Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trong quí 2, một số ngành nghề có thể cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo, trong quí 2 này, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng cao ở một số lĩnh vực như sản xuất sản phẩm điện tử máy tính, chế biến thực phẩm. Trong khi đó, ngành may mặc, sản xuất đồ gỗ sẽ còn tiếp tục sụt giảm đơn hàng dẫn đến việc cắt giảm lao động. Thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã tổ chức những hoạt động để kết nối cung-cầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong tuyển dụng và tìm kiếm việc làm phù hợp.

Công nghiệp chế biến - chế tạo có nhu cầu tuyển nhiều lao động trong quí đầu năm. Ảnh minh họa: TL

Hơn 27% người lao động muốn mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa thông tin về thị trường lao động quí 1-2023. Theo đó, có hơn 16.700 lượt doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng với nhu cầu tuyển lao động là gần 75.300 người. Đồng thời, số người lao động tìm việc làm khoảng 72.500 lao động. Số liệu này được phân tích từ việc đăng tuyển dụng của các doanh nghiệp và người lao động tìm việc làm từ hệ thống trực tuyến.

Cũng trong quí đầu năm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ là 49,4%; theo trình độ cao đẳng, sơ cấp, trung cấp chiếm 42,3% và không yêu cầu trình độ chuyên môn là 8,3%.

Một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều như thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; buôn bán; sửa chữa ô tô, xe máy. Trong đó, vị trí có nhu cầu tuyển nhiều nhất là chuyên môn bậc cao, lãnh đạo và quản lý trong doanh nghiệp, thợ lắp ráp và vận hành máy móc, nhân viên văn phòng.

Về phía người lao động, theo khảo sát, mức lương mong muốn từ 5-10 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ là 40,9%; mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng chiếm 27,1%. Người lao động cũng tìm việc nhiều nhất trong những nhóm nghề, vị trí như công nghiệp, nhân viên bán hàng và kinh doanh, kế toán và tài chính, quản lý sản xuất, quản lý nhân sự và dự án.

Một số ngành nghề tiếp tục giảm lao động

Theo trang web của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong quí 2, một số ngành như may mặc, sản xuất đồ gỗ sẽ còn tiếp tục sụt giảm đơn hàng dẫn đến việc cắt giảm lao động. Trong khi đó, một số ngành tăng nhu cầu tuyển dụng lao động như sản xuất sản phẩm điện tử máy tính, sản xuất chế biến thực phẩm.

Ví dụ như ngành sản xuất sản phẩm điện tử máy tính, sản phẩm quang học có nhu cầu tuyển 28.200 vị trí việc làm; ngành sản xuất chế biến thực phẩm sẽ cần thêm 18.600 vị trí; sản xuất đồ uống tăng thêm 4.700 vị trí việc làm.

Ngược lại, ngành may mặc sẽ giảm bớt 38.100 người lao động; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 38.000 người; ngành in, sao chép bản ghi các loại sẽ giảm khoảng 37.800 người.

Riêng ở TPHCM, theo thanhuytphcm.vn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, trong quí 2-2023, thành phố cần khoảng 67.000-73.000 vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu nhân lực cho những ngành công nghiệp trọng yếu là 14.000-15.000 chỗ việc làm, chiếm 21% tổng nhu cầu; nhân lực cho cho những ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ là 38.800-42.300 vị trí việc làm, chiếm 58% tổng nhu cầu.

Một phiên giao dịch giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: N.T.

Nhiều hoạt động kết nối cung-cầu lao động

Theo TTXVN, quí 1 vừa qua, nhiều địa phương đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối cung-cầu lao động qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Chẳng hạn như hồi đầu tháng 3, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cùng với 5 tỉnh miền Bắc là Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn đã phối hợp để tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp và cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động.

Các doanh nghiệp tham gia có nhu cầu tuyển dụng với hơn 19.700 vị trí việc làm. Trong đó, Hà Nội cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm; Bắc Giang tuyển gần 2.300 vị trí; Ninh Bình khoảng 2.500 vị trí. Doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất, khách sạn, siêu thị…

Còn theo thanhuytphcm.vn thông tin, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã tổ chức 25 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong quí 1, giới thiệu việc làm cho hơn 41.100 lượt người; đồng thời, tham gia triển khai các chương trình tiếp sức người lao động.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ thông tin trong một buổi họp báo đầu tháng 4 rằng, trong quí 2 này, thành phố sẽ tổ chức 47 phiên, sàn giao dịch việc làm. Mới đây nhất, ngày 7-4, địa phương đã cùng các đơn vị tổ chức 3 sàn giao dịch việc làm liên quan đến ngành du lịch và phiên việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ.

Về việc đưa lao động sang nước ngoài làm việc, trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong quí 1, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 người, đạt 34.48% kế hoạch năm.

Một số chương trình mà Việt Nam kết nối để đưa lao động sang nước ngoài làm việc như tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý theo chương trình EPA (Nhật Bản), chương trình EPS đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới