Thứ sáu, 23/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trồng rừng đâu dễ!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trồng rừng đâu dễ!

Nông dân ĐBSCL trồng cây bạch đàn trên bờ kênh, bờ ruộng làm bóng mát, vừa cho thu hoạch cung cấp cho chế biến gỗ - Ảnh: HỒNG VĂN

(SGTO) - Trồng cây gây rừng là giải pháp được các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đặt ra từ nhiều năm qua như một giải pháp hướng công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đến sự phát triển bền vững, tránh lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, việc đầu tư trồng rừng không phải dễ dàng.

Xí nghiệp chế biến gỗ nội thất Pisico ở Bình Định là doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào thị trường châu Âu và Mỹ với kim ngạch xuất khẩu tăng cao hàng năm. Từ 3 triệu đô la Mỹ năm 2004, kim ngạch xuất khẩu của Pisico đã tăng lên 5,2 triệu đô la Mỹ năm 2006 và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đạt gần 4 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc xí nghiệp cho biết, khó khăn hiện nay của Pisico cũng như nhiều doanh nghiệp khác là thiếu gỗ nguyên liệu trong nước, phải nhập khẩu và phụ thuộc vào sự bất ổn của thị trường gỗ nguyên liệu trên thế giới.

Thực trạng rừng trong nước

Đề cập đến nguồn gỗ, ông Thu cho rằng, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chuyển sang nguồn gỗ từ rừng trồng trong một tương lai không xa, chưa đầy 10 năm nữa thôi, do trữ lượng rừng tự nhiên của Việt Nam hiện đã cạn kiệt.

Thế nhưng, phần lớn diện tích rừng trồng kinh tế của nước ta hiện nay lại chủ yếu trồng cây bạch đàn (eucalyptus) và keo (acacia). Mặc dù hai loại cây này có tác dụng phủ xanh đất trống đồi trọc và làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ, sản xuất ván nhân tạo nhưng giá trị thương phẩm không cao.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải nhập khẩu từ nước ngoài gỗ bạch đàn với giá 2,9 triệu đồng mỗi mét khối và gỗ keo với giá 1,5 triệu đồng mỗi mét khối. Bạch đàn và keo trong nước trồng khá nhiều nhưng nông dân chỉ bán được 0,6-0,65 triệu đồng/mét khối, do cây nhỏ, chất lượng gỗ kém, năm tuổi thấp và chỉ đạt yêu cầu bán cho các nhà máy chế biến dăm, ván nhân tạo hay làm nguyên liệu giấy. 

Theo ông Đoàn Văn Trang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khải Vy ở quận 7, TPHCM, mỗi năm ngành công nghiệp gỗ trong nước cần 2,5-3 triệu mét khối gỗ nhưng lượng gỗ mà Chính phủ cho phép khai thác chỉ bằng 20% nhu cầu, phần còn lại doanh nghiệp phải nhập khẩu. Nếu tính một mét khối gỗ dầu (có trồng ở một số công viên và trên đường phố ở TPHCM để làm bóng mát) doanh nghiệp mua trong nước giá 80 đô la Mỹ thì giá gỗ dầu nhập khẩu lại lên tới ít nhất 105 đô la Mỹ. Giá gỗ nhập khẩu cao nhưng doanh nghiệp vẫn phải bỏ tiền ra mua. 

Bên cạnh đó, trước sức ép của người tiêu dùng ở các nước phát triển, các nhà nhập khẩu đồ gỗ luôn yêu cầu nhà xuất khẩu phải chế biến sản phẩm từ nguồn gỗ "sạch", không có hại cho môi trường sinh thái, có các chứng nhận của hội đồng quản lý rừng bền vững quốc tế FSC (Forest Stewardship Council). Điều đó cũng góp phần tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong nước, bởi đáp ứng yêu cầu này đồng nghĩa với việc chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng thêm.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến Nông lâm sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết cả nước hiện có 720.000 héc ta rừng trồng có thể cung cấp nguyên liệu gỗ nhưng đa phần là chất lượng thấp, chỉ có thể làm nguyên liệu cho ván nhân tạo, gỗ dăm. "Trên thực tế, trong gần một thập kỷ qua, việc trồng rừng trong nước chỉ nhằm tăng độ che phủ, phủ xanh đất trống đồi trọc, nếu có thêm thu nhập do bán nguyên liệu làm giấy hay ván dăm thì tốt cho nông dân và lâm trường chứ chưa ai khuyến cáo nông dân trồng cây rừng loại tốt dùng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu," ông Hoà thừa nhận điểm yếu kém của ngành lâm nghiệp.

Trông chờ vào những thay đổi

Ông Hòa cho biết, mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp và trồng rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là hình thành vùng nguyên liệu gỗ từ việc trồng rừng với tổng diện tích 825.000 héc ta từ nay tới năm 2020. "Nếu lựa chọn giống cây rừng phù hợp, có sự đầu tư của doanh nghiệp thì tới năm 2020, chúng ta có thể chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu, nếu không nói là đảm bảo cung ứng hoàn toàn gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp gỗ trong nước," ông Hòa nói.

Chia sẻ ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Thu nói rằng, ở các nước đang phát triển tương tự như Việt Nam là Solomon, Nam Phi, Brazil hay Urugoay, họ chọn giống cây rừng phù hợp, vừa cung cấp gỗ nguyên liệu cho thị trường trong nước, vừa xuất khẩu. Cũng là bạch đàn nhưng Solomon và các đảo quốc vùng Nam Thái Bình Dương thì chọn giống Deglupta, Nam Phi thì lại chọn giống Saligna, Brazil và các nước vùng Nam Mỹ thì chọn giống Grandis, còn Việt Nam hiện nay lại trồng giống Urophylla, cho chất lượng gỗ thấp. Myanmar nổi tiếng với gỗ teak có nhiều ở rừng tự nhiên, rừng trồng và thậm chí người dân nước này còn trồng cây teak làm bóng mát trên đường phố và thu họach bán ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Ở châu Âu có gỗ thích (Maple) vừa trồng thành rừng, vừa trồng làm cảnh trên đường phố; đây cũng là loại cây cho gỗ tốt dùng để chế biến đồ gỗ cao cấp. "Do đó, Việt Nam nên chọn một số loài cây gỗ chủ lực để trồng thành rừng, kể cả trồng làm bóng mát có lợi cho môi trường nhưng lâu dài sẽ có nguồn gỗ dồi dào", ông Thu gợi ý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện đang có 5.300 héc ta rừng giống phục vụ cho việc tuyển chọn cây giống cho trồng rừng ở trong nước và ông Hòa thừa nhận, rừng giống này hiện mới chỉ đủ năng lực cung cấp giống một số loại cây như keo, bạch đàn, thông, còn các loại cây rừng có giá trị cao mà thị trường thế giới ưa chuộng như teak, lát Mehico thì chưa. Năng lực nhân giống cây bằng hạt, bằng cấy mô của cả nước hiện chỉ 128 triệu cây giống mỗi năm. Ông Hòa cho rằng con số trên chưa thể đáp ứng nếu các doanh nghiệp ngành lâm nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều cây giống tốt.

Theo ông Hòa, hiện nay, ngoài các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy hay ván dăm thì đã có một công ty 100% vốn của Việt Nam chuyên về chế biến gỗ, đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin trồng 25.000 héc ta rừng cây gỗ lớn phục vụ ngành chế biến gỗ. Dự án kéo dài tới năm 2015 này có kinh phí đầu tư hàng triệu đô la Mỹ, chứng tỏ doanh nghiệp đã có ý thức trồng rừng để chủ động nguồn nguyên liệu gỗ, một phương cách được các nhà quản lý đánh giá là phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Trang thuộc công ty Khải Vy lại cho rằng việc đầu tư trồng rừng không phải dễ, vì vốn đầu tư lớn, vòng quay vốn lại kéo dài nên ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài chuyện trồng rừng, doanh nghiệp còn phải lo chuyện bảo vệ rừng thật trước sự "để mắt" của lâm tặc và nạn phá rừng làm nương rẫy của dân địa phương. 

Bên cạnh đó, những khó khăn khách quan gây ra như thiên tai như lũ lụt, cháy rừng cũng góp phần làm nản lòng nhà đầu tư. "Đầu tư trồng rừng thực tế là loại hình đầu tư mạo hiểm và vì vậy, có gần 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước nhưng số doanh nghiệp tham gia trồng rừng thì đếm dưới đầu ngón tay", ông Trang nhận định.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới