% một năm và kỳ hạn 60 tháng; Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn xây dựng An Quân phát hành 1.495 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 14% một năm và kỳ hạn 60 tháng.

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới