Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trồng rừng và nuôi nguồn sinh dưỡng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - "Phủ xanh" là chương trình CSR thường thấy của các tập đoàn, nhưng với PAN, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mục tiêu đặt ra không chỉ là tăng số lượng cây rừng mà còn tác động trên nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội với người bản địa. Dự án “Nguồn Sống Lâm Sinh” đi qua chặng đường 3 năm trong kế hoạch 10 năm, nhưng đã đạt được hơn 50% mục tiêu đặt ra.

Dự án trồng rừng đặc dụng trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen do Tập đoàn PAN triển khai . Ảnh: DNCC.

Từ hồi sinh rừng tràm, bảo tồn hệ sinh thái…

Diện tích rừng đặc dụng đang dần biến mất là bài toán nan giải đối với các địa phương sở hữu hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vùng lõi của đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An cũng ở trong trường hợp này. Theo một khảo sát năm 2021, diện tích rừng đặc dụng tại đây đã giảm 139,21 ha so với con số vào năm 2014.

Với hơn 5.000ha rừng tràm, cù lao, đầm lầy, sông ngòi, đồng cỏ…, Láng Sen là một trong số ít các khu vực ngập nước nội địa tự nhiên còn lại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái đa dạng. Khu Ramsar thứ 7 trong tổng số 9 khu của Việt Nam này hiện là ngôi nhà của trên 150 loài thực vật theo mùa, 148 loài chim nước, trong đó có Sếu đầu đỏ, loài chim có tên trong Sách đỏ thế giới và nhiều loài quý hiếm khác.

Cuối năm 2022, một dự án mới chính thức triển khai nhằm cải thiện tình trạng này. Theo đó, mục tiêu dự án là trong giai đoạn 2022-2024 sẽ trồng 340.000 cây tràm nước trên 17 ha, nhằm tái tạo lại 1 phần diện tích cây tràm đã chết. Không chỉ ổn định đất đai, phục hồi sinh cảnh, về lâu dài dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc tái tạo hệ sinh thái ngập lũ cho các loài động thực vật hoang dã, thúc đẩy đa dạng sinh học ở khu bảo tồn.

“PAN kỳ vọng góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam, tăng diện tích che phủ cây xanh và chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải CO2 và thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng chung tay bảo vệ môi trường sống, cân bằng hệ sinh thái”, đại diện tập đoàn PAN phát biểu trong buổi lễ phát động dự án khi đó. Dự án này PAN chung tay cùng Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và Công ty C.P. Việt Nam.

Tái tạo một phần rừng tràm ở Láng Sen trên thực tế chỉ là một trong số các hợp phần trong chương trình “Nguồn sống lâm sinh” do PAN triển khai từ năm 2020. Các hoạt động trồng rừng này không chỉ liên quan trực tiếp đến môi trường, mà còn quan tâm đến sinh kế người dân bản địa, phát triển của địa phương.

Đến mục tiêu phát triển bền vững

Trồng cây thì nhiều nhưng rừng đặc dụng lại là câu chuyện mang tính vĩ mô hơn. Theo số liệu công bố hồi tháng 6-2023 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là khoảng 42,02%. Con số này ấn tượng so với mức trung bình 29% của nhiều nước trên thế giới, nhưng vấn đề là chất lượng rừng chưa đảm bảo tính bền vững khi rừng sản xuất vẫn chiếm phần lớn.

Đây cũng là lý do vì sao PAN khởi xướng dự án “Nguồn sống lâm sinh”, không chỉ dừng ở những con số về độ che phủ cây xanh, mà quan trọng hơn là phải che phủ một cách bền vững và chất lượng. Với mục tiêu 1 triệu cây được trồng trong vòng 10 năm (giai đoạn 2020 – 2030), dự án này được lãnh đạo PAN kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động rõ nét cả về môi trường, đa dạng sinh học, và hỗ trợ sinh kế cho người dân trong khu vực.

“Nguồn sống lâm sinh” sẽ giúp cải thiện môi trường đất - nước - không khí, giảm phát thải carbon, bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời giúp duy trì sinh kế, cải thiện thu nhập, việc làm của lao động địa phương nơi triển khai dự án.

Tiêu chí thực hiện đầu tiên là lựa chọn loại cây phù hợp với đặc điểm và mục tiêu của từng khu vực. Các loại cây bản địa, cây thân gỗ và các loại cây có giá trị bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho bà con địa phương được ưu tiên trồng.

Đại diện Tập đoàn PAN và lãnh đạo Vườn quốc gia Cúc Phương trồng cây tại hợp phần "Thêm xanh cho cánh rừng già". Ảnh: DNCC..

Khởi nguồn từ một dự án ở quy mô tập đoàn nhưng “Nguồn sống lâm sinh” đã thu hút được sự tham gia của các đối tác, các tổ chức phi chính phủ, Chính quyền địa phương và nhiều tổ chức khác. Sau ba năm triển khai, PAN cho biết dự án đã trồng được 555.000 cây trên khắp 9 tỉnh thành, phủ xanh hơn 1.200 ha và tác động tích cực đến hơn 6.000 hộ dân.

Theo đó, có thể kể đến những dấu chân đầu tiên tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với 51.000 cây quế được hỗ trợ cho phụ nữ xã Nghĩa Sơn có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, dự án triển khai trồng cây đồng thời hướng dẫn người dân ở những khu vực khó khăn nhất ở các tỉnh, vùng núi phía bắc làm kinh tế rừng.

Một hợp phần dự án khác là 105.000 cây ăn quả các loại đã được trồng xen lẫn cây cà phê trên diện tích 1.200 ha tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Mục tiêu của hợp phần này là “bảo tồn tài nguyên, sản xuất bền vững và an sinh xã hội”, đi cùng hợp tác với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), nhằm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững dựa trên tăng trưởng xanh, đồng thời thúc đẩy hệ thống trồng xen, thiết lập các mô hình chăn nuôi hiệu quả để đem lại thu nhập tốt hơn cho các hộ dân.

Không chỉ phủ xanh đồng bằng và miền núi, dự án cũng đến các đảo xa xôi thuộc huyện đảo Trường Sa với gần 39.000 cây giống, gồm cây phòng hộ và cây ăn quả như phi lao, mít nghệ cao sản, dừa xiêm xanh, ổi ta, hạt giống rau, đất, phân mùn, và một số sản phẩm tiêu dùng đã được trao tặng.

Có những bước tiến dài nhưng “Nguồn sống lâm sinh” được lãnh đạo PAN đánh giá là còn nhiều việc cần làm đến năm 2030, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang triển khai một số dự án nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. “Những dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động lớn và tích cực trong ngành nông nghiệp, đồng thời tạo lập giá trị bền vững cho hàng triệu nông dân”, lãnh đạo tập đoàn nông nghiệp (hoạt động trong ngành cá tra, điều, tôm, nông dược và khử trùng) cho biết thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới