Thứ sáu, 21/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc áp cơ chế định giá thị trường cho năng lượng tái tạo

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo cải cách chính sách của Trung Quốc, kể từ tháng 6, các dự án năng lượng tái tạo mới ở nước này phải bán điện theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá.

Thay đổi này có thể đặt ra thách thức mới cho các nhà phát triển năng lượng mặt trời và gió ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn được hưởng lợi trong nhiều năm qua nhờ chính sách bán điện theo giá ưu đãi do nhà nước ấn định (giá FIT).

Trang trại điện mặt trời và điện gió ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Tuần trước, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Cục lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) ban hành chỉ thị nhằm đẩy nhanh quá trình định giá theo thị trường đối với năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Theo đó, bắt đầu ngày 1-6, toàn bộ điện từ các dự án năng lượng tái tạo mới phải được bán thông qua giao dịch thị trường, thay thế hệ thống giá FIT hiện tại. Các tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu mua điện tái tạo để hòa vào lưới điện. Các nhà phát triển dự án năng lượng tại tạo có thể đấu thầu giá và sản lượng hoặc chấp nhận mức giá thị trường hiện hành.

Riêng với các dự án được đưa vào vận hành trước tháng 6 năm 2025, chính sách giá FIT vẫn được duy trì. Các dự mới vận hành sau thời hạn này sẽ có hợp đồng mua điện được điều chỉnh linh hoạt dựa trên mục tiêu năng lượng tái tạo tại địa phương, với giá được thiết lập thông qua đấu thầu cạnh tranh.

“Với sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, giá ưu đãi cố định bán vào lưới điện không thể phản ánh chính xác cung cầu thị trường và không chia sẻ trách nhiệm điều tiết hệ thống điện”, chỉ thị của NDRC và NEA giải thích.

Cũng theo chỉ thị này, các nhà phát triển năng lượng tái tạo sẽ được bảo vệ trước tình trạng giá cả biến động quá mức bằng hệ thống thanh toán cân bằng. Cụ thể, nếu giá điện giảm xuống dưới mức đã thỏa thuận, cơ quan vận hành lưới điện sẽ hoàn trả cho các nhà phát điện phần thiếu hụt. Nếu giá vượt quá ngưỡng đó, nhà phát điện sẽ trả lại phần chênh lệch.

Yan Qin, nhà phân tích của ClearBlue Markets, công ty tư vấn carbon có trụ sở ở Canada cho biết, các chính sách mới này là một bước đột phá, phản ánh nỗ lực liên tục của chính phủ Trung Quốc nhằm chuyển hướng ngành năng lượng tái tạo đang phát triển khỏi tình trạng trợ cấp.

Trung Quốc vừa là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới vừa là nước khai thác năng lượng tái tạo lớn nhất. Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo bao gồm gió và mặt trời đã tăng lên 1.410 GW vào năm ngoái, giúp Trung Quốc  đạt được mục tiêu năm 2030 sớm hơn sáu năm.

Tuy nhiên, chính sách định giá thị trường cho năng lượng tái tạo cho thể kìm hãm cơn bùng nổ năng lượng sạch ở Trung Quốc. Hai nhà phân tích Diana Xia và Penny Chen của Fitch Ratings nhận định, trong những tháng sắp tới, các nhà phát triển năng lượng tái tạo ở Trung Quốc có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trước thời hạn tháng 6 để đủ điều kiện hưởng chính sách giá FIT.

Ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc trải qua sự thay đổi chính sách liên tục kể từ khi bắt đầu mở rộng nhanh chóng cách đây hơn một thập niên. Bắc Kinh đã tìm cách cân bằng giữa các mục tiêu đôi khi đối lập nhau là cố gắng cắt giảm khí thải nhà kính trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy hệ thống điện theo hướng tiếp cận dựa trên thị trường nhiều hơn.

Kết quả là gần một nửa lượng điện gió và điện mặt trời của Trung Quốc đã được bán trên thị trường mở trong năm 2023, tăng từ mức dưới 10% vào năm 2019, theo Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF). Phần còn lại được định giá theo giá chuẩn của điện than, nguồn điện chính của đất nước.

David Fishman, cố vấn của Lantau Group cho biết, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cân bằng thành công các nhiệm vụ song song này nhằm phi carbon hóa và tự do hóa thị trường năng lượng. Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo kỷ lục, ngay cả khi các nhà phát triển nhận được ít ưu đãi ngày càng ít đi và đối mặt với  tình trạng bất ổn hơn trên thị trường

“Sự điều chỉnh chính sách mới nhất này là sự tiếp nối của xu hướng đó”, David Fishman nói.

Ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc từng trải qua các chu kỳ bùng nổ và suy thoái. Cơn bùng nổ gần đây nhất diễn ra sau tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2020 rằng, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) trong vòng bốn thập niên. Vào năm 2023, Trung Quốc lắp đặt nhiều điện gió và điện mặt trời hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Điều đó dẫn đến tình trạng lãng phí ngày càng nhiều điện từ các tuốc-bin và tấm pin do công suất của hệ thống lưới điện hạn chế.

Tuy nhiên, sau nhiều năm giảm cắt giảm chi phí, năng lượng tái tạo ở Trung Quốc đã có thể cạnh tranh với điện than. Theo BNEF, từ năm 2022 đến nửa đầu năm 2024, giá trung bình cho điện mặt trời và điện gió bán trên thị trường mở ở Trung Quốc lần lượt khoảng 210 nhân dân tệ và 250 nhân dân tệ cho mỗi MWh, so với hơn 450 nhân dân tệ/MWh của điện than.

Một lĩnh vực có thể đối mặt với tình trạng bất ổn gia tăng do sự điều chỉnh chính sách là hệ thống pin trữ điện. Các quy định mới không còn yêu cầu các trang trại điện gió và điện mặt trời phải lưu trữ một lượng điện nhất định. Dù chính sách đó giúp thúc đẩy doanh số bán pin, nhưng lại bị chỉ trích vì tạo ra quá nhiều công suất nhàn rỗi do không có động lực sử dụng hệ thống sau khi đã lắp đặt.

Việc hủy bỏ quy định bắt buộc chủ dự án năng lượng tại tạo lắp đặt hệ thống trữ điện có thể sẽ tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất pin trữ điện, theo nhận định của các nhà phân tích từ ngân hàng Citigroup.

Nhưng về lâu dài, việc chuyển sang thị trường điện tự do hơn sẽ khiến lĩnh vực lưu trữ năng lượng trở nên hấp dẫn hơn. Theo BNEF, đối với năng lượng mặt trời, các hệ thống như vậy sẽ có nhu cầu lớn hơn do khả năng dao động lớn hơn giữa giá điện ban ngày rẻ hơn và giá điện đắt hơn được vào buổi tối.

Theo Bloomberg

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới